“Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” là cụm từ thường được dùng để nói về nghề thợ lò. Một nghề vô cùng vất vả, hiểm nguy, có cả máu và nước mắt. Nếu không có sức khỏe, thiếu sự kiên trì, bền bỉ, dũng cảm và đặc biệt là tình yêu nghề, yêu mỏ thì khó có thể trụ được. Hiện có hàng vạn thợ mỏ hăng say chinh phục các đường lò, bất chấp sự hiểm nguy để dòng “vàng đen” của Tổ quốc ngày đêm tuôn chảy.
Trong quãng thời gian làm báo của mình, tôi đã từng chui lò nhiều lần, mỗi lần là một trải nghiệm, ấn tượng khác nhau.
Hơn 10 tháng trước, tôi được cùng thợ mỏ than Hà Lầm trải nghiệm mức -300m. Đi mỏ bây giờ không vất vả như xưa, chúng tôi được đi thang máy, ngồi xe song loan, sau đó là đi bộ thêm gần 2km là vào tới gương than.
Trong không gian yên ả, chỉ có tiếng bước chân và âm thanh của những giọt nước “tong tong” thấm từ trên nóc lò rỏ xuống, thợ lò Phạm Văn An (SN 1972), Tổ trưởng Tổ đào lò, Công trường Kiến thiết cơ bản 2, Công ty Than Hà Lầm - Vinacomin, đã kể tôi nghe về hành trình đến với mỏ của anh. “Ngầm trong lòng đất/ Ở mãi hầm sâu/ Ơi chú thợ mỏ/ Chú đi về đâu/ Chú có mỏi mắt/ Chú có mỏi người/ Mà sao cháu thấy/ Chú vẫn vui cười…”. “Không biết tác giả bài thơ là ai, chỉ nhớ cách đây 42 năm, cô giáo lớp vỡ lòng đã đọc cho tôi nghe bài thơ ấy. Hình ảnh chú thợ lò với nụ cười lấp lánh bên những gương than theo tôi từ đó” - anh An nhớ lại.
Ước mơ trở thành thợ lò của anh thành hiện thực vào năm 1996. Song ước mơ và những trang thơ thì lãng mạn, còn thực tế nghề thợ mỏ khi đó thì khắc nghiệt mà thu nhập lại thấp. Lương không đủ trang trải cuộc sống, anh phải làm thêm nhiều nghề để mưu sinh, bám trụ lại phố mỏ. Đồng nghiệp anh khi ấy không ít người đã bỏ nghề.
Hơn 24 năm làm thợ mỏ, khó khăn, gian khổ đã từng. Tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm" đã ngấm vào máu anh. Chỉ trong hiểm nguy mới thấu hiểu, kỷ luật và đồng tâm của người thợ mỏ cần là gì? Anh nhớ lại: “Năm 2014, sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) vùi lấp 12 công nhân. Khi đó, cả nước từng giờ mong ngóng thông tin giải cứu họ. Ngay khi tai nạn vừa xảy ra, tôi cùng một số đồng nghiệp của Than Hà Lầm được lãnh đạo triệu tập và đề xuất tham gia đội cứu hộ. Ngay tức khắc, chẳng ai bảo ai, chúng tôi hô vang “đồng ý”. Dẫu biết rằng mình sẽ vào chỗ hiểm nguy và phía sau ai cũng có một gia đình”. Riêng anh An, phía sau là cậu con trai nhỏ duy nhất. Vợ anh mất do căn bệnh ung thư đã lâu. Bởi thế, hơn ai hết, anh càng thấu hiểu nỗi đau mất người thân. “Nếu 12 công nhân đang gặp nạn trong hầm Đạ Dâng không trở về thì người thân của họ sẽ ra sao? Tôi chỉ nghĩ như vậy và sẵn sàng lên đường”, giọng anh cương quyết như lúc vừa nhận được phân công.
Sau 80 giờ chung sức anh đã cùng các đồng nghiệp vật lộn sinh tử, 12 công nhân mắc kẹt trong hầm Đạ Dâng đã được cứu sống. Chính với tinh thần dám hy sinh vì đồng đội như các anh mà 12 công nhân ở hầm Đạ Dâng năm ấy đã được cứu sống. Anh bảo: "Bác Hồ đã từng nói “làm than như quân đội đánh giặc” để thấy thợ mỏ chính là những chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than cho đất nước. Hiện cả ngành Than đã và đang tập trung xây dựng hình ảnh "Người thợ mỏ - người chiến sĩ". Vì thế, đã là chiến sĩ chúng tôi đâu dễ đầu hàng trước gian nan".
Tinh thần dám xả thân vì đồng đội không phải chỉ ở người có kinh nghiệm lâu năm như anh An, không ít người trẻ dám xông pha, dấn thân vì đồng đội, vì nghề. Cách đây 5 năm, đợt mưa lụt lịch sử năm 2015 đã khiến nhiều người thiệt mạng. Ngành Than bị tê liệt sản xuất. “Chẳng bao giờ em quên được những ngày đó”, Nguyễn Văn Trưởng (SN 1989), công nhân cơ điện Phân xưởng Sản xuất số 5, Công ty Than Hòn Gai - TKV đã nói vậy khi cùng đồng nghiệp trong tổ không quản nguy hiểm đến tính mạng cứu sống 10 đồng nghiệp bị mắc kẹt trong vụ bục nước tại lò DV-95V6TC, Phân xưởng Sản xuất số 5. “Đêm đó, nghe thấy tiếng nước đổ ầm ầm, linh tính việc chẳng lành, em vội vàng tắt máy, đóng cầu dao điện và khởi động từ xong thì thấy nước, bùn, than, gỗ, đá chảy ào ào từ phía lò thượng mức -165/-85 Vỉa 6 Thành Công qua vị trí mình làm việc. Phán đoán là sự cố bục nước xảy ra, em chạy ra theo đường thoát hiểm được một đoạn chợt dừng lại, một ý nghĩ loé lên trong đầu, có nhiều đồng nghiệp của mình làm việc ở phía trong và ở lò thượng có khả năng nguy hiểm đến tính mạng. Em vội vàng buộc lại đèn, dây mũ, bình tự cứu cho chắc chắn, rồi chạy ngược vào phía trong chân thượng nơi xảy ra sự cố...” - Trưởng kể lại.
Đến chân lò thượng, nước và bùn đã dâng gần 1m, Trưởng phát hiện có 4 người bị từ trên xuống ngã sấp xuống nền lò, quần áo, mũ, ủng và đèn lò đều văng mất. Không kịp suy nghĩ, Trưởng lao ra giữa dòng nước bùn chảy xiết theo phản xạ và kinh nghiệm của người thợ làm việc trong lò, túm tóc và lật ngửa từng người lên cho khỏi bị sặc bùn và ngạt nước. Sau đó Trưởng dìu 2 người bị nặng không đứng dậy được ra vị trí an toàn, tiếp tục quay lại nâng 2 người còn lại, động viên đồng nghiệp cố gắng khắc phục, rồi chạy một mạch trong dòng nước xiết ra báo cho phó quản đốc trực ca, cùng đồng nghiệp gần đó cùng vào ứng cứu…
Sau nhiều giờ vật lộn giữa dòng nước xiết, một tay bám vào cột sắt chống lò, một tay đẩy gỗ, đá đang lấp đầy chân lò thượng “Chúng em đã đưa được 10 đồng nghiệp ra ngoài an toàn trong vòng tay và niềm vui sướng của mọi người, nhưng điều em cùng mọi người xót xa nhất là dù đã hết sức nỗ lực, vẫn đành bất lực nhìn "tử thần" cướp đi 2 đồng nghiệp kém may mắn” - Trưởng nghẹn lời. Tôi đã hỏi, lúc đó em có nghĩ đến sự an nguy của mình, và nếu được chọn lại?… Trưởng nói dứt khoát: "Em vẫn chọn cách cứu đồng đội của mình như trước".
Những tấm gương dám hy sinh vì đồng đội, bám trụ với mỏ để cùng ngành Than vượt khó không ít. “Khi chúng tôi vào lò có hiểm nguy, gian khó, có cả máu và nước mắt, song chúng tôi vẫn vững tin bước chân bởi tin rằng nơi đó sẽ có ánh bình minh rực sáng” - anh An vừa nói vừa nhẩm theo lời một bài hát mà thợ mỏ đã thuộc nằm lòng.
Anh An kể: Chính vì tinh thần không bỏ đồng nghiệp khi hoạn nạn, nên có thời điểm Công trường của anh gặp diện khai thác phức tạp, dù có cơ hội để chuyển sang công trường mới, thu nhập cao hơn, nhưng anh vẫn quyết ở lại, cùng đồng đội khắc phục khó khăn. Anh cùng đồng nghiệp đã có nhiều sáng kiến áp dụng vào sản xuất được Công ty ghi nhận. Cũng từ đây, cuộc sống của anh ngày một đủ đầy hơn, thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Năm 2018 anh lọt tốp 5 người có thu nhập cao nhất Công ty và nhóm cao nhất Tập đoàn. Đặc biệt anh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương, được cử đi học ở Nhật Bản… Từ chỗ phải ở trọ, giờ anh đã có nhà cửa khang trang, thực hiện được niềm đam mê chơi xe Benelli - thú chơi sang chảnh của số ít thợ mỏ.
Còn với Trưởng, người thanh niên trẻ dám hy sinh vì đồng đội ấy cũng không ít thành tích. Bên cạnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm, Trưởng còn được biết đến là một “cây sáng kiến”, cùng đồng nghiệp làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như sáng kiến thay đổi phương án thông gió đẩy bằng thông gió hút, đảm bảo an toàn hơn về khí và bụi nổ, giảm tổn thất gió, tiết giảm chi phí 911 triệu đồng/năm; sáng kiến chuyển đổi hướng cắt dòng than trên mặt băng tải MB +12, tạo thuận lợi cho việc tách lọc đất, đá tại lò chân bãi than, làm lợi 121,5 triệu đồng; sáng kiến kéo dài băng tải cụm sàng số 3, mang lại lợi ích kinh tế hàng tỷ đồng. Nhiều năm liền, Trưởng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được UBND tỉnh tặng Bằng khen công nhân tiên tiến tiêu biểu xuất sắc.
Các anh đều là những tấm gương "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ" dũng cảm của các đơn vị trong những năm qua. Trong 1 năm qua, khi ngành Than triển khai chương trình xây dựng hình ảnh "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ", đã xuất hiện nhiều hạt nhân tiêu tiểu trong phong trào thi đua, thấy rõ hơn những đóng góp tích cực của thợ mỏ.
Anh Hoàng Công Dương, Tổ trưởng tổ Đào lò số 1, Công trường Đào lò 2, Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin, được mệnh danh là thợ đào lò “khỏe” nhất Than Núi Béo là người như vậy. Anh dong dỏng cao, chỉ nặng có 59 kg, song sức làm việc của anh thì khó ai bì kịp. Minh chứng là thu nhập “khủng” 480 triệu đồng/năm của anh trong năm vừa qua. Bình quân mỗi tháng anh thu nhập 40 triệu đồng, tháng cao nhất đến 70 triệu đồng/. 10 năm công tác trong ngành Than, 5 năm anh lọt tốp thu nhập cao của Tập đoàn, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và cấp Tập đoàn; 2 năm liên tiếp (2018-2019) được UBND tỉnh tặng Bằng khen công nhân tiên tiến tiêu biểu.
Trong 10 năm công tác, Dương có 7 năm làm ở Công ty CP Than Hà Lầm, khi Núi Béo chuyển khai thác hầm lò, anh là một trong số 49 người chuyển sang Núi Béo làm trụ cột khai thác hầm lò. Để xứng với vai trò trụ cột ấy, anh không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ đào chống lò bằng vì neo chất dẻo cốt thép, đây là công nghệ mới được Công ty áp dụng trong 2 năm trở lại đây. Anh ngày đêm trăn trở, suy nghĩ để tìm tòi ra những giải pháp khắc phục khó khăn trong công việc. Nhiều sáng kiến của anh từ đó đã ra đời, như: “Dùng súng hơi gia công thêm đầu súng để dùng bắt gông mối nối đầu cột CP 22 + bu lông móc (ốc rằng)”, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân; “Dùng tôn dập giãn để làm be phân luồng thượng chứa than đá” thay cho việc làm be phân luồng bằng gỗ giúp tránh được những rủi ro gây tai nạn lao động; “Dùng lưới sàng tận thu chắn than trôi tạo hố lắng giả tại đầu cửa cúp”, giúp chắn than trôi, tiết kiệm chi phí sản xuất, tận dụng tài nguyên…
Nói những khó khăn, nguy hiểm của nghề thợ lò, anh Dương bình thản: "Mọi khó khăn sẽ vượt qua được hết nếu mình thực sự hăng say lao động. Với tôi, không có việc gì là khó, là khổ, là vất vả cả. Hiện Núi Béo đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để đưa vào khai thác, nên người thợ đã được nhàn hơn và an toàn hơn nhiều rồi”.
Đây chỉ là số ít những tấm gương "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ" mà tôi đã được gặp trong công việc làm báo của mình. Dù khó khăn, hiểm nguy, song họ luôn sống tích cực, hy sinh, cống hiến vì đồng đội, vì sự nghiệp làm than. Tôi còn nhớ một thợ lò đã từng nói: Ở sâu trong lòng đất âm u, bên những gương than lấp lánh, những câu chuyện, nụ cười lạc quan chính là ánh sáng soi đường giúp thợ mỏ có thêm niềm tin vào cuộc sống, tình yêu, công việc.
Tinh thần lạc quan, nụ cười lấp lánh bên những gương than của người thợ mỏ có được chính nhờ sự quan tâm, động viên, chăm lo kịp thời của các lãnh đạo ngành Than, các doanh nghiệp. Bởi họ luôn coi thợ lò là những “báu vật” của mỏ.
Đến nay các mỏ đều được đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ trong khai thác, vận chuyển, chế biến, cảnh báo an toàn lao động, cấp cứu mỏ. Điển hình, như hệ thống giàn chống thủy lực, vì neo, máy đào com-bai, băng chuyền vận chuyển, lò giếng đứng sâu trên 300m… mở ra lộ trình phát triển ngành Than bền vững. Nhờ đó, năng suất ngày càng cao, giảm sức lao động cho thợ mỏ. Người thợ lò được cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đời sống.
Nếu như trước đây thợ mỏ phải lo từng bữa ăn, thì nay nghĩ đến ăn gì cho ngon, mặc gì cho đẹp... Ra khỏi hầm lò, thợ mỏ được sử dụng hệ thống rửa mũi, tắm nóng lạnh tại chỗ, có người giặt quần áo tươm tất. Những bữa cơm tự chọn với hàng chục món, có quả tráng miệng, chè giải nhiệt. Vào ca, tan ca có xe ô tô đưa đón. Thợ mỏ được ở nhà cao tầng như khách sạn, được thụ hưởng cuộc sống với các môn thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe ngay trong khuôn viên khu tập thể.
Đặc biệt, những thu nhập nghìn đô của thợ lò đã cho thấy sự chăm lo của lãnh đạo các đơn vị, ngành Than đối với “báu vật” của mỏ. Thống kê của TKV, thợ lò thu nhập ngày càng cao, riêng công nhân hầm lò thu nhập bình quân 1 triệu đồng/ngày. Số thợ mỏ có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ngày một đông; nhiều thợ mỏ có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Nhiều đơn vị có các chế độ chính sách đãi ngộ tốt, tư tưởng người lao động ổn định, yên tâm làm việc và gắn bó với đơn vị.
Không ít thợ lò đã gặt hái được những thành công trong nghề mỏ, được các cấp khen thưởng, xây dựng được nhà ở khang trang mà nhiều người mơ ước. Có những thợ lò đã vươn lên giữ những vị trí cao trong công ty, trong Tập đoàn. Hành trình chinh phục những đường lò vô cùng gian khó, những gì họ cống hiến đều nhận được thành quả xứng đáng. Với các trang thiết bị hiện đại tiếp tục được đầu tư, những nụ cười lấp lánh bên những gương than sẽ luôn tỏa sáng.
Nguồn: baoquangninh.com.vn