Công tác Tuyên truyền

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (2.2.1908- 2.2.2023): Tinh thần, khí phách luôn sống mãi với non sông

Ngày đăng: 2/2/2023

Hôm nay, ngày 2.2, kỷ niệm 115 năm ngày sinh của lãnh tụ của phong trào công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tận trung với nước, tận hiếu với dân, nêu cao tấm gương chói ngời phẩm chất, khí tiết và đạo đức người chiến sĩ cộng sản của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.


Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 1.2, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Hơn 20 tham luận gửi tới và trình bày tại tọa đàm đã góp phần làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Sớm giác ngộ cách mạng

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà nho  giàu truyền thống yêu nước.

Cụ Nguyễn Đức Tiết, thân sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thi đậu cử nhân năm 1888. Cụ Trần Thị Thuỳ, thân mẫu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương (năm 1952, Vĩnh Bảo sát nhập vào tỉnh Kiến An). 

Cụ Cử Tiết sinh được bốn người con, đó là: Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Đức Cảnh và Trần Thị Thừa. Năm lên bảy tuổi, sau khi cha mất, Nguyễn Đức Cảnh được Nguyễn Đạo Quán và Trần Mỹ, bạn học của cha, là tri phủ, nhận làm con nuôi và cho đi học. Nguyễn Đức Cảnh sớm tỏ ra là người có chí, thông minh, được thầy giáo quý mến và bạn bè nể trọng.

Học hết tiểu học ở thị xã Thái Bình, Nguyễn Đức Cảnh sang học trường Thành Chung, Nam Định. Ở đây, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện hiểu thêm thực trạng xã hội đương thời và có thiện cảm, gần gũi với những người bị áp bức bất công. Nguyễn Đức Cảnh kết bạn với những thanh niên yêu nước như Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Văn Năng, Đặng Xuân Thiều… Nguyễn Đức Cảnh và các bạn rất say sưa tìm hiểu và kính trọng những hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…

Cuối năm 1925 đầu năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội kiếm việc làm, tự nuôi sống mình và tìm đường đến với cách mạng. Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm thư ký cho hiệu ảnh, dạy học và gia nhập hàng ngũ công nhân bằng cách trực tiếp lao động làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư (sau này là nhà in Lê Văn Tân).

Lãnh đạo phong trào công nhân

Năm 1927, khi còn là thợ sắp chữ ở nhà in Lê Văn Tân, là một thanh niên yêu nước đang khát khao đi tìm lý tưởng, Nguyễn Đức Cảnh đã tìm đến và gia nhập nhóm “Nam Đồng thư xã”, tổ chức này sau phát triển thành tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng.

Tháng 9 năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật sang Quảng Châu (Trung Quốc), gặp Tổng bộ “Thanh niên” để thực thi nhiệm vụ mà Quốc dân đảng giao cho. Đến Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật không gặp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhưng vẫn kịp dự lớp học chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng do Hồ Tùng Mậu huấn luyện.

Qua học tập, cả hai đều dứt khoát ly khai tổ chức Quốc dân đảng, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, chuyển từ lập trường Quốc dân đảng sang lập trường Cộng sản. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.

Tháng 2.1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Kỳ bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng Hải Phòng, sau đó được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và Bí thư Khu bộ Hải Phòng gồm (Hải Phòng, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh).

Ngày 17.6.1929, tại ngôi nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên.

Ngày 28.7.1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về công tác công vận, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc kỳ tại 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội đã định ra nhiệm vụ mới cho phong trào công nhân và thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Hội trưởng lâm thời. 

Sau này, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28.7.1929, ngày họp đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, làm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam.

Tấm gương cách mạng sáng ngời

Tháng 12.1929, đồng chí Nguyễn Đức cảnh triệu tập Hội nghị Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các Tổng Công hội địa phương lên Xứ và bầu Ban Chấp hành chính thức. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan làm Hội trưởng.

Tháng 8.1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản đảng Hải Phòng thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm ba đồng chí, do cấp trên chỉ định: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Đoài và Nguyễn Hữu Căn làm Uỷ viên.

Ngày 3.2.1930, tại một địa điểm ở Cửu Long (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 2.1930, các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu... triệu tập Hội nghị tại số nhà 42 Hàng Thiếc (Hà Nội) bàn triển khai Nghị quyết Hội nghị Cửu Long và Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời cử ra Ban Chấp hành lâm thời. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được giới thiệu vào Trung ương nhưng đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan.

Tháng 4.1931 đồng chí bị địch bắt, kết án tử hình. Thời gian ở trong xà lim án chém của nhà tù Hỏa Lò Hà Nội, đồng chí đã dồn hết tâm trí viết cuốn “Công nhân vận động” trao lại cho Đảng.

Cuối tháng 4.1931, Nguyễn Đức Cảnh bị giải từ Vinh ra Hà Nội, giam tại nhà giam Hỏa Lò và tiếp tục bị tra tấn dã man. Tại phiên tòa đế quốc Pháp xử tù chính trị ở Hà Nội, với lời lẽ đanh thép, Nguyễn Đức Cảnh dùng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để lên án chế độ thực dân cướp nước, bác bỏ mọi lời buộc tội của chúng. Mặc dù vậy, ông vẫn bị tòa án thực dân kết án tử hình. Ngày 30.7.1932, chúng đưa ông về Nhà lao Hải Phòng.

5h sáng ngày 31.7.1932, đồng chí bị thực dân Pháp sát hại cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân trước cửa Đề lao Hải Phòng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng; là người con ưu tú của dân tộc đã nêu cao tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân của người chiến sĩ Cộng sản trọn đời hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
 

Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao Động

Ngày 28.7.1929 tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón - Hà Nội, đã diễn ra một cuộc hội nghị quan trọng sau này trở thành một sự kiện lịch sử: Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Dự hội nghị có bảy đại biểu do Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Hội nghị đã bầu Nguyễn Đức Cảnh làm hội trưởng lâm thời, quyết định ra một tờ báo mang tên Báo Lao Động. Ngày 14.8.1929, số đầu tiên của Báo Lao Động ra mắt bạn đọc. Đến nay, tờ báo đã trên 93 năm hoạt động và đóng góp vào quá trình phát triển của cách mạng và đất nước Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trở thành Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao Động.
 

Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết: