Tại Hội thảo khoa học về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức sáng 1.2 tại thành phố Thái Bình, các đại biểu đã tập trung nêu bật những đóng góp to lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào cách mạng; với phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam; những đóng góp với quê hương Thái Bình cũng như những bài học quý giá từ cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Thấu hiểu tâm tư của công nhân
Tham dự hội thảo có Bí thư TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật; Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Phạm Văn Linh, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình cùng đại diện một số trường Đại học và nhiều nhà nghiên cứu khoa học.
Nhiều tham luận tại hội thảo đều nhận định rằng, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là nhà hoạt động CĐ mẫu mực của giai cấp CN, người đồng chí, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí để lại nhiều bài học về hoạt động CĐ, trong đó, cần thường xuyên xâm nhập địa bàn, đi sâu, bám sát phong trào CN. Theo đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, dù đảm nhận cương vị nào, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cũng luôn bám sát phong trào CN, thường xuyên thâm nhập địa bàn để đến với các tổ chức và quần chúng cách mạng, động viên, nuôi dưỡng phong trào, hướng dẫn cách tổ chức phương pháp đấu tranh và cách thức hoạt động thích hợp.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình” tại TP. Thái Bình ngày 1.2.2018.
Tại hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ ngày 28.9.1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đề nghị phải tăng cường tổ chức thanh niên trong các hầm mỏ, xí nghiệp, phải kết nạp nhiều CN vào thanh niên. Đồng chí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thâm nhập vào phong trào CN, vì chỉ có thâm nhập vào phong trào CN mới gieo được hạt giống cách mạng trong CN. Đồng chí khẳng định: “Chỉ có đi vào giai cấp CN, người cách mạng mới tìm ra chủ trương và phương pháp đấu tranh đúng”. Tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tổ chức cho nhiều hội viên thanh niên đi “vô sản hóa” ở các cơ sở miền Duyên Hải. Đồng chí đã bí mật liên hệ với nhiều cơ sở công nghiệp đưa cán bộ đến và dặn dò tỉ mỉ: “Vào CN phải thận trọng. Mỗi người một tính một nết. Liệu lời mà nói, đón việc mà làm. Muốn tuyên truyền giác ngộ được quần chúng, phải gây được cảm tình với quần chúng. Họ mến thì họ nghe. Họ nghe thì họ theo”.
GS-TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu bài học từ cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Theo đồng chí Mạch Quang Thắng, chính địa bàn CN là nơi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bộc lộ những đức tính trội trong việc hòa đồng vào phong trào CN, tạo lập và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác công vận của tổ chức Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên và Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại những khu CN mà đồng chí đặt chân đến, đồng chí cũng làm việc với tư cách là một CN thực thụ, hòa đồng vào đời sống CN, tương trợ, giúp đỡ những NLĐ, tuyên truyền giác ngộ về lòng yêu nước, về chủ nghĩa cộng sản. Đồng chí luôn luôn là người thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người CN Việt Nam, thấy rõ vị trí, vai trò của họ trong xã hội thuộc địa - phong kiến, tức là thấy rõ sứ mệnh giai cấp lãnh đạo cách mạng của họ.
“Không thể có 1 phong trào cách mạng phát triển thực sự khi cán bộ lãnh đạo của phong trào đó không thấu rõ hoàn cảnh, tâm tư tình cảm của những người tham gia phong trào” - GS-TS Mạch Quang Thắng tổng kết. Soi vào sự nghiệp đổi mới đất nước Việt Nam hiện nay cũng như vậy. Không thể bố trí cán bộ cho 1 địa phương, 1 lĩnh vực nào đó mà người cán bộ đó quan liêu đại khái, người chỉ biết “chỉ tay năm ngón”, những người chỉ ngồi trong phòng máy lạnh để đề ra mệnh lệnh, chỉ thị, chính sách. Phong trào cách mạng cần những người cán bộ sống trong lòng nó, hiểu nó. Theo GS-TS Mạch Quang Thắng: “Cán bộ phải nói cho dân hiểu, hiểu dân nói, làm cho dân tin. Thật đáng lo ngại khi đâu đó hiện nay còn hiện tượng cán bộ xa dân, vô cảm, lòe dân, mị dân, hách dịch dân, không đối thoại với dân mà trở thành người đối lập với dân”.
Người con ưu tú của quê hương Thái Bình
Các đại biểu cũng đã làm rõ những yếu tố góp phần hun đúc ý chí, phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đồng chí Vũ Văn Thanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình - nhấn mạnh, những phẩm chất truyền thống nổi trội cần mẫn và năng động; đoàn kết và dân chủ; quả cảm và cương nghị; hiếu học và giàu chí tiến thủ; nhạy bén với thời cuộc, dễ thích nghi với mọi môi trường sống; trọng nghĩa tình và sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn của đất và người Thái Bình nói chung, của Diêm Điền, Thái Thụy nói riêng đã góp phần hun đúc ý chí và phẩm chất cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Đồng chí Trần Thị Nhuần (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng nhận định, truyền thống của quê hương và gia đình chính là những nhân tố hình thành nhân cách, lý tưởng sống vì dân, vì nước của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. “Sinh ra và lớn lên tại 1 vùng quê giàu truyền thống cách mạng, 1 vùng đất địa linh nhân kiệt, lại được chứng kiến cảnh nghèo đói, bị áp bức tủi nhục của người dân mất nước, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sớm hấp thụ được truyền thống của quê hương và tinh thần yêu nước, thương dân, sớm hình thành trong đồng chí nhân cách và nghị lực sống có lý tưởng, vì dân, vì nước”.
Theo ThS Nguyễn Tuyết Hạnh (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng), có thể nói, ý chí, nghị lực của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được hun đúc từ những truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình. Những tình cảm yêu thương, nâng đỡ của người mẹ đã chắp cánh cho tâm hồn, nhân cách phóng khoáng của nhà trí thức trẻ Nguyễn Đức Cảnh đi đúng hướng, tìm được lý tưởng, mục tiêu của cuộc đời mình.
Nguồn:congdoan.vn