Tin Tổng liên đoàn

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn Việt Nam

Ngày đăng: 13/8/2020

Từ những nhận thức chung về công tác tuyên truyền, vận động công đoàn, nhất là quan điểm mới của Hiến pháp năm 2013, công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn Việt Nam thời gian qua đã đúc kết được những giá trị góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tiễn công nhân về quê đón Tết năm 2020

Công tác tuyên truyền vận động là một trong những lĩnh vực hoạt động của tổ chức Công đoàn, có vai trò quan trọng trong việc phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên công đoàn, người lao động và tạo sự thống nhất hành động trong toàn hệ thống công đoàn. Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền để thực hiện nhiệm vụ tập hợp, tổ chức quần chúng lao động hoạt động, gắn kết tự nguyện theo các nhu cầu chính đáng...

Từ những nhận thức chung về công tác tuyên truyền, vận động công đoàn, nhất là quan điểm mới của Hiến pháp năm 2013, công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn Việt Nam thời gian qua đã đúc kết được những giá trị góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.

Công tác tuyên truyền, vận động đã hình thành một số hoạt động trọng tâm, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; được tổ chức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo người lao động tham gia. “Tháng Công nhân” tổ chức hàng năm theo Thông báo kết luận của Ban Bí thư (Thông báo số 77-TB/TW ngày 24/2/2012) đã có bước phát triển quan trọng, nhiều hoạt động mới được triển khai trong hệ thống công đoàn, có hiệu ứng tích cực, trở thành hoạt động tiêu biểu của tổ chức Công đoàn, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Trong giai đoạn 2013 - 2018, các cấp công đoàn đã thực hiện 647.203 cuộc tuyên truyền miệng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thu hút 27.685.716 lượt công nhân, viên chức, lao động tham gia. Chỉ thị 03-CT/TW và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng ở các cấp công đoàn. Trong 5 năm (2013-2018), có gần 90 nghìn công nhân, viên chức, lao động được biểu dương, khen thưởng. Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” không chỉ thể hiện trách nhiệm chính trị mà còn là biểu tượng sinh động thể hiện sự gắn kết của tổ chức công đoàn và đoàn viên, người lao động, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Công tác thông tin tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh. Các cơ quan truyền thông công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; chủ động, nhanh nhạy trong đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phản ánh chân thực, sinh động những gương điển hình tiên tiến, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu chực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, định hướng hoạt động báo chí, xuất bản của tổ chức Công đoàn được tăng cường; đã thành lập Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam. Hoạt động tuyên truyền về tổ chức công đoàn, bước đầu tạo dựng rõ nét hơn hình ảnh tổ chức công đoàn và ý thức trách nhiệm của cán bộ công đoàn.

Tọa đàm "Cán bộ công đoàn học tập và làm theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những hoạt động tiêu biểu nêu trên có tính lan tỏa rộng, mang đậm dấu ấn công đoàn. Tuy nhiên, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 nhận định một số hạn chế, bất cập của công tác tuyên truyền: “chưa đến được với số đông người lao động trực tiếp sản xuất; nội dung tuyên truyền còn dàn trải; hình thức tuyên truyền thiếu sức hấp dẫn. Công tác định hướng thông tin, tuyên truyền trên Internet và mạng xã hội chưa được coi trọng đúng mức... ”Việc quản lý các cơ quan báo chí thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược và bài bản. “Nhiều đơn vị báo chí, xuất bản của công đoàn hiệu quả hoạt động chưa cao”.

Nhiệm kỳ 2018-2023 là giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của Công đoàn Việt Nam. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện, pháp luật đặt ra những yêu cầu mới đối với tổ chức công đoàn. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư tất yếu có những tác động đến mô hình tập hợp người lao động cũng như hoạt động của tổ chức công đoàn. Việt Nam triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song hành với những cơ hội còn có thách thức đối với tổ chức công đoàn từ quyền lựa chọn tổ chức để thực hiện quyền đại diện của người lao động. Bên cạnh đó, như phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã nêu: “Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân...; một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Từ nhận thức mới, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xây dựng công tác tuyên truyền vận động của tổ chức công đoàn trong giai đoạn 2018-2023 theo hướng cụ thể hóa, có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng người lao động Việt Nam yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, lao động sáng tạo, tôn trọng pháp luật; phát triển các phương thức tuyên truyền có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng và đưa các hoạt động văn hóa tinh thần đến đông đảo người lao động.

Thứ nhất, để thực hiện có hiệu quả, công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn cần có sự chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp đồng bộ với công tác tư tưởng của Đảng. Trong đó chú trọng một số nội dung, trước mắt là củng cố, sắp xếp, có cơ chế phát triển các cơ quan truyền thông công đoàn đủ mạnh, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn, làm tốt vai trò dẫn dắt thông tin công đoàn, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc.

Thứ hai tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân, lao động theo tinh thần của thông báo Kết luận số 79-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Thứ ba, sử dụng hiệu quả các ứng dụng tích cực của Internet, mạng xã hội để truyền tải thông tin và tăng cường tương tác, chia sẻ với công nhân, qua đó tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ tư, phối hợp triển khai công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội của người lao động, nhất là công nhân, lao động trực tiếp sản xuất để chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn, nhất là các vấn đề bức xúc, cấp bách./.

Bài viết của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, số chuyên san Thắp lửa niềm tin
Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết: