Đời sống - Xã hội

VỀ VÀNG DANH

Ngày đăng: 19/12/2022

Chúng tôi quyết định để bụng rỗng về với Vàng Danh mới ăn sáng. 6h00, nhà văn Vũ Thảo Ngọc, con người lớn lên cùng ngành Than hò nhau: “Các anh ơi lên xe, ở dưới đó họ chờ”. Cánh nhà văn vốn xuê xoa về thời gian, nhảy tót lên xe. Hà Nội chừng như còn ngái ngủ.
Đi sớm vậy nhưng suýt soát 8h00, Đoàn nhà văn chúng tôi mới có mặt tại “đại bản doanh”  của Than Vàng Danh tại 185 Nguyễn Văn Cừ, Vàng Danh, Uông Bí, Quảng Ninh. Chủ tịch Công đoàn Than Vàng Danh, kỹ sư Vũ Đình Việt chờ sẵn. Khuôn mặt ông giãn ra cùng nụ cười. Với người của Than Vàng Danh thì coi như chúng tôi đã thành công việc đầu tiên, hành trình an toàn.

Gọi là Than Vàng Danh cho tiện. Thực ra, tên đầy đủ của đơn vị này là Công ty cổ phần Than Vàng Danh – VINACOMIN. Kỹ sư Vũ Đình Việt cho biết, ngay tại bữa ăn, tiền thân của Than Vàng Danh là Xí nghiệp Mỏ than Vàng Danh được thành lập ngày 06/6/1964 theo Quyết định của Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị. Đây cũng là mỏ than hầm lò đầu tiên của ngành Than Việt Nam được Liên Xô trước đây giúp đỡ xây dựng trong kế hoạch 5 năm lần thứ I, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III (1961 - 1965).

Thời “Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng”, (thơ Tố Hữu) thì đây là một trong 22 công trình trọng điểm cấp Nhà nước khi đó. Ở thời điểm ấy, với dây chuyền công nghệ khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ trải dài trên 20 km, Than Vàng Danh được xác định là mỏ than hiện đại nhất Việt Nam và cả xứ Đông Dương. Vị thế, tầm quan trọng của Than Vàng Danh đã được Bác Hồ khẳng định khi Người về thăm, chúc Tết Ất Tỵ nhân dân Uông Bí và những người thợ mỏ ở Uông Bí ngày 02/02/1965: “Kế hoạch xây dựng Mỏ Vàng Danh là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta”. Vậy mà đã gần 70 năm trôi qua.
- Nếu tính từ thời người Pháp, bắt đầu khai thác và mẻ than đầu tiên được đưa lên thì cũng đã 108 năm. Nói tóm lại, nói về lịch sử của Than Vàng Danh đã có trên 100 năm. Là Chủ tịch Công đoàn nên kỹ sư Vũ Đình Việt nắm rất chắc các mốc thời gian của mỏ than mà ông gắn bó.

Ăn sáng, nói chuyện về Vàng Danh, Uông Bí rồi chúng tôi được kỹ sư Vũ Đình Việt mời đi vào khai trường, tiếp xúc với công nhân. Các vỉa than thuộc quản lý của Công ty này nằm trong cánh cung Đông triều; phía Bắc giới hạn bởi đường phân thủy dãy núi Bảo Đài, phía Nam giáp khu dân cư phường Vàng Danh, phía Tây giáp khu Than Thùng, phía Đông giáp khu Uông Thượng.

So với thời gian khó, tôi không dễ hình dung nhưng bây giờ đường vào mỏ đã ngon lành. Tất nhiên, khai trường khá xa, Ô tô tính từ lúc lăn bánh tới nơi cũng hơn 30 phút.

Kỹ sư Vũ Đình Việt nhiệt tình cung cấp thông tin. Than Vàng Danh làm nhiều nghề liên quan đến thanh như khai thác, chế biến, kinh doanh than và các khoáng sản khác; Bốc xúc, vận chuyển than và đất đá...nhưng trong chuỗi giá trị có vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy. Than Vàng Danh có 28 đơn vị thuộc khối khai thác và đào lò, 10 đơn vị dây chuyền, mặt bằng và một đơn vị làm công tác phục vụ...Có những thời điểm, Than Vàng Danh có đến hơn 6 ngàn người lao động. Mừng là Than Vàn Danh đã tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.

- Kể từ ngày thành lập đã có trên 20.000 lượt người tới mỏ làm việc, hiện có 5.475 cán bộ, công nhân viên của 16 dân tộc anh em đang làm việc tại mỏ, trong đó 692 là nữ, trên 1.000 người có trình độ đại học và trên đại học.

- Người Vàng Danh có làm thợ mỏ không em? Tôi hỏi Vũ Đình Việt.

- Con em Vàng Danh cũng có nhưng sao đáp ứng nổi nhu cầu khai thác?

Tôi nhẩm tính, thời Nguyễn khu vực này chỉ có vài chục hộ người Kinh và ít hộ người Dao, dần dần cùng với khai thác mỏ mà hình thành nên thị trấn Vàng Danh bây giờ...

Vàng Danh lớn lên vì đất nước, cùng đất nước. Than Vàng Danh đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2003, Công ty được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Sản xuất nhiều than cho Tổ quốc. Tôi từng nghe câu nói này những năm còn đấu tranh thống nhất đất nước. Bây giờ Than Vàng Danh và cả Tập đoàn Than – Khoáng sản đang sản xuất nhiều than vì an ninh năng lượng của đất nước.
 

Đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam thăm mặt bằng sản xuất Công ty CP Than Vàng Danh
 
Than Vàng Danh là đơn vị đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác than hầm lò. Hai năm gần đây, Công ty đã hoàn thiện công nghệ cơ giới hóa đồng bộ hạ trần thu hồi than nóc lò chợ I-8-3A, công nghệ lò chợ xiên chéo vỉa dốc chống giàn mền. Ngoài ra, đơn vị còn đang ứng dụng nhân rộng công nghệ giá thủy lực di động dạng khung, xích và ZRY. Nghe nói Than Vàng Danh đang phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ mỏ hoàn thiện đánh giá khả năng áp dụng cơ giới hóa hạng nhẹ trong khai thác lò chợ. Than Vàng Danh đưa hệ thống làm mát xuống hầm lò.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống này là làm mát không khí bằng nước lạnh tuần hoàn khép kín. Nước sạch được dẫn từ ngoài mặt bằng vào trong lò qua hệ thống máy bơm và đường ống bằng thép mạ kẽm. Thông qua thiết bị làm lạnh, nước sẽ được giảm nhiệt độ, thiết bị điều hòa sẽ dẫn luồng không khí lạnh vào các vị trí sản xuất của lò chợ cơ giới hóa. Yếu tố tuần hoàn cũng giúp tiết kiệm chi phí vận hành do cơ chế tái sử dụng nước làm mát.

- Máy hút bụi, máy phun sương Công ty cũng đã đầu tư lắp đặt. Tất cả đều nhằm cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. Vũ Đình Việt giọng ấm áp.

Việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, hiện đại trong khai thác than hầm lò đã và đang giúp Công ty tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tiêu biểu tiền lương bình quân của người lao động trong Công ty đạt 15 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch Vũ Đình Việt rất chính xác với các số liệu. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,  Than Vàng Danh vẫn sản xuất trên 3,3 triệu tấn than nguyên khai, đạt mức doanh thu trên 5.300 tỷ đồng, lợi nhuận 130 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng, cổ tức 7%. Năm 2022, Than Vàng Danh phấn đấu sản xuất trên 3,58 triệu tấn than nguyên khai, đào mới 37.926 mét lò, đạt mức doanh thu trên 5.300 tỷ đồng.

Năm 2022 này, có một “sự kiện” đối với Than Vàng Danh. Đó là ngày 6/4, Công ty cổ phần Than Vàng Danh – VINACOMIN được đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm nhân chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ninh. Không mấy đơn vị trong ngành Than có được vinh dự này.

