Có những dấu mốc đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong suốt quá trình phát triển của Tuyển than Cửa Ông những năm qua.
Đó là đêm mùng 6, rạng ngày 7/11/1929, người thanh niên cộng sản dũng cảm Ngô Huy Tăng đã treo lá Cờ đỏ búa liềm trên cầu Poóc tích số 1 trên Cảng Cửa Ông, giữa vòng vây quân thù để kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng mười Nga. Đây là một trong 7 cầu trục do Pháp thiết kế và chế tạo, cầu trục Poóc-tích số 1 với công suất thiết kế ban đầu là 52 tấn/giờ được đưa vào sử dụng từ ngày 1-1-1928. Trải qua thời gian, qua bom đạn của chiến tranh, cầu trục Poóc-tích số 1 được ví như một nhân chứng lịch sử vẫn vươn lên cùng với sự phát triển của Xí nghiệp Bến Cửa Ông. Hiện nay, trải qua nhiều lần nâng cấp, hiện đại hoá thiết bị, cầu trục đã đạt năng suất bình quân 200 tấn/giờ, là một trong 2 thiết bị cầu trục đảm nhận việc rót than tiêu thụ trên cảng Cửa Ông.
Một dấu mốc quan trọng nữa đó là cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ tháng 11/1936 với sự đóng góp của công nhân Cửa Ông, cuộc bãi công bắt đầu từ xưởng cơ khí đến nhà sàng. Bọn chủ phải trả tự do cho người bị bắt và tăng lương cho công nhân. Công nhân Cửa Ông đã góp phần vào một trong những trang sử anh hùng, vẻ vang nhất trong truyền thống đấu tranh kiên cường của công nhân vùng mỏ Quảng Ninh.
Năm 1955, khi thực dân Pháp rút khỏi bến Cửa Ông, chúng đã tuyên bố “phải 20 năm sau người An Nam mới khai thác được than”. Nhưng với tinh thần đấu tranh kiên cường, lao động sáng tạo, công nhân Cửa Ông đã nhanh chóng khôi phục lại sản xuất chỉ sau hơn 1 tháng thực dân Pháp rút khỏi với sự góp công quan trọng của Anh hùng Lao động Lê Văn Hiển, đã vẽ lại chính xác toàn bộ hệ thống mạng điện xí nghiệp, phục hồi được một số thiết bị chủ yếu... góp phần rất quan trọng hàn gắn hậu quả do địch để lại.
Năm 1965 lần đầu tiên trong lịch sử khai thác than Việt Nam, sản lượng than sạch của nước ta đạt 3,2 triệu tấn, trong đó Cửa Ông đạt trên 2,4 triệu tấn. Càng tự hào hơn khi toàn thể CBCN Xí nghiệp Bến Cửa Ông được Bác Hồ gửi thư khen ngợi vì hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 1965. Năm 1967, Đại đội nữ tự vệ nhà sàng được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” - Đơn vị Anh hùng đầu tiên của vùng mỏ.
Những năm đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt, công nhân Cửa Ông đã vừa trụ bám sản xuất vừa chiến đấu, từ nhà sàng cho đến bến cảng đều trở thành trận địa của những người công nhân - tự vệ Xí nghiệp Bến Cửa Ông. Cảng Cửa Ông khi mới xây dựng có chiều dài toàn bộ 320m, có thể cùng một lúc bốc rót than cho 2 tầu có trọng tải 10.000 tấn. Trên cảng dùng 4 thiết bị bốc rót làm việc gián đoạn, mỗi cái có tổng khối lượng 115 tấn. Tổng công suất đạt 1000 KW và năng suất tối đa 150 tấn/giờ. Cảng Cửa Ông ngày nay trở thành cảng nước sâu với chiều dài 500m với độ sâu mớn nước trên 9m, có thể đón tàu có tải trọng lớn nhất lên tới 30.000 tấn. Trên cảng có 2 máy rót than SL1, SL2 với năng suất mỗi máy 800 tấn/giờ. Ngoài ra, Công ty vẫn sử dụng 7 cầu trục Pooctích do Pháp sản xuất, trong đó 2 cầu tại cảng và 5 cầu tại một số kho than, năm 2004 Công ty đầu tư 3 cầu trục mới, phục vụ khâu bốc than bùn tiêu thụ tại hệ thống hồ GAP.
Trong thời kỳ đổi mới, Tuyển than Cửa Ông đã vươn lên là một trong những lá cờ đầu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong các mặt sản xuất công tác, Công ty được trao tặng những phần thưởng cao quý nhất, đã 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, năm 1991 Công ty được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2010, 2014.
Trên chặng đường 56 năm xây dựng và phát triển, CBCN Công ty Tuyển than Cửa Ông đã tạo dựng nên những truyền thống vẻ vang mà thế hệ ngày nay đang tiếp tục vun đắp để xây dựng Công ty ngày càng phát triển bền vững, trên chặng đường song hành cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp./.