Tin tức

Chỉ khoảng 5 - 7% doanh nghiệp tuân thủ quy định báo cáo tai nạn lao động

Ngày đăng: 31/12/2021

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo trực tuyến tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động trong hệ thống công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 30.12. Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì.

Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - phát biểu tại hội nghị. 

41.464 vụ tai nạn lao động trong 5 năm 

Trình bày dự thảo báo cáo, ông Đặng Văn Khánh (Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, 5 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hoá an toàn nơi làm việc, hướng tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về điều kiện lao động. 

Môi trường lao động có bước cải thiện đáng kể và chuyển biến tích cực. Công tác an toàn vệ sinh lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã và đang được quan tâm triển khai. Điều kiện và môi trường lao động được cải thiện tốt hơn đã góp phần giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập và phúc lợi, an toàn, sức khỏe của người lao động được nâng cao. 

Ý thức thực hiện các quy định của pháp luật của doanh nghiệp và người lao động tuy đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn thấp, đặc biệt trong khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ; số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại vẫn chiếm tỷ lệ cao. Dịch bệnh COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020 kéo dài và phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, sản xuất của doanh nghiệp, đời sống, việc làm và an toàn, sức khỏe của người lao động.

Tổng hợp số liệu từ báo cáo hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, trên cả nước xảy ra 41.464 vụ tai nạn lao động làm 42.590 người bị nạn, trong đó có 4.515 vụ tai nạn lao động chết người làm 4.774 người chết; có 63 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị các đoàn điều tra tai nạn lao động đề nghị khởi tố hình sự. Giai đoạn 2016 – 2020, tần suất tai nạn lao động chết người giảm 24,2% so với giai đoạn 2011 – 2015.

Tai nạn lao động ở khu vực không có quan hệ lao động có xu hướng tăng

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Khánh, số liệu thống kê này chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình tai nạn lao động trên cả nước do chỉ có khoảng 5 - 7% doanh nghiệp tuân thủ quy định báo cáo tai nạn lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Việc chấp hành chế độ báo cáo, thống kê tai nạn lao động của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như khu vực không có quan hệ lao động rất yếu, doanh nghiệp dịch vụ, cơ quan hành chính hầu như không báo cáo. 

Bên cạnh đó, còn tình trạng khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động che giấu, không khai báo mà thỏa thuận bồi thường với người lao động hoặc thân nhân người lao động bị chết. Tình hình tai nạn lao động ở khu vực không có quan hệ lao động có xu hướng tăng về số vụ có người chết, số người chết và số người bị thương nặng tăng, cũng như phản ánh mức độ nghiêm trọng hơn so với tình hình chung.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về tác động của Luật An toàn vệ sinh lao động đến điều kiện lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thực hiện các quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn vệ sinh lao động… 

Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quế Chi
Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.  

Ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết, những ý kiến tại hội nghị sẽ được tổng hợp, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan để góp phần bảo vệ tốt hơn cho người lao động.

Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết: