Là một trong ba trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, ngành khai thác than, khoáng sản tập hợp một đội ngũ nhân lực lên đến hàng trăm nghìn công nhân lao động. Chỉ tính riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện có hơn 90.000 công nhân lao động. Ngoài tập trung chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, người lao động ngành Than còn trải dài khắp các tỉnh thành cả nước, từ Cao Bằng, Tuyên Quang, đến Lâm Đồng, Đăk Nông, Phú Yên, Cà Mau. Văn hóa TKV không chỉ kết tinh từ số lượng người lao động đông đảo, đa dạng; mà còn hình thành từ truyền thống khai thác than lâu đời hơn 180 năm từ thời vua Minh Mạng và truyền thống đấu tranh cách mạng, khởi nguồn từ cuộc tổng bãi công của 3 vạn công nhân lao động vùng mỏ Cẩm Phả tháng 11/1936.
“Kỷ luật và Đồng tâm”
Văn hóa thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản có nhiều nét đặc biệt. Đó không chỉ là sự giao thoa giữa nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, nhiều thành phần xuất thân, mà còn là phẩm chất được hình thành từ điều kiện làm việc vất vả, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đôi khi cận kề sự sống cái chết. Đặc thù của nghề nghiệp đòi hỏi người công nhân phải có tính kỷ luật và đồng tâm cao, cụ thể là ý thức tự giác thực hiện, tuân thủ nội qui, quy chế lao động, qui trình kỹ thuật, biện pháp an toàn, liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, tác phong công nghiệp. Chính bởi vậy, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” không chỉ hun đúc, rèn giũa ý chí, bản lĩnh, phẩm chất người thợ mỏ, mà còn trở thành quan điểm, phương châm, định hướng chủ đạo của ngành công nghiệp khai thác than khoáng sản suốt 85 năm qua.
Các đại biểu dự Hội thảo khoa học "Truyền thống văn hóa thợ mỏ - Những giá trị lịch sử và định hướng trong thời kỳ mới", tại Hạ Long, Quảng Ninh, năm 2020
Vượt qua phạm vi của ngành than khoáng sản, khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng” (1936) không chỉ đánh dấu thành quả đầu tiên của phong trào công nhân đầu thế kỷ XX, với việc chủ mỏ đã phải chấp nhận toàn bộ yêu sách "Trả lương 30 xu/ngày, trả tiền cuốc, xẻng. Chịu tiền dầu mỡ bảo dưỡng xe goòng. Công nhân vắng mặt bất cứ lý do gì cũng không được phạt". Hơn thế nữa, tinh thần đấu tranh đó còn được lan tỏa, trở thành động lực cách mạng, đại diện, biểu tượng cho ý chí tiên phong, quật cường, dũng cảm, sự trung thành của giai cấp công nhân Việt Nam với Đảng, với dân tộc, trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, tinh thần, ý chí, phương pháp kiên trì đấu tranh của những người thợ mỏ, nhất quyết không nhượng bộ trước những hứa hẹn phỉnh lừa của giới chủ, giới cầm quyền của nhà nước thực dân, cũng là tiền đề quan trọng cho việc tổ chức hoạt động của Công hội Đỏ - tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay.
“Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”
Do được tôi luyện trong môi trường sản xuất công nghiệp nặng có tính đặc thù cao, không những vất vả, khó khăn, mà còn yêu cầu kỹ thuật, kỷ luật cao và chặt chẽ, nên đội ngũ công nhân mỏ luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “Sản xuất than như quân đội đánh giặc”. Nói đến quân đội đánh giặc là nói đến kỷ luật thép trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Thực tế đã chứng minh trong mọi điều kiện hoàn cảnh, dù trên đường lên mỏ, hay xuống hầm lò, dù nắng mưa, lầm bụi, hành quân cả tiếng mới đến “gương lò”, đá cứng, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí, hàng ngày hàng giờ đối mặt với các hiểm họa sập lò, bục nước, khí độc, cháy nổ khí mê tan, than tự cháy… nhưng những người thợ mỏ vẫn đương đầu, gạt đi những gian nguy ấy, để làm cho những đường lò ngày một dài thêm, suối than chảy đi muôn nơi, các băng chuyền vận hành ngày đêm. Đó là tinh thần, là ý chí của những người lính. Mỗi tấn than ra lò góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước và nuôi sống bản thân cùng gia đình.
Niềm vui thợ mỏ trước khi vào va tại Công ty than Nam Mẫu
Nghĩa tình, trách nhiệm
Do mối liên hệ mật thiết, gắn bó trong công việc, một đặc điểm nổi bật của công nhân mỏ là đoàn kết, nghĩa tình, tương trợ. Tình nghĩa thợ mỏ là luôn yêu thương, đùm bọc, tương trợ nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thợ mỏ có trách nhiệm rất cao với đồng nghiệp, đồng đội của mình, đặc biệt với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thương tật, hoặc thiệt mạng trong quá trình lao động sản xuất, cống hiến cho ngành. Từ mỗi tổ đội, phân xưởng, đến doanh nghiệp, cho đến tập đoàn, luôn duy trì tình cảm, trách nhiệm đối với gia đình cán bộ công nhân viên. Đó là lo công ăn việc làm cho vợ, chồng; hỗ trợ học bổng cho con đi học đến khi tốt nghiệp đại học, trường nghề, ra trường nhận các cháu vào làm việc tại mỏ; xây dựng nhà cửa đàng hoàng hơn; trong nhiều trường hợp còn lo chăm sóc cả bố mẹ đồng nghiệp đã hy sinh, thường xuyên thăm hỏi gia đình hỗ trợ cả tinh thần và vật chất... Đặc biệt, để tưởng nhớ, tri ân những người đã khai sinh ra ngành than, những đồng nghiệp đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than, đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ thợ mỏ hiện tại và mai sau, có lẽ, chỉ có duy nhất ngành than - khoáng sản mới có một khu Miếu mỏ tâm linh, quy mô hoành tráng tại Yên Thọ, Đông Triều, Quảng Ninh.
Lạc quan, yêu đời, phong phú về đời sống tinh thần
Tinh thần lạc quan, yêu đời, phong phú về đời sống tinh thần của công nhân mỏ luôn thể hiện đậm nét trong các sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các phong trào thi đua, các cuộc thi, cuộc phát động cả trong lao động sản xuất, lẫn sinh hoạt đời thường. Chất văn hóa công nhân mỏ có ngay trong đội ngũ công nhân ngành than, nhiều người trong số họ là công nhân lao động trực tiếp, đã từng vác choòng, cuốc, sàng than…
Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo công tác an toàn
Nét đẹp văn hóa truyền thống của công nhân mỏ hoàn toàn có thể giúp nhận diện, phân biệt họ với các công nhân lao động ở lĩnh vực khác. Điều hiếm có là hàng năm, các đơn vị thành viên của TKV, dù trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn (như bối cảnh đình trệ sản xuất, thương mại do Covid-19 gây ra), vẫn duy trì tổ chức liên hoan, hội diễn, giao lưu văn nghệ và thi đấu thể thao. Thợ mỏ không chỉ hát, sáng tác nhạc, thơ, họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, viết văn, làm báo… mà còn rất thích thể thao. Những đội tuyển bóng đá, bóng chuyển nam, nữ của Than Quảng Ninh trở thành niềm tự hào của những người thợ mỏ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Không ít người đi lên từ công nhân mỏ đã trở thành Nghệ sỹ Nhân dân, ca sỹ nổi tiếng, điển hình có Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ, cố Nghệ sỹ Nhân dân Doãn Tần, Nghệ sỹ Ưu tú Đức Long..
Hào sảng, tự tin, tỏa sáng
Thành quả lao động, tinh thần tích cực, lạc quan của nhiều lớp thế hệ công nhân mỏ trong chiến đấu, trong lao động sản xuất đã tạo ra cho ngành Than một thành tích rất đáng tự hào, đó là số lượng các danh hiệu anh hùng lao động cho cả tập thể và cá nhân. Tập thể, từ tổ đội, phân xưởng sản xuất, đến công ty đều được vinh danh. Cá nhân từ người công nhân trực tiếp sản xuất đến giám đốc các đơn vị, thời nào cũng có. Thợ mỏ có cả Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động. Nói về đặc trưng tự hào của thợ mỏ cũng cần nhắc đến một nét chấm phá đó là truyền thống của các gia đình thợ mỏ, nhiều gia đình có đến 3 đời cùng làm thợ mỏ, trưởng thành trong ngành than. Tất cả đang chung đắp cho đặc điểm văn hóa thợ mỏ TKV càng giàu bản sắc và rõ nét.
Đặc điểm tự hào, tự tin tỏa sáng của công nhân mỏ còn được thể hiện nổi trội ở công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho không chỉ đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh nhiều đời, mà còn có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và tổ chức Công đoàn Việt Nam trưởng thành từ công nhân mỏ như các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Phạm Thế Duyệt... Do đó, thợ mỏ có quyền tự hào, tự tin tỏa sáng với những chiến công đặc biệt xuất sắc mà Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành đã ghi nhận, khen ngợi. Đó là Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập, và danh hiệu Anh hùng Lao động cho TKV.
Nhạc Phan Linh - Nguyễn Thị Minh