Công tác Tuyên truyền

Một chuyến thực tế của các nhà văn tại vùng mỏ diễn ra thế nào?

Ngày đăng: 15/12/2022

Từ ngày 07 đến ngày 12/11/2022, đoàn nhà văn gồm 12 nhà văn, nhà thơ hội viên, thuộc Chi hội Nhà văn Công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam) do nhà thơ Lê Tuấn Lộc, Chi hội trưởng làm Trưởng đoàn đã đi thực tế sáng tác tại các mỏ than thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tại các đơn vị, Đoàn được Chủ tịch Công đoàn cơ sở các Công ty giới thiệu về lịch sử xây dựng, truyền thống và sự phát triển; những đóng góp của các đơn vị vào sự lớn mạnh của ngành Than, tỉnh Quảng Ninh nói riêng và đất nước nói chung.

Một chuyến thực tế của các nhà văn tại vùng mỏ diễn ra thế nào? - 1
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc, phát biểu tại Công ty cổ phần Than Hà Lầm.

Đặc biệt, đoàn đã được tìm hiểu Di tích lịch sử quốc gia gắn liền với lịch sử ngành Than như nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân mỏ than Đèo Nai (30/3/1959); Đền thờ các liệt sỹ, công nhân ngành Than đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước (tại Mạo Khê); khảo sát thực tế lao động, tiếp xúc với công nhân, các tấm gương “người thợ - chiến sỹ”, đại diện anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, tìm hiểu đời sống vật chất, nơi ăn nghỉ, các cơ sở sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người thợ lò...

Ở các đơn vị đoàn khảo sát, tìm hiểu không chỉ phát trển sau khi cổ phần hóa, sản xuất an toàn, đời sống vật chất, tinh thần thợ mỏ ngày càng được nâng cao; mà còn đi đầu trong việc thực hiện các giải pháp hoàn thổ, trồng rừng, phủ xanh những khai trường cũ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Một chuyến thực tế của các nhà văn tại vùng mỏ diễn ra thế nào? - 2
Các nhà văn chuẩn bị xuống giếng lò tại Mông Dương

Các công ty sau khi được cổ phần đều nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao chất lượng than, hạ giá thành sản phẩm. Đó là những giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy chế khoán, tạo được tính chủ động và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong các khâu sản xuất. Các đơn vị, tùy ở mức độ khác nhau đã nhanh chóng “chuyển đổi số”, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệp 4.0 trong điều hành, quản lý sản xuất, an toàn lao động...

Trong 2 năm 2020 - 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song TKV đã đồng hành cùng Quảng Ninh thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, đóng góp lớn ngân sách cho tỉnh Quảng Ninh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của đất nước. 

Tại Đèo Nai, Đoàn nhà văn đã xuống đáy moong chứng kiến không khí làm việc trên khai trường. Than Đèo Nai sử dụng các thiết bị khai thác hiện đại: như máy khoan thủy lực DML; máy xúc thủy lực gầu ngược có dung tích gầu xúc lên đến 12m3 với năng suất tối đa đạt 4.500 m3/ca và sử dụng các thiết bị vận tải tiên tiến  như xe ô tô: HD 785-7; Xe CAT 777 D, CAT 777E; CAT 777F có trọng tải từ 91 đến 96 tấn...

Đoàn nhà văn đã trực tiếp xuống hầm lò tại Công ty Mông Dương, Công ty Hà Lầm, tìm hiểu về các ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến trong khai thác than, gặp gỡ thợ mỏ đang làm việc dưới hầm lò.

       Một chuyến thực tế của các nhà văn tại vùng mỏ diễn ra thế nào? - 3Đoàn nhà văn dưới khai trường khai thác than của Công ty Đèo Nai

Từ 20/11/2009, Công ty cổ phần Than Hà Lầm đã là đơn vị đầu tiên của ngành Than sản xuất than hầm lò xuống sâu mức - 300 mét. Điều này mở ra nhiều hướng phát triển, giúp đơn vị mở rộng các diện sản xuất than, đồng thời khẳng định là đơn vị tiên phong trong Tập đoàn triển khai cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền sản xuất.

Đến năm 2015, Công ty đã vận hành lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn than/năm; năm 2016, Than Hà Lầm tiếp tục đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn than/năm. Đây là 2 lò chợ cơ giới hóa đầu tiên và có công suất cao nhất trong TKV tính đến thời điểm hiện nay.

Ngoài chương trình khảo sát thực tế, Đoàn nhà văn cũng đã tham gia Talkshow Văn học công nhân vùng mỏ của Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh.

“Năm 1957, Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập. Một thời gian sau đó, các chi hội nhà văn lần lượt ra đời, trong đó có chi hội nhà văn công nhân. Một chặng đường dài cùng tiến trình lịch sử đất nước, đội ngũ những người viết về đề tài lao động, sản xuất vẫn, đã và đang phát triển ngày một đông đảo. Ta có thể khẳng định rằng văn học công nhân là thứ không thể tách rời khỏi nền văn học đương đại”, nhà thơ Lê Tuấn Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công nhân cho biết.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng khẳng định: “Đối với tôi, văn học công nhân hiện lên đầy đẹp đẽ. Trong lịch sử, văn học công nhân không chỉ là một đề tài mà là một phần của lịch sử trong nền văn học cách mạng. Trước cả năm 1945, những người sống trong các hầm mỏ, nhà máy đã viết và họ trở thành nhà văn. Những tác phẩm viết bởi những người công nhân đã đạt chất lượng nghệ thuật, tư tưởng ngang bằng với những thể loại khác”.

Một chuyến thực tế của các nhà văn tại vùng mỏ diễn ra thế nào? - 4
Các nhà văn trước Tượng đài “Vinh quang thợ mỏ Hà Lầm”

Chuyến đi thực tế tại 5 đơn vị ngành Than tại Quảng Ninh là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Hội Nhà văn Việt Nam với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và Tập đoàn TKV về việc đưa các nhà văn đi thực tế; đồng thời hưởng ứng cuộc thi viết văn học về đề tài công nhân công đoàn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, đã được phát động từ tháng 11/2021.

Chuyến đi diễn ra trong những ngày các đơn vị của TKV đang tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 86 năm ngày Truyền thống Công nhân vùng Mỏ.

Ngày cuối cùng của chuyến đi, Đoàn nhà văn đã được gặp gỡ lãnh đạo Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, tặng sách, chân dung nhà văn Võ Huy Tâm (1926 - 1996); tặng lẵng hoa chúc mừng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhân dịp Kỷ niệm 86 năm ngày Truyền thống Công nhân vùng Mỏ, Truyền thống ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2022).

Sau 5 ngày làm việc, trải nghiệm thực tế, nhiều nhà văn, nhà thơ đã hoàn thành tác phẩm của mình, nhiều sáng tác thơ đã được các tác giả trình bày tại các cuộc giao lưu với các đơn vị. Hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm có chất lượng tham gia cuộc thi viết về đề tài Công nhân Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Được biết sau chuyến đi này, Chi hội Nhà văn công nhân còn thực hiện nhiều chuyến khảo sát khác, lan tỏa đam mê, dấn thân của các tác giả chuyên và không chuyên, sáng tác văn học về đề tài công nhân; góp phần làm cho văn học công nhân ngày càng “đạt chất lượng nghệ thuật, tư tưởng ngang bằng với những thể loại khác”, như hy vọng của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.

Hội Nhà văn Việt Nam

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản