Được biết về tấm gương bà Trần Thị Cậy qua những trang sử truyền thống của Công ty và thật may mắn sau nhiều lần đến thăm nay đã trực tiếp được gặp bà. Trong khuôn viên nhỏ với những chậu cây cảnh, ông cần mẫn chăm sóc và bà thảnh thơi ngắm cảnh. Họ chính là những cán bộ công nhân thời kỳ đầu của Xí nghiệp Bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV) đã nghỉ hưu.
Bà Trần Thị Cậy cùng chồng (Nguyễn Văn Đàm) chụp tại gia đình ngày 02/11/2018
Ông Nguyễn Văn Đàm (Sinh năm 1935) nguyên là Trưởng ban tổ chức Đảng ủy của Xí nghiệp, sau là Phó giám đốc Bệnh Viện Đa khoa Cẩm Phả. Bà Trần Thị Cậy (sinh năm 1938) Tổ trưởng sản xuất máng ngoài - Phân xưởng Tuyển than 1, nữ công nhân vinh dự cùng đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than lên gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1968.
Từ một phân xưởng của mỏ Cẩm Phả, ngày 20/8/1960 Xí nghiệp Bến Cửa Ông đã được thành lập, khi đó toàn Xí nghiệp có 1.629 CBCN, 7 chi bộ với 155 đảng viên, 02 cán bộ trung cấp và chủ yếu là công nhân lao động phổ thông. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, CBCN Xí nghiệp đã đoàn kết, khắc phục khó khăn để lao động, sản xuất. Làm theo lời Bác "Người người thi đua, ngành ngành thi đua”, với các chiến dịch sản xuất than: “Điện Biên Phủ”, “Đắc Tô”, “Vì Miền Nam ruột thịt”... Xí nghiệp đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1964) và được Bác Hồ gửi thư khen đồng thời được ghi tên trên Cờ thưởng luân lưu của Bác.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc. Với vị thế trọng yếu, phía Nam giáp Vịnh Bái Tử Long, phía Bắc nằm dọc đường Quốc lộ 18A, nối liền giữa Miền Đông và Miền Tây của tỉnh Quảng Ninh, Xí nghiệp đã trở thành trọng điểm đánh phá hủy diệt của giặc. Thực hiện lời kêu gọi: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, CBCN Xí nghiệp đã anh dũng bám trụ để sản xuất và chiến đấu bảo vệ nhà máy thân yêu. Hòa trong khí thế sôi nổi đó Tự vệ Xí nghiệp Bến Cửa Ông đã dũng cảm phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn bắn rơi 08 máy bay Mỹ. Chiến công nối tiếp chiến công, năm 1966, Đại đội Nữ tự vệ Nhà sàng được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” - Và đây cũng là đơn vị anh hùng đầu tiên của Vùng mỏ.
Khi đó, bà Trần Thị Cậy vừa là người đảng viên, kiêm Thư ký Công đoàn, vừa là Tổ trưởng sản xuất máng ngoài (Nhà máy sàng Tuyển than 1). Công việc chính của Tổ máng ngoài là đón nhận than được vận chuyển bằng xe hỏa từ trong mỏ ra, sau đó dùng xà-beng mở các tay khóa thùng xe để than rơi xuống băng (hay dùng xẻng xúc than, vận chuyển) đưa vào nhà máy sàng để phục vụ sản xuất. Suốt những năm chiến tranh, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” bà cùng mọi người trong tổ ngày đêm chiến đấu, kiên trung, bám trụ bảo vệ Nhà sàng, giữ vững sản xuất.
Bà cho biết: Trước hoàn cảnh của Xí nghiệp lúc bấy giờ, cùng với khí thế thi đua lao động sản xuất của công nhân Vùng mỏ, từ trong nhà máy, bến cảng đâu đâu cũng như vang vọng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đó chính là sức mạnh, nguồn động lực to lớn, thôi thúc CBCN luôn hăng hái thi đua sản xuất. Cùng với sự chỉ đạo sát sao từ Đảng ủy và lãnh đạo Xí nghiệp, bà cùng anh chị em không ngại khó, ngại khổ, bất kể lúc nào đều có mặt kịp thời khắc phục sự cố, nhanh chóng đưa Nhà máy vào hoạt động, phấn đấu đạt các mục tiêu sản xuất đã đề ra. Tổ máng ngoài nơi bà làm Tổ trưởng luôn đạt ngày công cao, giờ công nhiều, năng suất hiệu quả. Những nỗ lực ấy đã được ghi nhận, trong nhiều năm liền Tổ máng ngoài của bà được vinh dự trở thành Tổ Xã hội chủ nghĩa và nhiều năm liên tục bà được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, Huân chương Kháng chiến cùng nhiều giấy khen có giá trị khác.
Đặc biệt, ngày 15/11/1968 một sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra tại Phủ Chủ tịch đã ghi dấu mãi trong lòng công nhân ngành Than, giai cấp công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh, trong đó có người công nhân nhỏ bé Trần Thị Cậy. Ngày đó, Bác Hồ kính yêu đã gặp mặt nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu CNCB ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Bà vinh dự là công nhân ưu tú cùng đoàn đại biểu công nhân vùng Mỏ được lên gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Đây là vinh dự to lớn cho nữ công nhân của Xí nghiệp Bến Cửa Ông và của ngành Than.
Xen lẫn xúc động, phấn khởi bà tâm sự: “Được gặp Bác Hồ đó là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao”. Khi Bác phát biểu, cả Hội trường đều im phăng phắc, chăm chú lắng nghe từng lời. Bác ân cần dạy bảo căn dặn, khích lệ động viên công nhân cán bộ ngành Than: “Người ta thường gọi than là “vàng đen”. Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống nhân dân... Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt khó khăn, nhằm tạo một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc... Bác rất mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp...”.
Thấm nhuần lời Bác dạy, ngay trong năm 1968, CBCN Xí nghiệp Bến Cửa Ông đã thi đua hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất trước thời hạn 48 ngày. Một lần nữa Bác Hồ gửi điện khen và tên Xí nghiệp lại được ghi trên Cờ thưởng luân lưu hạng Nhất của Người.
Kết thúc buổi trò chuyện cùng ông bà, trong tôi chợt nhớ tới lời ca: “Chúng tôi hát về những người thợ mỏ. Chúng tôi hát về một vùng than lấp lánh ánh sao trời. Hạ Long xanh như một bài ca năm tháng qua đi bao buồn vui còn đọng trong anh và trong tôi...” (Hát về Cửa Ông anh hùng - Vũ Trọng Tường). Lời bài như khơi dậy trong thế hệ CBCNV Vùng mỏ hôm nay, sẽ làm hết sức mình phát huy truyền thống anh hùng, viết tiếp những trang sử vàng rạng rỡ, xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững, góp phần xây dựng vùng than Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp như Bác hằng mong muốn./.
Vũ Hằng