Tin Tổng liên đoàn

Thể lệ Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn

Ngày đăng: 25/11/2021

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Báo Lao Động trân trọng giới thiệu Thể lệ Cuộc thi.

Lễ phát động Cuộc thi diễn ra sáng 23.11. Ảnh: Hải Nguyễn
Lễ phát động Cuộc thi diễn ra sáng 23.11. Ảnh: Hải Nguyễn

THỂ LỆ 

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn

1. Nội dung, mục đích, ý nghĩa cuộc thi

- Tạo cơ hội để các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên, người lao động trong và ngoài nước sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống, việc làm của người công nhân, khích lệ, động viên công nhân hăng say lao động đổi mới, sáng tạo; tôn vinh lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về vai trò, hoạt động thiết thực, hiệu quả của tổ chức Công đoàn, góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.

- Từ kết quả cuộc thi, thông qua các tác phẩm văn học, giúp xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước.

- Cuộc thi là hoạt động thiết thực, cụ thể triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, triển khai tinh thần, nhiệm vụ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

2. Thể loại: Tác phẩm dự thi (02 thể loại): tiểu thuyết và truyện ngắn.

3. Đối tượng tham gia Cuộc thi

- Công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động.

- Thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo có thể gửi tác phẩm hưởng ứng cổ vũ cuộc thi nhưng không được chấm điểm và xét giải.

4. Điều kiện tham dự

- Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm hoàn chỉnh dạng bản thảo chưa công bố hay tham dự một cuộc thi nào trước đây và không tham dự các cuộc thi khác cho đến khi kết thúc cuộc thi này.

- Tác phẩm là tiểu thuyết hoặc truyện ngắn. Tác giả ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, đơn vị công tác ( nếu có), giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm thuộc cả hai thể loại nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh. 

- Người tham dự cuộc thi cam kết chịu trách nhiệm về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ của tác phẩm.

- Tác phẩm dự thi sẽ thuộc quyền sử dụng của Ban Tổ chức, được chọn đăng trên Báo Lao động, Báo Văn nghệ kể từ khi được Ban Tổ chức cuộc thi chấp nhận, được xuất bản và được hưởng chế độ nhuận bút 1 lần theo quy định. Các tác phẩm không được sử dụng, Ban Tổ chức không trả lại bản thảo. 

- Trong thời gian diễn ra cuộc thi, Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng miễn phí các tác phẩm tham dự để quảng bá cho cuộc thi.

- Sau thời gian cuộc thi, Ban Tổ chức được quyền sử dụng các tác phẩm gửi đến dự thi để phục vụ công tác tuyên truyền về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn, kể cả việc xây dựng thành phim.

5. Cơ cấu và Giải thưởng:

5.1. Đối với truyện ngắn: kinh phí: 860.000.000đ

Có 15 giải, gồm:

- 01 Giải đặc biệt: 200.000.000 đồng.

- 01 Giải nhất: 150.000.000 đồng.

- 02 Giải nhì: 100.000.000 đồng/giải.

- 03 Giải ba: 50.000.000 đồng/giải.

- 08 Giải khuyến khích: 20.000.000 đồng/giải.

5.2. Đối với tiểu thuyết: kinh phí 1.510.000.000đ

Có 14 giải, gồm: 

- 01 Giải đặc biệt: 400.000.000 đồng.

- 01 Giải nhất: 300.000.000 đồng.

- 02 Giải nhì: 150.000.000 đồng/giải.

- 03 Giải ba: 100.000.000 đồng/giải.

- 07 Giải khuyến khích: 30.000.000 đồng/giải.

Tổng kinh phí giải thưởng khoảng 2.500.000.000 đồng (Hai tỉ năm trăm triệu đồng) được lấy từ nguồn xã hội hóa.

Việc lựa chọn các tác phẩm xuất sắc để trao thưởng căn cứ vào tình hình thực tế, không nhất thiết xét đủ số lượng các giải. Ban tổ chức có thể bổ sung một số giải chuyên đề, giải phụ tuỳ vào kết quả cuộc thi.

6. Tiến độ của Cuộc thi

-  Cuộc thi diễn ra từ tháng 11.2021 đến Quý IV.2023.

- Lễ công bố phát động, họp báo: 9h00 ngày 23.11.2021.

- Bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30/8/2023 (tính theo dấu bưu điện, email).

- Tổng kết và trao giải: Quý IV.2023

- Danh sách tác giả, tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố rộng rãi trên các báo, tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác trong toàn quốc.

7. Hồ sơ dự thi

- Hồ sơ tác phẩm tham gia dự thi gồm:

+ Thông tin về tác giả: Họ và tên, bút danh, chức danh hiện tại, đơn vị công tác, số điện thoại, email, địa chỉ liên hệ.

+ Bản giới thiệu khái quát về tác phẩm.

+ Bản thảo hoàn chỉnh của tác phẩm.

Các tác phẩm dự thi sai quy định sẽ bị loại và Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm giải quyết các khiếu nại có liên quan.

8. Hội đồng giám khảo Cuộc thi

- Hội đồng Sơ khảo: Bao gồm đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà lý luận, phê bình văn học, đại diện Báo Lao Động.

 - Hội đồng chung khảo: Bao gồm đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Báo Lao Động và các nhà lý luận, phê bình văn học.

9. Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội (Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023”). 

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com  hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm đối với hồ sơ thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi bưu điện.

Căn cứ tình hình thực tế, Ban Tổ chức có quyền thay đổi Điều lệ cuộc thi.

Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết: