Đời sống - Xã hội

Chuyến xe xuyên đêm mang hơi ấm mùa Than về với bản làng Thợ mỏ

Ngày đăng: 20/1/2023

Vừa qua, Công ty than Khe Chàm đã tổ chức Đoàn công tác tới huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thăm hỏi, chúc Tết các gia đình có công nhân công tác tại Công ty, nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Quý Mão 2023, Đoàn do đồng chí Vũ Quang Tuyến, Phó Bí thư Đảng bộ Công ty làm trưởng đoàn.

Đ/c Vũ Quang Tuyến, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty cùng Đoàn công tác thăm hỏi các gia đình
 
Ngày cuối năm anh Vũ Quang Tuyến, Phó Bí thư Đảng ủy bảo tôi: Em có đi Hà Giang với anh một chuyến không?

Với Hà Giang, đó là nơi tôi vẫn thường mơ ước được đặt chân đến một lần để khám phá. Nhưng trong cái ngày giáp tết này, khi mà khói hương đã lên đèn cuốn quyện cùng mùi bánh chưng trong căn nhà Việt, thì việc du lịch là thứ không thể, nên tôi miễn cưỡng hỏi lại:
- Anh đi những đâu?
- Lên Hà Giang chúc tết anh em thợ mỏ của công ty mình.
- Ô kê anh!

Cái gì chứ, việc chúc tết anh em, đồng đội thì tại sao tôi lại bỏ cuộc được. Lãnh đạo trăm công ngàn việc còn hướng tâm về anh em vùng cao, thì lẽ nào tôi không thể tham gia. Đó cũng là đạo lý, nhân văn là cái nghĩa ở đời, thắm tình đồng đội.

Chiếc xe xé toạc màn đêm lao về miền đá núi Hà Giang trong sương mù dày đặc, lầm lũi leo từng đoạn dốc, mò mẫm từng đoạn cua lên cổng trời. Với một Cao nguyên đá như Đồng Văn thì những cung đường xoắn tay áo cùng cái tên Mã Pí Lèng đã ớn lạnh với tài già, huống chi đây lại là cậu tài xế trẻ mới biết đến Hà Giang lần đầu trong đêm. Sự hùng vĩ trong phim ảnh giờ chỉ còn nhợt nhạt qua màn gạt mưa, khiến đồng chí Vũ Quang Tuyến người ngồi ghế đầu bên phụ cũng căng mắt giúp tài xế dò từng mét đường.

Mọi con đường rồi cũng đến đích, dù đôi lần chúng tôi phải xuống xe, anh trước, anh sau bật đèn điện thoại xi nhan cho tài xế quay xe mỗi lần nhầm vào đường cụt, vì anh google maps trở chứng quay tròn mất sóng. Chỉ đến khi ánh điện hiện ra anh em chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Anh Tuyến trưởng đoàn, quyết định cho đoàn dừng chân nghỉ tại trung tâm huyện Đồng Văn để nạp năng lượng sau chặng đường dài hơn 600 km, để ngày mai dậy sớm vào bản.

Đã 22h đêm, dù biết trước nhiệt độ ngoài trời đang kéo dần xuống không độ, anh em tôi đã chằng đụp đủ quần áo ấm, nhưng khi xuống xe vẫn rùng mình trước cái rét đột ngột. May thay, đồng chí Nguyễn Quang Hiệp - Phó Trưởng phòng Tổ chức Đào tạo, người trẻ nhất trong đoàn đã nhanh ý mua cho mỗi người một chiếc khăn, mũ bông, để che chắn cái lạnh của đá núi đang len lỏi luồn qua các lớp áo, thấm vào từng làn da, thớ thịt như trăm nghìn ngọn kim châm tê buốt. Chỉ đến khi bước vào phòng, mọi người nhìn nhau mới phá ra cười, bởi từ sếp đến quân đều trùm hụp kín mít, ngồ ngộ như mấy gã du mục.

Sáng sau, chiếc xe lại khởi hành vào bản. Nhìn những răng đá lởm chởm như xuyên lên từ đá, chìa ra bên vách núi, hun hút dưới thung sâu mới thấy hết sự kỳ vĩ của miền cao nguyên đá nơi đây. Chợt nhớ lại câu thơ của người lính Vị Xuyên Nguyễn Viết Ninh đã tự khắc trên báng súng của mình trong trận chiến chống quân Trung Quốc xâm lược: "sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" càng thấy máu xương của cha anh đâu dễ một sớm, một chiều nguôi ngoai. Thì ra đồng bào của tôi, đồng đội của tôi ngoài việc cắm đá trồng ngô hay về Quảng Ninh làm thợ, thì họ còn là những cột mốc lòng dân, những đường biên sống cho chủ quyền Việt Nam trường tồn, bất diệt.

Theo cánh tay đồng chí Nguyễn Quang Hiệp chỉ. Tôi nhìn lên những đỉnh núi chọc trời, ở nơi ấy là tổ ấm , là gia đình của rất nhiều anh em thợ mỏ đang sinh sống. Con đường bê tông ngoằn ngoèo dường như ngắn lại. Một ngôi nhà hai tầng đồ sộ lộ ra bên vách núi. Anh Trường quản đốc KT5 nơi có nhiều công nhân nơi đây làm việc, nhìn vào và khẳng định chắc như đá chồi lên từ đá: “Nhà Mùa Mý Lình đây rồi! To nhất, đẹp nhất bản, ắt hẳn chỉ có Mùa Mý Lình. Quả đúng như lời Trường dự đoán, tôi bước xuống nhận ra ngay đồng đội của mình từ những chiếc áo bông mang logo KC của công ty. Anh em thấy chúng tôi đến hồ hởi lắm, họ đưa những bàn tay săn chắc mang sức trẻ của đá núi tai mèo bắt chặt bàn tay chúng tôi, những bàn tay cũng chẳng kém phần săn chắc nhờ đẽo đá kíp lê trong ánh mắt ngời lên sự trân trọng. Sau những cái bắt tay nồng ấm thắm tình đồng bào. Đồng chí Vũ Quang Tuyến chia quà cho các cháu nhỏ, một cảm xúc tuổi thơ của mấy chục năm về trước lại hiện về, ấm áp vô cùng vì tôi cũng đã từng là em nhỏ được nhận quà như thế. Tôi bước ra ngoài, lúc này anh em đã kéo đến rất đông, đặc biệt trong số ấy có một nhân vật khá nổi tiếng, đó là bố đẻ của bé “Phúng Phính” Mùa Thị Dua, người được mệnh danh là “Tiểu Màn Thầu Hà Giang” đang gây bão mạng trong lớp trẻ hiện nay cũng có mặt và là người trực tiếp tham gia trổ tài đầu bếp. Thì ra hôm nay là ngày anh em thợ mỏ về quê tổ chức tất niên. Họ quây quần bên nhau tại nhà Mùa Mý Lình. Mỗi người một việc, kẻ mổ lợn, anh làm gà, chị thái thịt, nhặt rau tựa như không khí tết của quê tôi vài chục năm về trước. Nhìn con lợn chắc nịch thịt. Tôi hỏi: Ăn tết to thế em? Mùa Mý Lình đứng lên bảo: Vâng, năm nay bọn em bội thu lương thưởng, lại được lãnh đạo công ty lên tận bản làng tài trợ, tổ chức buổi tết xum vầy quê hương cho chúng em, chúng em xúc động lắm ạ! Lợn này là của Công ty cho đấy ạ!

Vậy ra hành trình chuyến đi của chúng tôi đã được đồng chí Phó bí thư Đảng ủy Công ty Vũ Quang Tuyến đưa vào lộ trình, sắp xếp rất chu đáo từ nhà. Ông cẩn thận từ túi quà biếu cho khách quý, tiền mừng tuổi cho người cao niên, gói kẹo, hộp sữa cho trẻ nhỏ và cả đến bữa tất niên ấm áp nghĩa tình vùng cao cũng vẹn trọn đủ đầy. Tự dưng tôi thầm khâm phục ông, một lãnh đạo có tâm với người thợ, người hiểu cặn kẽ từng góc cạnh văn hóa, phong tục vùng miền, chu đáo từ người già cho đến trẻ thơ và ngay cả đến tôi, người lính đồng hành cũng được ông trìu mến, khác hẳn với phong cách sản xuất nghiêm khắc hàng ngày.

Bữa cơm tất niên được dọn lên với đầy đủ đặc sản miền núi, có khác chăng hôm nay đông hơn, vui hơn, các món ăn được đặt ngay ngắn lên một dãy bàn thay cho những tấm chiếu như mọi khi. Và đặc biệt còn có sự góp mặt chưa từng sảy ra khi anh em thợ mỏ nơi đây được gặp mặt Lãnh đạo xã mình, cùng lãnh đạo công ty nơi mình làm việc. Trong chén rượu ngô thơm nồng chắt lọc từ tinh hoa của núi đá Hà Giang, còn rất nhiều đồng bào và các thanh niên trong xã cùng đến chung vui, khiến đồng chí Bí thư xã Lũng Thầu: Vừ Chè Giàng; Chủ tịch xã Thào mý lầu; Bí thư đoàn, Sùng Mý Chá rất cảm động và coi như đây là một sự kiện đặc biệt nhất từ trước đến nay, một sự kiện chưa từng có tiền lệ tại địa phương. Đồng chí cũng đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo công ty, không những tạo công ăn, việc làm mang lại cơ hội thoát nghèo cho một số thanh niên trong xã, mà còn hết lòng quan tâm gây dựng hình ảnh đẹp của người thợ mỏ trong lòng đồng bào vùng cao. Hình ảnh ấy, nghĩa cử ấy, sẽ được lãnh đạo xã, huyện ghi nhận và đồng chung tay với Công ty trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng nghiệp thanh niên hướng về đất mỏ, về với Khe Chàm để cùng kết nghĩa, xây dựng và phát triển, để có thêm nhiều ngôi nhà thợ mỏ tại các bản làng xinh đẹp Hà Giang.

Cuộc vui nào cũng phải có điểm dừng. Nhưng có lẽ cuộc vui nơi đây sẽ là bất tận khi anh em ai cũng trải lòng giữ chúng tôi ở lại đón tết vùng cao. Muốn lắm, thích lắm... vì chẳng ai còn cảm nhận thấy cái rét của đá núi Hà Giang cắt da, cắt thịt nữa. Nhưng ba ngày đã là thời gian mặc định của đoàn. Ba ngày cũng chưa thể đủ để giãi bày, tâm giao cho hai bên sát lại thêm nữa, nhưng chắc chắn hơi ấm của vùng than đã lan tỏa đến đồng bào nơi đây và chuyến xe xuyên đêm của chúng tôi sẽ là chuyến xe mang hơi ấm vùng than về với bản làng. Nơi ấy là đồng đội, đồng chí mang truyền thống kỷ luật và đồng tâm của người thợ. Rồi đây, sẽ có thêm rất nhiều thanh niên mang sức trẻ cao nguyên đá, hòa nhịp vào mạch chảy của dòng than khởi sắc.

Và tôi luôn tin như thế!

Một số hình ảnh Đoàn công tác tại Hà Giang:
 

 











 
 Nguyễn Tiến Du

Chia sẻ bài viết: