Đời sống - Xã hội

Những thợ lò “nghìn đô” của Than Hà Lầm

Ngày đăng: 19/12/2024

Nhắc đến thợ lò thu nhập “nghìn đô” của Công ty CP than Hà Lầm, không thể không kể đến những cái tên Bùi Văn Nhất, Đoàn Văn Soạn, Phạm Hữu Thiện, Đinh Trọng Dự, Bùi Văn Toản, Phạm Văn Hải… Họ không chỉ là những thợ lò tiêu biểu nhất trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, mà còn là những người “thầy” của các anh em công nhân thợ lò mới trong Công ty.
“Nghề thợ lò mang lại cho tôi cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, đó là chia sẻ của anh Bùi Văn Nhất, Tổ trưởng sản xuất, Công trường Cơ giới hóa khai thác 2, Công ty CP Than Hà Lầm. Minh chứng cho lời chia sẻ đó là những thành quả trong lao động sản xuất và cuộc sống của anh.

Chân dung thợ lò Bùi Văn Nhất

Trong thời gian công tác, anh Nhất luôn thực hiện tốt ngày giờ công làm việc, trung bình hằng tháng anh đều đạt trên 24 công, năng suất lao động luôn đạt mức cao của công ty và tập đoàn. Từ năm 2019 đến nay, anh nằm trong top thợ lò có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Năm 2023, anh Nhất thu nhập 645 triệu đồng. Bình quân hơn 50 triệu đồng/tháng.

Là tổ trưởng sản xuất, anh Nhất luôn bố trí công việc phù hợp theo từng tay nghề, bậc thợ, quản lý tốt thiết bị công nghệ, đặc biệt luôn động viên anh em chịu khó, nâng cao tay nghề. “Tôi thường nói với anh em trong tổ, cùng một công đi làm ướt áo thì phải thu được gì, đó chính là hiệu quả làm việc và ngày công cao. Đây cũng là tiêu chí sống còn để có được đồng lương cao” - Anh Nhất chia sẻ. Hiện tổ của anh sản xuất được khoảng 2.000 tấn/ca; thu nhập bình quân 30-40 triệu đồng/người/tháng, thuộc tốp đầu so với các đơn vị ngành than.

Hay thợ lò Đinh Trọng Dự của Công trường Khai thác 6. Từ năm 2021 đến nay anh đều năm trong top thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Bình quân thu nhập đều từ 40-45 triệu đồng/tháng. Anh tâm sự, ngoài việc có thu nhập cao và ổn định hơn so với các ngành nghề khác thì việc làm thợ lò với anh cũng là để rèn luyện ý chí và sức khỏe của bản thân, bởi nghề này nếu không có sức khỏe, không có ý chí quyết tâm thì không thể làm việc lâu dài. Không chỉ gương mẫu trong công việc, anh còn là người trực tiếp kèm cặp, truyền nghề cho các thế hệ công nhân, học sinh mới vào nghề, anh đã truyền lửa nhiệt huyết cho rất nhiều thế hệ công nhân, và giờ đây họ đã trở thành những đồng chí, đồng nghiệp của anh, đang lao động làm việc trực tiếp tại các đơn vị khác trong Công ty.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến cái tên Phạm Hữu Thiện trong số những thợ lò xuất sắc, thu nhập cao của Than Hà Lầm.

“Phạm Hữu Thiện là một thợ lò giỏi, có kỹ thuật tay nghề cao, làm việc nhiệt tình và có trách nhiệm, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Hàng năm Thiện có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng giúp đơn vị tăng năng suất lao động. Là tổ trưởng, Phạm Hữu Thiện được anh em thợ lò quý mến và là một điển hình đáng tự hào của đơn vị Kiến thiết cơ bản 2 chúng tôi”. Đó là những lời khen của Quản đốc đơn vị dành cho người thợ lò tiêu biểu này.

Thợ lò Phạm Hữu Thiện chuẩn bị vào ca sản xuất

Từ năm 2019 đến nay, Phạm Hữu Thiện luôn nằm trong top đầu những thợ lò có thu nhập cao nhất Công ty. Năm 2022 và 2023 anh có thu nhập lần lượt 575 triệu đồng và 633 triệu đồng. Bình quân 50 triệu đồng/tháng. Với sự nỗ lực không ngừng trong lao động sản xuất, quyết gắn bó với nghề, anh đã tích góp mua được đất, xây được nhà riêng, đón vợ và hai con nhỏ ở quê ra cùng an cư lạc nghiệp.

Còn rất nhiều cái tên thợ lò có trong danh sách thu nhập “nghìn đô” của than Hà Lầm không thể kể hết như: Bùi Văn Toản (Cơ giới hóa Khai thác 1); Đoàn Văn Soạn, Nguyễn Hữu Nga (Cơ giới hóa Khai thác 2); Phạm Văn Hải (Khai thác 8)… và đặc biệt đã có cả những cái tên thợ lò người dân tộc thiểu số như Lý Văn Kinh (Kiến thiết cơ bản 1), Phùng Văn Cưởng (Khai thác 8), Hò A Phong ( Khai thác 6)… đều có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm (2023).

Thợ lò người dân tộc thiểu số có thu nhập cao Hò A Phong đang giao ca

Trong những năm vừa qua Công ty CP than Hà Lầm đã đầu tư nhiều công nghệ hiện đại tiên tiến cải tạo điều kiện làm việc cho người lao động. Bên cạnh đó công ty luôn quan tâm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đời sống và có nhiều chế độ ưu đãi cho công nhân viên chức lao động trong toàn công ty, trong đó ưu tiên đặc biệt cho thợ lò. Có thể nói rằng, nghề thợ lò đã giúp công nhân lao động có cuộc sống tốt hơn, công ty đã trở thành điểm tựa, là nơi gửi gắm niềm tin và là ngôi nhà thứ hai của mỗi người thợ mỏ./. 
Thu Hằng
 

Chia sẻ bài viết: