Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc tổ chức đào tạo về Chuyển đổi số và Ứng dụng AI trong doanh nghiệp
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý, sản xuất kinh doanh, Tổng công ty CN mỏ Việt Bắc đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghệ IRTECH tổ chức các lớp đào tạo về Chuyển đổi số và Ứng dụng AI trong doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo gồm 5 lớp học triển khai trong tháng 7/2025, bao gồm: 02 lớp dành cho cán bộ Tổng công ty, tổ chức trực tiếp tại Cơ quan Tổng công ty; 02 lớp dành cho các đơn vị khối Than, tổ chức trực tiếp tại Công ty Than Na Dương và Công ty Than Khánh Hòa; 01 lớp dành cho khối Xi măng, tổ chức trực tiếp tại Công ty Cổ phần Xi măng La Hiên.

Lớp học tại cơ quan Tổng công ty
Các lớp học được xây dựng theo hướng thực chiến, lấy nhu cầu và đặc thù vận hành của từng khối ngành làm trung tâm, với các nội dung: Tổng quan về chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước; Vai trò của dữ liệu trong vận hành và ra quyết định; Ứng dụng AI trong giám sát vận hành, bảo trì, cảnh báo sớm; Mô hình quản trị thông minh bằng nền tảng số; Lộ trình xây dựng hệ sinh thái số trong ngành Than, Xi măng. Đặc biệt, học viên được hướng dẫn thực hành các công cụ AI vào phân tích dữ liệu sản xuất, quản lý thiết bị, tối ưu hóa tài nguyên và nhân lực.
Tại Công ty Than Na Dương, lớp đào tạo đã thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ quản lý, trưởng phòng ban, kỹ sư công nghệ và phụ trách CNTT. Học viên bày tỏ sự hứng thú với các mô hình ứng dụng AI vào giám sát thiết bị vận hành trong mỏ lộ thiên và cảnh báo tiêu hao nhiên liệu.

Lớp học tại Công ty than Khánh Hòa
Trong khi đó, tại Công ty Than Khánh Hòa, lớp học diễn ra sôi nổi với sự góp mặt của cả các cán bộ kỹ thuật và cán bộ điều hành sản xuất. Các chuyên gia IRTECH đã chia sẻ mô hình ứng dụng camera AI giám sát an toàn lao động và hệ thống báo cáo sản xuất tự động – giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp tiên tiến áp dụng.

Lớp học tại Công ty CP xi măng La Hiên
Bên cạnh hai lớp khối Than, lớp học tại Tổng công ty và khối Xi măng cũng nhận được phản hồi tích cực, tạo tiền đề để từng đơn vị tự tin xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo đặc thù riêng.
Thông qua các chương trình đào tạo này, Tổng công ty thể hiện rõ định hướng: không chỉ đầu tư công nghệ, mà còn đầu tư vào con người – yếu tố then chốt của mọi quá trình chuyển đổi. Trong thời gian tới, hoạt động đào tạo sẽ tiếp tục được mở rộng, giúp đội ngũ cán bộ sẵn sàng đón đầu làn sóng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị - vận hành - sáng tạo trong kỷ nguyên số.
Tạ Thị Hồng Diệp