Việc xác định nhiệm vụ cho tổ chức Công đoàn Việt Nam từng cấp công đoàn, đảm bảo linh hoạt, thích ứng và đủ năng lực cạnh tranh khi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và chăm lo bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động là hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ngày 8.10, tại trụ sở, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn – lý luận và thực tiễn”. Các đồng chí Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, Trần Văn Thuật và TS. Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học đồng chủ trì Hội thảo.
Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Công đoàn Việt Nam vừa tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là tổ chức đại diện bảo vệ người lao động. Điều đó định hình lên nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Qua từng giai đoạn cách mạng, Công đoàn Việt Nam có những nhiệm vụ phù hợp. Giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu cần "Nghiên cứu, điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp và sự phát triển của thị trường lao động”.
“Việc xác định nhiệm vụ cho tổ chức Công đoàn Việt Nam từng cấp công đoàn, đảm bảo linh hoạt, thích ứng và đủ năng lực cạnh tranh khi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và chăm lo bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động là hết sức quan trọng” – đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
PGS.TS Dương Văn Sao phát biểu tại Hội thảo.
Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Dương Văn Sao cho rằng, việc xác định nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam cần dựa trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của đất nước; quy định của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức công đoàn và yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong từng thời kỳ. Công đoàn cần bám sát để thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua đó tạo điều kiện đảm bảo để bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn.
Theo TS. Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động, đoàn viên là nền tảng sức mạnh, quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức công đoàn. Động lực để đoàn viên tham gia, gắn kết với tổ chức công đoàn là những lợi ích cốt lõi trong quan hệ lao động, đó là tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và những phúc lợi khác từ người sử dụng lao động.
Việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang đặt ra những yêu cầu cao về quan hệ lao động cũng như quyền tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể của người lao động. Bộ luật Lao động (2019) đã cho phép sự ra đời của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
“Bối cảnh đó, Công đoàn Việt Nam cần tập trung, đổi mới để thực hiện thật tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, cụ thể là thông qua đối thoại, thương lượng và giải quyết tranh chấp lao động. Đây là những nhiệm vụ cốt lõi của công đoàn trong quan hệ lao động” – TS. Nguyễn Duy Phúc nêu quan điểm.
Đến với Hội thảo, đồng chí Phan Thị Thu Hằng Chủ tịch LĐLĐ Quận Long Biên - Thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị hiện đang quản lý và chỉ đạo trực tiếp 337 công đoàn cơ sở trực thuộc với 14.608 đoàn viên. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Quận uỷ và sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ Quận Long Biên phát triển toàn diện và đạt được nhiều thành công trên các lĩnh vực công tác; số lượng đoàn viên, CNVCLĐ đã lớn mạnh không ngừng, chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở được nâng lên và thực sự tổ chức Công đoàn đã trở thành tổ chức đáng tin cậy của đội ngũ người lao động.
Để xác định nhiệm vụ trọng tâm của từng cấp công đoàn, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho rằng, cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; tập trung xây dựng tổ chức công đoàn; nâng cao trình độ cho cán bộ công đoàn; quản lý và sử dụng tài chính công đoàn; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Văn Thuật cho biết, hội thảo thu hút 25 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn đến từ các cơ quan, tổ chức và cán bộ công đoàn các cấp cả phía Bắc và phía Nam. Kết quả hội thảo là căn cứ khoa học để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Luật Công đoàn năm 2012.
Nguồn: congdoan.vn