Than Vàng Danh là đơn vị luôn đi đầu trong công tác đổi mới công nghệ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa  vào sản xuất đạt hiệu quả, năm 2021 lò chợ cơ giới hóa  đạt sản lượng 600.000 tấn/năm, vượt xa so với kế hoạch. Trong thời gian ở lại Than Vàng Danh một ngày, Đoàn nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam có dịp hiện diện ở lò chợ có tên Giếng 1 đến hai lần. Lần đầu đi để biết khu Nhà bằng – nơi vốn được Liên Xô giúp đỡ thời những năm sáu mươi. Lần thứ hai, vào lúc hơn 22h00 để gặp anh em thợ lò thay ca.

Vàng Danh xưa là nơi khí hậu khắc nghiệt. Nhà văn Trần Tâm, người thợ mỏ chính danh, đọc câu thơ thơ truyền miệng bao đời: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Vàng Danh”. Gió ơi là gió.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành Than nói chung, Than Vàng Danh nói riêng, đời sống thợ mỏ ngày càng được nâng lên. Thu nhập tiền lương bình quân năm 2021 đạt trên 17 triệu đồng/người/tháng, trong đó thợ lò trên 22 triệu đồng, cá biệt cao hơn. Không chỉ lương cao, họ còn được hưởng thụ những giá trị văn hóa, tinh thần.

Đối với khu tập thể công nhân 314, Công ty đã đầu tư 55 tỷ đồng, xây mới, năm 2012 đưa vào sử dụng 2 lô nhà 5 tầng công năng hiện đại, có thư viện, phòng truyền thống, phòng rèn luyện thể chất, căng tin… 132 phòng ở được trang bị ti vi, tủ lạnh, giường, tủ, bàn, ghế đồng bộ, hiện đại, có mạng Wifi, truyền hình cáp. Công nhân ở tập thể không phải trả tiền nhà, hàng quý còn được cấp tiền mua nhu yếu phẩm thiết yếu như xà phòng, thuốc đánh răng… Ngoài ra, còn được tổ chức sinh nhật, có xe đưa đón về quê dịp lễ Tết. Khi vợ, con lên thăm được ở trong khu nhà hạnh phúc với đầy đủ tiện nghi. Cảnh quan, môi trường khu tập thể được đầu tư nâng cấp đảm bảo văn minh, hiện đại. Hiện có gần 400 công nhân đang ở trong khu tập thể của Công ty.

Chúng tôi theo chân Chủ tịch Vũ Đình Việt lên tầng 4, khu tập thể 314. Hầu hết anh em đang đi làm ca. Tôi vào phòng của hai công nhân quê từ vùng Kiến Xương, Thái Bình. Họ đều ngoài ba mươi. “Làm đây mấy năm rồi?”, tôi hỏi Hòa. “Dạ cháu vào đây đã 10 năm. Năm nay 35 tuổi”, Hòa đáp. Hòa chưa người yêu. Tìm hiểu ra mới biết, thanh niên Than Vàng Danh ngoài 30 chưa vợ không ít. “Suốt ngày vào hầm lò. Thời gian đâu để tìm hiểu hả chú”, Hòa cười.

Hóa ra, tạo điều kiện gặp gỡ để trai đất mỏ còn nên duyên vợ chồng là câu chuyện lớn. Nhà văn Thảo Ngọc bảo, chủ trương của Tổng Công đoàn lao động Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cũng rất quan tâm. Nhưng không ăn thua.

Đứng giữa khu nhà nghỉ công nhân, tôi gặp nhiều người già từ các khu nhà dân gần đó vào tập thể theo buổi tối. Nhiều cháu nhỏ theo bố mẹ vào hóng mát, trượt patan...Tất cả thật bình yên.

Bất giác tôi nghĩ đến ngày mai. Vàng Danh cũng như nhiều mỏ khác của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đang khó khăn trong việc tuyển lao động. Liệu các cháu bé này lớn lên, có nối nghiệp cha ông?
 
Ký của Ngô Đức Hành - Hội NVVN

Chia sẻ bài viết: