Tin tức

Dừng khai thác sắt Thạch Khê: Doanh nghiệp phải nợ lương, hoạt động tê liệt

Ngày đăng: 7/6/2022

Ngày 6.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Đình Thừa - Quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) - cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê bị dừng khai thác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty này, đặc biệt là quyền lợi của đội ngũ công nhân, người lao động.

Phải nợ lương người lao động nhiều tháng

Cụ thể, lãnh đạo Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê thông tin, do dự án dừng lại nên đã phải tinh giản người lao động xuống mức tối thiểu để duy trì bộ máy, thời điểm cao nhất là 217 cán bộ công nhân viên, nay con số chỉ còn lại 68 người. 

“Do bị cưỡng chế thi hành chính sách thuế tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nên công ty không tự chủ được tài chính. Hiện tại, TIC đang nợ lương người lao động trong nhiều tháng, nguy cơ người lao động không tiếp tục làm việc tại TIC là hiện hữu do không đảm bảo mức sống tối thiểu. Nhiều con em địa phương về quê hương theo thu hút của dự án đã phải nghỉ việc và đi tìm kiếm việc làm khác" - ông Đỗ Đình Thừa cho biết. 

Về hoạt động sản xuất, khai thác, việc dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê khiến công ty này không có nguồn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất thép trong nước mà TIC đã cam kết cung cấp.

Dừng khai thác sắt Thạch Khê: Doanh nghiệp phải nợ lương, hoạt động tê liệt
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên diện tích gần 3.900ha thuộc địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh

Đồng thời, do dự án chưa được triển khai, TIC không có cơ sở để tiếp tục huy động được các nguồn vốn dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện công các công trình an sinh xã hội cho các xã vùng ảnh hưởng bởi dự án; thực hiện các nghĩa vụ tài chính như trả nợ cho các khoản nợ đối với các nhà thầu, nộp các khoản thuế, phí liên quan...

Trong thời điểm hiện tại, lãnh đạo Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho hay, đang phải đề xuất Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng các cổ đông khác tiếp tục hỗ trợ chi trả tiền lương, bảo hiểm y tế cho người lao động từ quỹ phúc lợi của TKV. 

Mong muốn mỏ sắt Thạch Khê tái khởi động 

Trong cuộc trao đổi với PV, ông Đỗ Đình Thừa bày tỏ mong muốn dự án mỏ sắt Thạch Khê sớm được khai thác trở lại để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động ổn định trong tương lai, mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội cho địa phương. 

Đối với lo ngại của UBND tỉnh Hà Tĩnh về các tác động môi trường, đại diện Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được tính toán, lựa chọn áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, an toàn, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.

Đáng chú ý, về giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng nguồn nước, hạ mực nước ngầm, phía TIC đưa ra các giải pháp bao gồm: Đền bù, tái định cư cho các hộ dân; xây dựng Nhà máy nước Thạch Trị (85 tỉ đồng) cung cấp nước sạch cho khu vực bị ảnh hưởng và các xã lân cận dự án...

Trên thực tế, phía công ty này cho hay, nếu dự án mỏ sắt Thạch Khê được mở lại sẽ đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho các cơ sở luyện kim trong nước; giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam, đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao.

Theo tính toán, với giá bán quặng 50 USD/tấn, hằng năm nộp ngân sách từ dự án trung bình giai đoạn I là 1.200 tỉ đồng/năm (công suất 5 triệu tấn/năm), giai đoạn II là 2.400 tỉ đồng/năm (công suất 10 triệu tấn/năm).

Trước đó, như Báo Lao Động đã phản ánh vào đầu tháng 5 vừa qua, lãnh đạo các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh giữ nguyên quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, dù Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có đề xuất Chính phủ cho khai thác lại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này hồi đầu năm nay.

Ngay sau đó, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho rằng, nếu dự án bị dừng lại sẽ dẫn tới hàng loạt hệ luỵ nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê nằm trên diện tích gần 3.900ha thuộc địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đánh giá, đây là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tính trên 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc.

Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản