Đẩy mạnh cơ giới hóa khai thác than hầm lò - Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
Công tác cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa là một trong những chủ trương đổi mới và đột phá của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), để nâng cao chất lượng, hạ giá thành và tạo tiền đề phát triển lâu dài ngành công nghiệp khai khoáng.
Cơ giới hóa được áp dụng tại Công ty than Nam Mẫu
Vì vậy tham gia đẩy mạnh công tác cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của các cấp, các tổ chức cùng tham gia đồng bộ phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, áp dụng hiệu quả công tác cơ giới hóa.
Trong những năm qua, Tập đoàn và các đơn vị đã tập trung chỉ đạo, thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa khai thác, đào lò. Trước năm 2010, Tập đoàn đã nghiên cứu và đầu tư áp dụng cơ giới hóa đào lò và cơ giới hóa (CGH) khai thác than: CGH đào lò than đã được áp dụng đầu tiên tại Công ty than Mông Dương vào năm 2003 sau đó được áp dụng ở hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn; CGH khai thác được áp dụng đầu tiên tại Công ty than Khe Chàm vào năm 2002, sau đó năm 2007 và 2010 tiếp tục đầu tư áp dụng tại Công ty than Vàng Danh, Nam Mẫu; năm 2008 áp dụng CGH khai thác vỉa dốc bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH kết hợp máy bào than tại Mạo Khê và Hồng Thái. Từ năm 2015 tiếp tục áp dụng cơ giới hóa trong khai thác vào các đơn vị: Hà Lầm, Dương Huy, Quang Hanh, Khe Chàm; các loại hình công nghệ cơ giới hóa khai thác đã đưa vào áp dụng như CGH đồng bộ, khấu hết chiều dày vỉa thực hiện tại Khe Chàm, Dương Huy, Quang Hanh; CGH đồng bộ, hạ trần thu hồi than nóc ở đuôi dàn, vận tải bằng máng cào sau thực hiện tại Hà Lầm, Khe Chàm...Sản lượng và tỷ lệ than khai thác bằng cơ giới hóa/tổng sản lượng than khai thác bằng các loại hình công nghệ tăng từ 575.624 tấn năm 2013 lên 720.568 tấn năm 2015; năm 2016 đã đạt 1,384 triệu tấn và chiếm 6,6% sản lượng than hầm lò (7,52% sản lượng than khai thác bằng các loại hình công nghệ), tăng gần gấp 2 lần mức sản lượng khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa năm 2015. Đặc biệt tại Công ty cổ phần than Hà Lầm, lò chợ cơ giới hóa 600 ngàn tấn/năm đã đạt công suất thiết kế, lò chợ cơ giới hóa công suất 1.200 ngàn tấn/năm đi vào hoạt động hiệu quả đã khẳng định sự đúng đắn trong định hướng cơ giới hóa của Tập đoàn, đồng thời cũng khẳng định thợ lò Tập đoàn có đủ trình độ và tay nghề để làm chủ công nghệ.
Chủ trương của Tập đoàn là “Không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn”. Đồng thời, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TKV Lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ rõ “Trong 5 năm tới phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường áp dụng tự động hóa và cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến”. Ngày 02/3/2017 Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-NQ/ĐU về tập trung lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 431/KH-CĐTKV ngày 27/4/2017 về tham gia đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp cùng cơ quan chuyên môn tăng cường áp dụng công nghệ khoa học mới vào sản xuất, quản lý điều hành nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao công tác an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đồng thời phối hợp cùng cơ quan chuyên môn xây dựng các cơ chế khuyến khích về tiền lương và các chính sách đãi ngộ đối với người lao động có những đóng góp tích cực trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chỉ đạo các đơn vị khai thác than hầm lò có kế hoạch thực hiện mục tiêu thi đua về cơ giới hóa trong năm 2017 chủ động phối hợp cùng chuyên môn đề ra các giải pháp tổ chức quản lý, làm chủ công nghệ, phấn đấu sản lượng các lò chợ cơ giới hóa thực hiện đạt và vượt công suất thiết kế.
Có thể nói việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ đã tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ như tách phá than và chống giữ được thực hiện bằng thiết bị cơ giới hóa. Các loại vì chống cơ giới hóa đặc trưng bởi sức kháng tải cao, độ ổn định tốt, tạo không gian lò chợ rộng rãi giúp cho nâng cao mức độ an toàn sản xuất và cải thiện điều kiện môi trường làm việc cho người lao động, từ đó tăng năng suất và giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ. Thực tế cho thấy, trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải đến nghiêng, lò chợ CGH đồng bộ tại Khe Chàm đạt sản lượng cao hơn từ 2,3 - 3,9 lần, yêu cầu nhân lực trực tiếp chỉ khoảng 90 người (bằng 64,3% lò chợ thủy lực đơn), đã cho năng suất lao động cao gấp 3,5 lần so với lò chợ thủy lực đơn trong cùng điều kiện. Tại than Hà Lầm từ khi đưa lò chợ cơ giới hóa 600.000 tấn/năm vào hoạt động, sản lượng trung bình đạt 2.500 tấn/ngày đêm, có ngày đạt 4.500 tấn; lò chợ 1,2 triệu tấn ngày cao nhất đạt 5.800 tấn. Tiến độ khấu trung bình 1,2÷ 1,8m/ngày. Số lao động trực tiếp trong lò chợ 600 ngàn tấn/năm là 119 người, năng suất lao động trực tiếp là 18,42 tấn/công (từ khi áp dụng đến nay), nếu trừ nhân công xúc dọn máng cào, củng cố ngã 3 đầu và chân lò chợ, khoan cắt đá... và loại trừ sản lượng ngày công 2 tháng đầu lắp đặt chạy thử thì năng suất đạt 22,79 tấn/công, tăng 2,5 lần năng suất khai thác lò chợ giá xích (7,4 tấn/công); tăng 3,16 lần năng suất khai thác lò chợ giá XDY (5,82 tấn/công), dự kiến năng suất lao động bình quân thực hiện năm 2017 đối với lò chợ 600.000 tấn của Hà Lầm là 24 tấn/công (TH 6 tháng 35,73T/công) và lò chợ 1,2 triệu tấn là 38 tấn/công (TH 6 tháng 31,8T/công). Nếu trừ nhân công xúc dọn máng cào, củng cố ngã 3 đầu và chân lò chợ khoan cắt đá, ép nước ... thì năng suất lao động đạt 43,25T/công.
Thu nhập của lao động trong các lò chợ cơ giới hóa qua thống kê tại Công ty than Khe Chàm sau khi đưa vào áp dụng CGH thu nhập của người lao động đạt 688.0000 đ/công cao hơn 237.000 đ/công so với các đơn vị khai thác khác trong Công ty (451.000 đ/công). Tại Công ty than Hà Lầm sau khi áp dụng cơ giới hóa tiền lương bình quân 19,9 triệu đồng/tháng, cao hơn 8 triệu đồng/tháng so với đơn vị áp dụng công nghệ giá xích (11,9 triệu/người/tháng). Tại lò chợ CGH, năm 2016 có 9 thợ lò đạt mức thu nhập 300 triệu đồng/năm và 30 thợ lò đạt 250 triệu đồng/năm. 6 tháng đầu năm 2017 đã có 77 thợ lò đạt mức 25,3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt là tỷ lệ thợ lò bỏ việc tại Phân xưởng cơ giới hóa chỉ có 4,46%, trong khi đó tỷ lệ nghỉ của phân xưởng giá xích là 29,7%. Tỷ lệ tai nạn lao động tại các lò chợ áp dụng cơ giới hóa luôn ở mức thấp sơ với các lò chợ khác, trong 6 tháng đầu năm 2017 các vụ tai nạn lao động nặng và sự cố đều không xảy ra tại các lò chợ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đặc biệt trong tháng 7 tại than Hà Lầm đã đạt được mục tiêu đưa tai nạn lao động và sự cố bằng không.
Hiện nay đối với các công nghệ khấu gương bằng khoan nổ mìn cho năng suất thấp, sử dụng nhiều vật tư phục vụ khai thác, dẫn đến giá thành sản xuất cao, tập trung chủ yếu ở chi phí tiền lương và nguyên vật liệu. So với lò chợ thủy lực đơn, lò chợ CGH đồng bộ trong cùng điều kiện tại Công ty than Khe Chàm đồng thời với khả năng nâng cao công suất và năng suất lao động, đã cho phép hạ giá thành khai thác xuống còn 217.458 đồng/tấn, chỉ bằng 68,8% so với các lò chợ TLĐ. Qua đó có thể thấy, để hạ được giá thành khai thác, tăng thu nhập và giảm lao động trực tiếp thì việc áp dụng công nghệ CGH là giải pháp thiết thực nhất. Bên cạnh đó khi áp dụng công nghệ cơ giới hóa phù hợp sẽ giảm tổn thất tài nguyên, khai thác tối đa tài nguyên than không tái tạo, theo đánh giá tại dự án khai thác hầm lò dưới mức -150 Công ty than Mạo Khê, nếu thay đổi công nghệ dọc vỉa phân tầng theo dự án bằng công nghệ cơ giới hóa hoặc dàn mềm ZRY thì tỷ lệ tổn thất giảm từ 35% xuống còn khoảng 15% ÷ 18%. Đối với công tác đào lò, khi áp dụng cơ giới hóa đã cho phép đẩy nhanh tốc độ thi công từ 2-3 lần. Trong đó, tốc độ đào thủ công lò đá có tiết diện >10 m2 trung bình chỉ đạt 40 - 60 m/tháng, lò than khoảng 70 - 100 m/tháng trong khi áp dụng máy Combain đào lò tại Vàng Danh, tốc độ đào lò than đã đạt đến 325 m/tháng.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tập đoàn có 05 đơn vị khai thác than hầm lò áp dụng công nghệ khai thác than bằng cơ giới hóa đồng bộ ở 7 lò chợ, sản lượng thực hiện đạt 1.496.190 tấn/2.845.000 tấn, bằng 52,6% kế hoạch cơ giới hóa, đạt 12,6% tổng sản lượng than hầm lò (14,1% sản than khai thác bằng các loại hình công nghệ). Tuy nhiên chỉ có Công ty than Hà lầm đạt 63,1% kế hoạch, còn lại các đơn vị khác đều không đạt 50% kế hoạch.
Để công tác cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò trong thời gian tới đạt được nhiều kết quả hơn nữa, thiết nghĩ tổ chức Công đoàn cần phối hợp với cơ quan chuyên môn làm tốt một số nhiệm vụ công tác sau:
Trước hết chúng ta phải đánh giá kết quả đã triển khai áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác, phát triển mở rộng những mô hình cơ giới hóa đã thử nghiệm thành công, xác định những tồn tại trong quá trình thực hiện. Đồng thời tiếp tục triển khai áp dụng cơ giới hóa khai thác và đào lò tại các điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ khác nhau để phát triển mở rộng ra các khu vực khác có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ tương tự, cùng với đó cần tiếp tục có sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi người lao động. Tổ chức Công đoàn từ các đơn vị đến Tập đoàn cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để thực hiện cơ giới hóa.
Phải thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy nhiệm kỳ, Phải xác định việc áp dụng cơ giới hóa trong khai thác than là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn, công tác cơ giới hóa hiện mang tính cấp bách và cần thiết để cải thiệu điều kiện làm việc cho người lao động. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần quán triệt, triển khai và tham gia của toàn thể người lao động. Phát động các mục tiêu thi đua với những tiêu chí cụ thể gắn với năng suất, chất lượng và hiệu quả của công tác cơ giới hóa.
Mục tiêu phấn đấu đạt trên 50 % sản lượng cơ giới hóa cho cơ giới hóa đồng bộ và cơ giới hóa từng phần, đẩy mạnh việc cơ giới hóa việc vận chuyển, đào lò, hỗ trợ lắp đặt thiết bị. Có chính sách khen thưởng, hỗ trợ các đơn vị triển khai áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu chưa có kinh nghiệm và các thời điểm gặp khó khăn về điều kiện địa chất, sản lượng than khai thác không đủ bù đắp chi phí sản xuất, đồng thời có chính sách lương, thưởng phù hợp, khuyến khích người lao động trong sản xuất cơ giới hóa. Có cơ chế, chính sách phù hợp để các đơn vị trong ngành nâng cao năng lực chế tạo các phụ tùng, thiết bị, vật tư để chủ động nguồn thay thế, sửa chữa cho các đồng bộ thiết bị cơ giới hóa.
Áp dụng cơ giới hóa đòi hỏi yêu cầu cao về trình độ tiếp nhận, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, ý thức bảo vệ thiết bị; sự đồng bộ trong tổ chức sản xuất với mức độ liên tục cao. Do vậy, các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao toàn diện cho đội ngũ quản lý kỹ thuật, chỉ đạo sản xuất và trực tiếp sản xuất.
Tính kỷ luật, tác phong công nghiệp, việc tuân thủ quy trình bảo dưỡng, sửa chữa, quá trình tiếp cận công nghệ mới của công nhân làm cơ giới hóa còn có những hạn chế nhất định. Vì vậy trước mắt phải xây dựng và rèn luyện cho được những đội thợ làm cơ giới hóa có tác phong và kỷ luật công nghệ chặt chẽ. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của công tác cơ giới hóa.
Công đoàn các đơn vị tiếp tục vận động cán bộ công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ thiết bị và vận hành thuần thục các quy trình công nghệ cơ giới hóa, phát động phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đăng ký đảm nhận các công trình phân việc trong dự án cơ giới hóa như đăng ký đào lò chuẩn bị, vận chuyển lắp đặt thiết bị, tổ chức tham gia đảm bảo ngày công, năng suất lao động. Tổng kết khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc.
Công đoàn các đợn vị của các Viện khoa học công nghệ mỏ, Viện cơ khí năng lượng mỏ và Tư vấn đầu tư công nghiệp mỏ, Trường Cao đẳng nghề mỏ cần có sự hợp tác với các Công đoàn khối hầm lò, cơ khí chế tạo để phối hợp làm tốt công tác tư vấn, nghiên cứu, chuyển giao áp dụng công nghệ, lựa chọn áp dụng công nghệ cơ giới hóa phù hợp với điều kiện địa chất của từng đơn vị, đào tạo phát triển công tác cơ giới hóa hiệu quả.
Để công tác cơ giới hóa đạt được mục tiêu, hiệu quả, đáp ứng được sản lượng yêu cầu. Trong thời gian tới các cấp Công đoàn cần tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo đoàn viên, công nhân lao động ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cơ giới hóa. Đó là con đường duy nhất để duy trì ổn định và phát triển ngành than trong giai đoạn tiếp theo./.
Nguyễn Anh Tuấn - Ban CSPL, Công đoàn TKV