Tin Tổng liên đoàn

Đầu tư xây dựng Thiết chế Công đoàn tại Quảng Ninh: Tháo “nút thắt” nhằm giữ chân thợ lò

Ngày đăng: 15/11/2017

Là một Tập đoàn khai khoáng lớn trong cả nước, hiện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang có 50 doanh nghiệp, đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh tại Quảng Ninh, trong đó chủ yếu là khai thác hầm mỏ. Với trên 80.000 lao động đang làm việc ở các đơn vị sản xuất, do đó nhu cầu về nhà ở đối với công nhân lao động (CNLĐ) là rất lớn. Với truyền thống thợ mỏ, TKV luôn xem trọng và chăm lo đầy đủ về văn hóa tinh thần, bố trí nhà ở tiện nghi cho hàng vạn CNLĐ sau mỗi ngày làm việc vất vả.
Nhà ở tiện nghi cho trên 10.000 thợ lò đơn thân
Trong số trên 80.000 lao động ngành than ở Quảng Ninh, phần lớn trong số đó là những thợ lò, công nhân cơ điện, phục vụ và lao động thủ công hiện hữu trong 22 đơn vị sản xuất hầm lò, lộ thiên và các đơn vị sàng tuyển, vận tải, cơ khí... của ngành than. Đa phần trong số lao động kể trên đều là những thợ trẻ, chưa lập gia đình. Do vậy, đòi hỏi TKV phải gắn hoạt động sản xuất với việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, điều kiện ăn ở và làm việc cho hàng vạn người thợ.
 
Nhà ở công nhân Khu tập thể 314 - Công ty CP than Vàng Danh                            (Ảnh: Phạm Cường)
Với truyền thống thợ mỏ, cho dù hoạt động sản xuất kinh doanh có lúc thăng trầm, nhưng ngành than luôn coi trọng công tác chăm lo đời sống người thợ và coi đó là yêu cầu cốt yếu để giữ chân NLĐ gắn bó với ngành. Theo ông Lê Thanh Xuân - Chủ tịch CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam: Ngay từ đầu năm 2000 trở lại đây, Tập đoàn đã đầu tư hàng chục công trình nhà ở, thiết chế văn hóa - thể thao và công trình phúc lợi cho NLĐ. Hiện các đơn vị của TKV đã có tới vài chục tòa nhà xây mới đáp ứng cho trên 10.000 thợ lò, công nhân đơn thân đang làm việc tại các mỏ hầm lò có chỗ nghỉ ngơi tiện nghi, cùng hạ tầng kết nối thuận tiện.

Đến bất kỳ đơn vị khai thác hầm lò nào cũng đều nhận thấy công tác chăm lo đời sống cho NLĐ được chú trọng đầy đủ. Từ nhà ăn tự chọn sạch đẹp gắn điều hòa nhiệt độ đến khu tắm rửa nước nóng và khu nhà giặt là phục vụ tại chỗ cho công nhân sau mỗi ca làm việc đều được thiết kế thuật tiện và khá hiện đại.

Về chăm sóc người thợ, Cty than Hòn Gai là một ví dụ điển hình. Theo đại diện Cty này, năm 2016, đã có 9.343 lượt người được khám sức khỏe định kỳ 2 lần; chăm lo điều trị, bố trí công việc phù hợp cho lao động có sức khỏe loại 4 và 5; bình chọn 580 lao động đi nghỉ điều dưỡng phục hồi sức khỏe và tổ chức cho gần 800 lao động xuất sắc (phần lớn là thợ lò) đi du lịch với tổng kinh phí trên 8,2 tỉ đồng. Không những vậy, Hòn Gai và Hà Lầm còn lập Trạm y tế dành cho công nhân dưới hầm lò sâu ở 220 mét để kịp thời khám, điều trị cho thợ lò.

Ở Cty than Nam Mẫu, một khu gồm 4 tòa nhà cao 9 tầng (tổng số 224 căn hộ có sức chứa 1.344 công nhân) ngay sát trục đường QL18 thuận tiện đã được đơn vị này đầu tư từ nguồn vốn phúc lợi trên 350 tỉ đồng, đưa vào hoạt động cuối năm 2013. Cụm công trình bố trí khu nhà ăn, nhà xe và các khu tiện ích phụ trợ phục vụ cho sinh hoạt của công nhân ngành mỏ. Còn tại Hà Lầm, một loạt khu vui chơi tập luyện thể thao như bàn bóng bàn được trang bị đến từng các công trường, phân xưởng; làm sân cầu lông, bóng chuyền, nâng cấp sân vận động bóng đá có mái che phục vụ cho công nhân mỏ sau mỗi ca làm việc.

Sẽ có khu đô thị cho gia đình thợ mỏ 
Theo Chủ tịch CĐ TKV Lê Thanh Xuân, hiện Tập đoàn còn “vướng” nhiều rào cản nhằm xem xét, đầu tư một số khu đô thị dành riêng cho những gia đình thợ mỏ. Lúc này, TKV chưa có một khu nhà nào dành riêng cho gia đình thợ lò, nên rất nhiều người lập gia đình đành phải ra ngoài thuê nhà để ở với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm chất lượng lao động. Đây là điều ngành than “đau đáu”, bởi việc chưa có nhà riêng cũng là nguyên nhân thợ lò bỏ việc hoặc không gắn bó với ngành than... Theo thống kê, hiện nhu cầu nhà ở cho các gia đình công nhân mỏ vào khoảng 30.000 hộ gia đình. Đây là một con số rất lớn cần nhiều nguồn lực để giải quyết.

Vào chiều 5.11, Tổng LĐLĐVN, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV cùng thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng dự án thiết chế công đoàn tại lô 9, cọc 6, TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh), qua đó mở ra “nút thắt” nhằm giữ chân thợ lò bám trụ với ngành than. Dự án có tổng diện tích 114.731,8m2, gồm các khu nhà liền kề; khu chung cư cao tầng; nhà trẻ, nhà văn hóa, giao thông, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng chỗ ở cho trên 4.200 người. Dự án được Tổng LĐLĐVN, tỉnh Quảng Ninh và ngành than hỗ trợ sẽ sớm được triển khai xây dựng trong năm tới. Tiếp đó, một khu đô thị ngành than rộng 59,7ha tại phường Hà Khánh (TP.Hạ Long) cũng đang được tập đoàn này xúc tiến đầu tư, đủ chỗ ở cho trên 7.900 thợ lò và gia đình của họ. Theo TKV, từ năm 2010 đến nay, ngành than đã xây dựng 20 dự án nhà ở cho CNLĐ, với khoảng 4.600 căn hộ đáp ứng được 16.500 NLĐ đơn thân, riêng dự án xây dựng các chuỗi đô thị dành cho gia đình thợ mỏ lại rất ít tiến triển.

“CNLĐ rất mong muốn có được khu nhà cho các gia đình thợ mỏ và Tập đoàn cũng coi đây là việc làm thiết yếu, cấp bách để chăm lo NLĐ. Nhưng dự án xây dựng nhà cho các gia đình thợ mỏ bị chững lại. Một trong những lý do kể trên là cách hiểu không đúng rằng chúng tôi đầu tư ngoài ngành” - Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Đặng Thanh Hải bày tỏ  trước Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi xem xét đầu tư xây dựng dự án thiết chế công đoàn mới đây.
Nguồn: baolaodong

Chia sẻ bài viết: