Công ty Tuyển than Cửa Ông tổ chức đối thoại nâng cao năng lực sửa chữa, sau tái cơ cấu khâu cơ điện - vận tải
Sáng ngày 30/10/2018, Công ty Tuyển than Cửa Ông tổ chức đối thoại nâng cao năng lực sửa chữa, sau tái cơ cấu khâu cơ điện - vận tải. Chủ trì hội nghị có đồng chí Đặng Văn khôi – Giám đốc Công ty và đồng chí Đỗ Văn Tăng – Chủ tịch Công ty. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Công ty; Trưởng phòng, Quản đốc các đơn vị; Phó Quản đốc cơ điện, Kỹ thuật viên các đơn vị phụ trợ; cán bộ các phòng kỹ thuật, nghiệp vụ; công nhân vận hành, thợ sửa chữa bậc cao…
Trong thời gian vừa qua, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động Công ty Tuyển than Cửa Ông xác định việc tinh giảm lực lượng lao động quản lý, lao động phụ trợ, phục vụ và các cấp quản lý trung gian là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác sử dụng lao động. Để thực hiện tái cơ cấu lao động, Công ty tiến hành triển khai từng bước, xây dựng phương án sắp xếp các phòng ban, phân xưởng theo định biên mô hình mẫu TKV, sắp xếp giảm cơ cấu lao động phù trợ, phục vụ tại các đơn vị phân xưởng. Trên cơ sở đó, Công ty xây dựng và ban hành lại mô hình tổ chức sản xuất của từng phân xưởng, quy định lại chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị để thực hiện. Cùng với cách tổ chức lại sản xuất, Công ty đã hỗ trợ cho CBCNV nghỉ hưu trước tuổi do dôi dư, đổi mới cơ cấu lao động, lao động sức khỏe yếu... Kết quả thực hiện, lao động hiện có của Công ty giảm rất sâu, năm 2016 là 3.916, giảm 336 người so với năm 2015; năm 2017 là 3.648 người, giảm 268 người và 9 tháng năm 2018 là giảm 76 người. Theo đó, bình quân tiền lương của người lao động được nâng lên, năm 2016 là 6,525 triệu đồng/ người/ tháng, năm 2017 Công ty đã đạt 7,097 triệu đồng/ người/ tháng và 9 tháng năm 2018 đạt 7,693 triệu đồng/ người/ tháng.
Sau khi xây dựng và thực hiện phương án tổ chức mô hình bộ phận phù trợ thuộc lĩnh vực Cơ điện và Vận tải toàn Công ty từ tháng 11/2017 hoàn thành đến hết tháng 7 năm 2018, cụ thể lĩnh vực vận tải thực hiện từ tháng 05/2017 đến tháng 11/2017; từ 01/03/2018 thực hiện tại PX Tuyển than 1; 01/04/2018 thực hiện tại PX Tuyển than 2; 01/05/2018 thực hiện tại PX Tuyển than 3; 01/06/2018 thực hiện tại PX Lọc ép than bùn và PX Kho bến 1, PX Kho bến 2 thực hiện từ 01/07/2018. Số tổ sản xuất của Công ty đã giảm từ 51 tổ xuống còn 28 tổ, chuyển bổ sung từ lao động bộ phận sửa chữa sang sản xuất chính còn thiếu là 71 người (công nhân gác ghi, gác chắn, lao động công nghệ và vận hành băng...) và điều chuyển 225 người từ bộ phận sửa chữa các đơn vị về Phân xưởng Cơ khí, PX Điện nước và PX Đầu máy Toa xe. Việc thực hiện phương án tổ chức mô hình bộ phận phù trợ thuộc lĩnh vực Cơ điện và Vận tải có sự thay đổi lớn về công việc hàng ngày của người lao động và công tác quản lý, tổ chức sửa chữa của các đơn vị nên Tuyển than Cửa Ông tiến hành thận trọng, vừa làm vừa đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai.
Đánh giá về việc thực hiện phương án tổ chức mô hình bộ phận phụ trợ thuộc lĩnh vực Cơ điện - Vận tải, lãnh đạo Công ty nhận xét: Công tác quản lý, sửa chữa thiết bị giữa các đơn vị quản lý thiết bị với đơn vị sửa chữa được rõ ràng, minh bạch và gắn trách nhiệm cụ thể hơn. Vật tư thay thế được hai đơn vị cùng giám sát, xác nhận nghiệm thu và tổ chức lại sản xuất; thời gian chạy máy hợp lý hơn nên có thời gian nghỉ để tổ chức sửa chữa; nội dung công việc được thực hiện đầy đủ và chất lượng sửa chữa được nâng lên rõ rệt, thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo điều hành, giao việc và kiểm tra đôn đốc công việc; phân công hợp lý hơn, các cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể về công việc của mình trong công tác duy trì thiết bị ổn định để tham gia sản xuất tại đơn vị. Đồng thời, việc sử dụng lao động hiệu quả hơn, người lao động có ý thức tự giác về công việc được giao và bắt buộc phải hoàn thiện trong ca vì điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập hàng tháng của bản thân. Cụ thể như đối với thợ vận hành sau nhiều năm vận hành thiết bị, nay đã ý thức thực hiện để cùng duy trì hoạt động ổn định của thiết bị trong ca tại phân xưởng. Bên cạnh đó, thợ sửa chữa thay đổi tác phong làm việc trong không gian công việc nề nếp, xử lý công việc nhanh, linh hoạt, đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ yêu cầu công việc đặt ra. Tay nghề thợ nâng cao, một người đã qua đào tạo hai nghề và có thể làm linh hoạt trong công tác sửa chữa chuyên sâu.
Hội nghị đối thoại nâng cao năng lực sửa chữa sau tái cơ cấu khâu Cơ điện, Vận tải được thực hiện dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch với tinh thần hợp tác, tích cực xây dựng. Thông qua Hội nghị, quy định về công tác sửa chữa các thiết bị cơ điện, Vận tải được bổ sung hoàn thiện; nâng cao hiệu quả công việc, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản xuất để Công ty sản xuất ổn định và đạt hiệu quả cao.
Sau gần 04 giờ làm việc, Giám đốc Công ty thẳng thắn giải đáp những ý kiến của các đơn vị. Nội dung ý kiến tham gia đề cấp tới các vấn đề về công tác lập kế hoạch sửa chữa, xây dựng định mức nhân công sửa chữa; giám sát, quản lý, sử dụng vật tư, phụ tùng; quy định, chế tài xử lý trách nhiệm trong từng công việc cụ thể; nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị; công tác bố trí, sử dụng lực lượng thợ sửa chữa, kỹ sư tự động hóa, Cơ điện - Vận tải; trách nhiệm của công nhân vận hành, sửa chữa và cán bộ phòng kỹ thuật, nghiệp vụ, cán bộ quản lý phân xưởng; các chế độ đãi ngộ, tiền lương, tiền thưởng...
Các ý kiến tại Hội nghị là ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện việc vận hành, chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị. Đồng thời chính là sự đồng thuận cao nhất của người sử dụng lao động và người lao động vì mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, chuyên sâu, lành nghề, tinh nhuệ, sáng tạo trong công tác Cơ điện, Vận tải; thu hút được người tài, có chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cao và trung thành với Công ty; thực hiện mục tiêu doanh nghiệp ít người, có thu nhập cao, hưởng chế độ dãi ngộ tốt; cùng xây dựng Công ty phát triển bền vững, vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Vũ Hằng