Tin Tổng liên đoàn

Xác định nhiệm vụ bình đẳng giới và hoạt động nữ công là rất quan trọng

Ngày đăng: 17/1/2022

Chiều 13.1, tại buổi làm việc của Đoàn Kiểm tra Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ (VSTBPN) Việt Nam với Tổng LĐLĐVN, Tổng LĐLĐVN khẳng định: Công đoàn luôn xác định nhiệm vụ bình đẳng giới và hoạt động nữ công là rất quan trọng.

Các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia VSTBPN Việt Nam, Trưởng đoàn kiểm tra; Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì.

Tham gia buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Trần Văn Thuật - Trưởng ban VSTBPN Tổng LĐLĐVN và đại diện các Bộ, ban, ngành...

Đồng chí Hà Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hải NguyễnĐồng chí Hà Thị Nga phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hải Nguyễn 

Tham mưu triển khai chính sách, pháp luật

Theo báo cáo, hằng năm, Tổng Liên đoàn đều ban hành Hướng dẫn Chương trình công tác nữ công; Hướng dẫn công tác Bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em, nhằm định hướng nhiệm vụ trọng tâm về công tác nữ công và bình đẳng giới để triển khai đến các cấp Công đoàn.

Ban VSTBPN Tổng Liên đoàn có nhiệm vụ thực hiện các chủ trương của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và Ủy ban quốc gia VSTBPN Việt Nam trong việc tuyên truyền công ước “xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” tham gia và thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với phụ nữ.

Công tác tham mưu triển khai chính sách, pháp luật, chương trình liên quan đến công tác VSTBPN và bình đẳng giới được thực hiện hiệu quả. Trong đó  Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12.7.2017 về ban nữ công quần chúng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04.11.2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12.5.2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất”, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án xây dựng các thiết chế công đoàn trong đó có nhà ở, nhà trẻ cho con công nhân lao động. Ban hành Quyết định số 3345/QĐ-TLĐ và Hướng dẫn 35/HD-TLĐ ngày 21.10.2021 của Tổng Liên đoàn về việc tặng sổ tiết kiệm Công đoàn cho trẻ em là con đoàn viên công đoàn mồ côi do cha, mẹ mất vì COVID-19. Theo đó, trao “Sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam” cho trẻ em mồ côi dưới 16 tuổi là con đoàn viên công đoàn có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ tử vong vì dịch COVID-19.

Tổng Liên đoàn đã tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung một số Luật, Nghị định,Thông tư… liên quan trực tiếp tới hoạt động công đoàn, CNVCLĐ nói chung và nữ CNVCLĐ nói riêng như Luật Công đoàn 2012, Bộ luật Lao động 2019 và các Nghị định có liên quan… đã thể hiện khá rõ nét về sự lồng ghép giới, bình đẳng giới trong các điều khoản của Luật.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện, Công đoàn các cấp đã chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng năm, tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua, hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ của tổ chức Công đoàn hướng đến đối tượng người lao động nữ, trẻ em càng được chú trọng hơn bao giờ hết với nhiều chương trình, hoạt động đa dạng như sổ tiết kiệm cho con đoàn viên tử vong do COVID-19, chương trình trao sữa cho con công nhân trong dịch bệnh...

Đồng chí Hà Thị Nga: Đoàn kiểm tra đánh giá rất cao hoạt động của Công đoàn trong lĩnh vực bình đẳng giới, VSTBPN. Công đoàn đã có nhận thức và chuyển từ nhận thức thành hành động trong công tác bình đẳng giới, VSTBPN. Công đoàn thực hiện nghiêm túc việc kiện toàn Ban VSTBPN, có sự đầu tư kỹ lưỡng, chủ động trong xây dựng chương trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; đặc biệt là chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng cho cán bộ nữ...

Trong quá trình triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn, mô hình nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và VSTBPN đã có 3.000 tài liệu tập huấn về “Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc” được biên soạn, phát hành. Đây là tài liệu có những nội dung lồng ghép giới trong Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, vấn đề phòng chống bạo lực gia đình, hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Ban Nữ công quần chúng. Bên cạnh đó biên soạn và phát hành 20.000 tài liệu về một số nội dung cơ bản về pháp luật lao động, sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới liên quan đến lao động nữ. Hàng năm, biên soạn và phát hành trên 60.000 cuốn “Sổ tay công tác nữ công” làm tài liệu sinh hoạt cho ban nữ công Công đoàn các cấp, đồng thời chia sẻ và nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả trong hệ thống Công đoàn…

Một số kiến nghị

Trao đổi về một số vấn đề đoàn kiểm tra đặt ra trao đổi kinh nghiệm ứng phó của Công đoàn đối với ảnh hưởng của dịch COVID-19; xây dựng chính sách hỗ trợ cho lao động nữ, nhất là lao động nữ trong các khu công nghiệp – chế xuất; công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đã được quy hoạch..., Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật - Trưởng ban VSTBPN Tổng Liên đoàn cho biết Tổng Liên đoàn đặc biệt quan tâm tới tình hình ảnh hưởng COVID-19 đến đội ngũ đoàn viên, người lao động. Những vấn đề cần tuyên truyền trong lao động nữ đều được chú trọng thực hiện dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Công đoàn luôn xác định nhiệm vụ bình đẳng giới và hoạt động nữ công là rất quan trọng. 

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật trao đổi về các vấn đề đoàn kiểm tra quan tâm. Ảnh: Hải Nguyễn
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật trao đổi về các vấn đề đoàn kiểm tra quan tâm. Ảnh: Hải Nguyễn 

Nhân dịp này, Tổng LĐLĐVN đưa ra một số kiến nghị. Trong đó đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo cấp ủy địa phương trong công tác chỉ đạo Đại hội Công đoàn các cấp, tiếp tục quan tâm công tác cán bộ nữ chủ chốt, đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn các cấp từ 30% trở lên và giới thiệu, bố trí cán bộ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt của LĐLĐ tỉnh, thành phố; Đề nghị Chính phủ  tiếp tục quan tâm, hỗ trợ  người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt đối với lao động nữ đang mang thai và nuôi con dưới 6 tuổi, quan tâm chính sách cho lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 trở lên, trẻ em mồ côi vì COVID-19.  

Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia VSTBPN tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ, nội dung và hỗ trợ kinh phí truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; biên soạn cẩm nang tuyên truyền, hướng dẫn mô hình điểm về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong  CNVCLĐ đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp – chế xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp. 

Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết: