Tin Tổng liên đoàn

Về đích trước 332 ngày, ước làm lợi 16.000 tỉ đồng

Ngày đăng: 5/10/2022

Theo Ban tổ chức Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (Chương trình) của Tổng LĐLĐVN, vào 15h34 ngày 3.10.2022 đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến của cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia Chương trình - hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 11 tháng (332 ngày).
Về đích trước 332 ngày, ước làm lợi 16.000 tỉ đồng
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải (thứ 2 từ trái sang) trao đổi về sáng kiến của người lao động tham gia Chương trình. 

Giá trị làm lợi của các sáng kiến ước tính khoảng 16.000 tỉ đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Toản - Phó Chánh văn phòng Tổng LĐLĐVN, thành viên Ban tổ chức Chương trình cho biết, với tinh thần “chủ trương mới, quyết liệt, kết quả cao”, từ khi kết thúc Giai đoạn 1 (8.1.2022 - 31.5.2022) đến nay, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ cả nước tiếp tục hưởng ứng tích cực, đăng ký gửi sáng kiến tham gia Chương trình và đạt kết quả rất khả quan - thời điểm đạt mốc 1 triệu sáng kiến vào lúc vào lúc 15h34 ngày 3.10.2022 đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến của cán bộ, đoàn viên, người lao động (NLĐ) tham gia Chương trình - hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 11 tháng (332 ngày).

Hiện đã có 26 đơn vị vượt chỉ tiêu đăng ký cả Chương trình (một số đơn vị vượt chỉ tiêu cao như LĐLĐ các tỉnh Thanh Hoá, Bắc Giang, Đồng Nai, Hậu Giang; Công đoàn Công Thương Việt Nam…).

Nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao như sáng kiến “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa khuôn bằng cải tiến bản vẽ  thiết kế khuôn của nhà cung cấp” của công nhân Hoàng Văn Thành - Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, có giá trị làm lợi 16 tỉ đồng/năm; sáng kiến “Đào lò kéo dài dọc vỉa than V7 CB tầng -25/+30 để tận thu tài nguyên” của anh Đỗ Hải Lâm - Công ty than Mạo Khê, giá trị làm lợi 15,9 tỉ đồng/năm; sáng kiến “Cải thiện lưu trình đóng gói lưu trình hình thể” của chị Lê Thị Minh Thu, Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam, giá trị làm lợi 5,5 tỉ đồng/năm; sáng kiến “Cải tiến lại bố cục sắp xếp sản trên khổ vải và cải tiến lại máy” của anh Trịnh Văn Hòa, Công ty TNHH Toyota Boshoku Hải Phòng, giá trị làm lợi 7,2 tỉ đồng/năm…
 
Đồ họa về Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Nguồn: TLĐ
Đồ họa về Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. 

Tính đến thời điểm hiện nay, giá trị làm lợi của các sáng kiến tham gia Chương trình ước tính khoảng 16.000 tỉ đồng.

Nỗ lực vượt bậc của các cấp Công đoàn và đoàn viên, CNVCLĐ cả nước

Nhận xét về kết quả đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến tham gia Chương trình - hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 11 tháng, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN cho rằng, kết quả đến nay của Chương trình đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt bậc của các cấp công đoàn và đoàn viên, CNVCLĐ cả nước trong việc thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

Ngoài ra, một trong những yếu tố để trong giai đoạn 2 có nhiều sáng kiến cập nhập thành công là do kết quả vượt bậc của Giai đoạn 1 - đạt gần gấp đôi chỉ tiêu đặt ra, qua đó tạo nền tảng để giai đoạn 2 sớm hoàn thành kế hoạch. Tiếp đó, các đơn vị top đầu vẫn giữ được “phong độ” như LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá (đến nay đã có hơn 245.600 sáng kiến, đứng ở vị trí số 1); các đơn vị tiềm năng như Đồng Nai, Công đoàn Công Thương Việt Nam giai đoạn 1 ở tốp sau, tuy nhiên các cấp công đoàn, đoàn viên, NLĐ ngày càng nỗ lực vươn lên trong nhóm dẫn đầu (Đồng Nai: Hơn 74.300 sáng kiến, vị trí thứ 3; Công đoàn Công Thương Việt Nam: 40,264, vị trí thứ 6); mặc dù lực lượng lao động không nhiều, nhưng các cấp công đoàn Hậu Giang đã bền bỉ vận động, tuyên truyền đoàn viên, NLĐ tham gia hưởng ứng Chương trình, do đó Hậu Giang đã vươn lên nằm trong top 10 đơn vị dẫn đầu tại Chương trình (hơn 20.180 sáng kiến)… 

Trong khoảng thời gian đầu của Giai đoạn 2 (1.6.2022 - 1.9.2023) điểm nổi bật là số lượng sáng kiến của công nhân lao động trực tiếp tăng nhiều. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đã tăng mạnh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39%. Một điểm nữa là đoàn viên, NLĐ đã thành thạo thao tác, quy trình cập nhật sáng kiến trên Cổng Thông tin trực tuyến của Chương trình.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN, từ nay đến khi kết thúc Chương trình, các cấp công đoàn cần tiếp tục gắn nội dung triển khai Chương trình với việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác tại địa phương, đơn vị, doanh nghiệp...

“Các cấp công đoàn cần tiếp tục tuyên truyền những sáng kiến mang lại giá trị làm lợi kinh tế cao trong các đơn vị để đoàn viên, NLĐ tích cực hưởng ứng, noi theo nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn phải phối hợp với doanh nghiệp cập nhật kịp thời giá trị làm lợi của sáng kiến để có thể thấy rõ một cách toàn diện hiệu quả của sáng kiến. Công đoàn cơ sở doanh nghiệp thương lượng với người sử dụng lao động đưa nội dung phát huy sáng kiến, sáng tạo của đoàn viên, người lao động vào thỏa ước lao động tập thể để có hình thức ghi nhận, động viên, khen thưởng kịp thời các sáng kiến tiêu biểu, tạo động lực cho sự cống hiến và phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, các cấp công đoàn (từ cơ sở trở lên) cần xây dựng các tiêu chí khen thưởng phù hợp với từng cấp để phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo ngày càng lan toả mạnh mẽ trong CNVCLĐ” - ông Trần Thanh Hải chỉ đạo.

Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết: