Công tác Tuyên truyền

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2023

Ngày đăng: 1/7/2023

Từ tháng 7, hàng loạt chính sách, quy định mới có hiệu lực tác động đến nhiều đối tượng, nhiều mặt của cuộc sống như tăng lương cơ sở, tinh giản biên chế...
Tăng lương cơ sở

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng, áp dụng cho 9 nhóm đối tượng. Chính phủ ban hành Nghị định 24 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Cũng từ 1/7, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8%. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. 

Cụ thể, từ 1/7 tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Bổ sung đối tượng tinh giản biên chế

Ngày 3/6, Chính phủ ban hành Nghị định 29 về tinh giản biên chế, có hiệu lực từ 20/7. Theo đó, các đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế sẽ gồm 3 nhóm.

Nhóm 1 là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức thuộc một trong các trường hợp như dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền…

Nhóm 2 là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị.

Nhóm 3 là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền. Đây cũng là một trong những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế được bổ sung so với quy định hiện hành.

Cũng tại Nghị định 29, Chính phủ đã bổ sung chính sách nghỉ hưu trước tuổi với nữ cán bộ, công chức cấp xã…

Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ngày 17/4, Chính phủ ban hành Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/7.

Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Trong đó, dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định.

Chia sẻ bài viết: