Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin về công nhân và phong trào công nhân, nghiên cứu hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa, từ đó rút ra kinh nghiệm, đặt cơ sở lý luận cho việc tổ chức Công đoàn cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về công đoàn
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người đã xác định nhiệm vụ của tổ chức Công hội “trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Theo Hồ Chí Minh, công đoàn phải là tổ chức rộng rãi của công nhân, lao động nhưng phải có hệ thống chặt chẽ. Chức năng của công đoàn là tập hợp, giáo dục công nhân, lao động tạo thành lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giành chính quyền và xây dựng đất nước. Công đoàn có vai trò to lớn trong việc vận động công nhân lao động thi đua sản xuất, tiết kiệm làm ra nhiều của cải cho đất nước. Công đoàn có nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, văn hóa của công nhân, lao động. Những quan điểm đó của Người được truyền bá trong phong trào công nhân, thông qua hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đặt nền móng cho việc thành lập một tổ chức Công đoàn cách mạng.
|
Bác Hồ với cán bộ, công nhân Xưởng Cơ khí, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, tháng 1-1964. Ảnh tư liệu.
|
Trong bối cảnh tập trung chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, vừa “kháng chiến, vừa kiến quốc”, nhưng Người rất quan tâm chăm lo cho tổ chức Công đoàn và đề ra nhiệm vụ và quyền lợi cho tổ chức Công đoàn là: “Công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức vững vàng, có nhiệm vụ giữ gìn quyền lợi cho công nhân và giúp cho chính phủ trong việc xây dựng đất nước”.
Trong thời kỳ 1945 -1975, hoạt động Công đoàn Việt Nam gắn liền với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng quan tâm chỉ đạo hoạt động của tổ chức Công đoàn. Người chỉ rõ:
“1. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân; 2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng; 3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học; 4. Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Người ta thường nói đoàn kết là sức mạnh vô địch, ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân, đồng thời cũng cố sự liên minh của công nhân và nông dân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất; 5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân rõ tình hình trong nước và nước ngoài; 6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân, lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu, phải dân chủ bàn bạc anh em công nhân, phải kiểm tra, làm mà không kiểm tra không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sữa chữa”.
|
Tọa đàm “Cán bộ công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Ảnh: N.T. |
Tại Hội nghị cán bộ công đoàn, ngày 14/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu chỉ rõ nhiệm vụ của Công đoàn: “Nhiệm vụ của công nhân và Công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế Công đoàn phải tổ chức, giáo dục, lãnh đạo công nhân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Đảng và Chính phủ đề ra”. Trong hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc ngày 13/8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của Công đoàn về công tác tham gia quản lý xí nghiệp, về tổ chức tốt các phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô, làm tốt công tác bảo hộ lao động, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động, Người chỉ rõ: “Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc công tác kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ công đoàn cấp trên thường xuyên đi đến cơ sở để giúp họ một cách thiết thực hơn”.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ công đoàn
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước. Chống tư tưởng làm thuê, làm mướn ngày trước, vì bây giờ mình làm cho giai cấp mình, cho con cháu mình. Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Chống thói kèn cựa, suy bì, luôn luôn cố gắng tiến bộ làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho”. Theo Người, cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân. Cán bộ công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế”, lại có trình độ cả về tư tưởng văn hóa, kỹ thuật thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân. “Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động gần gũi công nhân, viên chức”, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng thì mới làm tròn được nhiệm vụ của mình. Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết, nhất trí”. Cán bộ công đoàn phải là nòng cốt trong hệ thống công đoàn, phải làm gương cho công nhân noi theo.
|
Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân. Trong ảnh: Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa thăm, tặng quà công nhân lao động tại khu trọ. Ảnh: Phương Linh. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có Công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn đoàn tốt”.
Nói về tồn tại thiếu sót khuyết điểm của cán bộ công đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng cụ thể, tỉ mỉ những việc cán bộ công đoàn thiếu quan tâm chỉ đạo. Người nói: “Công đoàn không khai hội công nhân viên chức, thế là trái chế độ dân chủ, vì vậy mà anh em có nhiều thắc mắc, ảnh hưởng không tốt đến năng suất lao động; Công đoàn chỉ chạy theo năng suất mà không chú ý đến chất lượng, để công nhân làm ẩu làm bừa”.
Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ “Ngay trong công đoàn cũng có cán bộ mắc thiếu sót, làm cho đời sống quần chúng thêm khó khăn. Một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thực sự quan tâm đến đời sống của quần chúng”. Vì vậy, mỗi cán bộ cần phấn đấu trở thành đầy tớ trung thành của nhân dân. Người cũng chỉ ra cho cán bộ công đoàn thấy rằng: “Sở dĩ có những khuyết điểm ấy là do cán bộ công đoàn kém, quan liêu không đi sát quần chúng, không làm tròn trách nhiệm của Đảng và Chính phủ giao”.
Để khắc phục những tồn tại thiếu sót trên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ công đoàn: “Cán bộ công đoàn phải cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghiệp vụ, kinh tế của ta ngày nay càng phát triển hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông, muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ phải luôn cố gắng học tập, cố gắng vươn lên để không ngừng tiến bộ”.
|
Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng. Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp giày da Phù Yên, Công ty cổ phần giày Ngọc Hà (Sơn La) trong ca sản xuất. Nguồn: baosonla.org.vn |
Những quan điểm của Hồ Chí Minh về công đoàn và cán bộ công đoàn đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng hổi và là những tài sản vô giá cả về lý luận và thực tiễn cho Công đoàn Việt Nam trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, xứng đáng với vị trí, vai trò của tổ chức trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.407.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.295-296.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.371.
Nguồn: laodongcongdoan.vn