Tin Tổng liên đoàn

Truyền thông công đoàn không thể bỏ trống mặt trận internet

Ngày đăng: 15/12/2023

Sự bùng nổ của các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đang đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn.
Sự bùng nổ công nghệ đặt ra nhiều thách thức
 
Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn là một thành tố quan trọng trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Theo đánh giá của đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, năng lực truyền thông của cán bộ công đoàn ngày càng được nâng lên; nội dung truyền thông công đoàn có chọn lọc và ngày càng phong phú, đối tượng mở rộng, hướng về cơ sở với nhiều hình thức, đặc biệt ứng dụng công nghệ số.
 
Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028”, sáng 14/12/2023.
 
Các cơ quan báo chí công đoàn đã nhanh chóng hiện đại hóa phương thức làm báo, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài. Đặc biệt, đã khẳng định vai trò của truyền thông trong đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Các cấp công đoàn triển khai hàng nghìn chiến dịch truyền thông về các sự kiện trọng đại của đất nước, của tổ chức Công đoàn góp phần khẳng định vị trí, vai trò của công đoàn và làm cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động thêm tự hào, gắn bó với tổ chức.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam minh chứng điều mình nhận định bằng kết quả cuộc thi trực tuyến “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng” vừa qua, với hơn 7,9 triệu lượt tiếp cận thông tin, hơn 4 nghìn bài viết đăng tải trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân cho rằng trong bối cảnh mới, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn.

Giải pháp nào đẩy mạnh truyền thông công đoàn?

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, truyền thông tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động. Không có gì hấp dẫn bằng quyền tiếp nhận thông tin tích cực của người dân cũng như đoàn viên, người lao động.
 

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nói rằng rất khó để xác định được các chỉ tiêu vừa định tính, vừa định lượng, do đó cần chú ý vào phân khúc, đối tượng. Công nhân lao động thường làm ca, kíp, do vậy thời gian tiếp nhận thông tin đang bị hạn chế, nhất là các khung giờ vàng.
 
 
Vị chuyên gia lĩnh vực báo chí đề xuất tổ chức Công đoàn cần đầu tư xây dựng ứng dụng (App) để thông tin tuyên truyền đến người lao động, giúp người lao động có điều kiện tiếp cận thông tin ở các thời gian, địa điểm khác nhau.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, những thông tin người lao động có nhu cầu tiếp nhận là chủ trương, chính sách thiết thực với họ, thông tin chỉ dẫn, giáo dục; ngoài ra tăng cường sự tương tác để người lao động được thể hiện quyền làm chủ, điều này sẽ cho họ sự tự tin, niềm hứng khởi để tham gia.
 
Ông Nguyễn Đình Thành - đồng sáng lập Elite PR School cho biết hiện nay mạng xã hội, đặc biệt là TikTok được rất đông người lao động sử dụng.
 
 
Chuyên gia này chỉ ra một số vấn đề mà truyền thông công đoàn đang vướng mắc, đồng thời đưa ra các giải pháp thay đổi về tư duy truyền thông, cách nói, cách làm đối với các cán bộ công đoàn. Ông cho rằng, cán bộ công đoàn nên lồng ghép các vấn đề mà người lao động quan tâm, hơn là những nội dung cứng nhắc.
 
Tập trung truyền thông trên nền tảng số

Theo ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh mạng xã hội và thông tin bùng nổ hiện nay, truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn trong việc truyền tải thông tin, tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hơn 11 triệu đoàn viên.

Ông Long nêu một số thách thức hiện nay, chẳng hạn truyền thông truyền thống bị sụt giảm sự quan tâm, quy mô thu hẹp hơn; hay môi trường thông tin internet phát triển nhanh...
 

Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, tổ chức Công đoàn cần xác định truyền thông trên internet là mặt trận chính, bởi nếu không vượt qua được thách thức này, Công đoàn sẽ khó thu hút, tập hợp được đoàn viên, người lao động.

Ông Long nhấn mạnh: "Công đoàn không được được để trống trên mặt trận truyền thông internet".

Cũng theo ông Phạm Đức Long, trong công tác truyền thông, tổ chức Công đoàn cần đảm bảo các yếu tố nhanh, sâu, ngắn, phẳng; đồng thời cần tập trung truyền thông trên nền tảng số và đào tạo, tập huấn kỹ năng cho cán bộ công đoàn để triển khai hiệu quả công tác truyền thông.
 

Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức sáng 14/12/2023.

Tọa đàm do đồng chí Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long chủ trì.

Tọa đàm thu hút nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực tuyên truyền cũng như đại điện 12 LĐLĐ tỉnh, thành phố trong cả nước về các giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn trong giai đoạn 2023 - 2028.

 

Chỉ tiêu đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2028:

- 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan công đoàn tuân thủ cơ chế phát ngôn về hoạt động công đoàn. Người phát ngôn của Tổng LĐLĐ Việt Nam cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- 100% cán bộ công đoàn làm công tác chỉ đạo và trực tiếp tham mưu công tác truyền thông ở các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn; 70% cán bộ lãnh đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 50% cán bộ lãnh đạo công đoàn cơ sở, ưu tiên trước hết cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước được bồi dưỡng nâng cao năng lực truyền thông.

- Đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông về tổ chức và hoạt động công đoàn trên hệ thống trang thông tin điện tử; các báo, tạp chí và các hình thức truyền thông khác; nâng tỉ trọng các sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm 50% tổng số sản phẩm truyền thông của các cấp công đoàn.

- Phấn đấu 100% sản phẩm truyền thông được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; phát hiện, xử lý 80% tin sai lệch, tin xấu độc về tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.

- Phấn đấu đến năm 2028, ở cơ quan công đoàn cấp tỉnh và tương đương có ít nhất một biên chế làm công tác truyền thông có chuyên môn báo chí, truyền thông.


Nguồn: laodongcongdoan.vn
 

Chia sẻ bài viết: