Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, công tác an toàn vệ sinh lao động sẽ càng phải được chú trọng nên Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở cần có cách tiếp cận phù hợp để thực hiện hiệu quả.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát hiểu tại Hội nghị
Chiều 10.12, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN tổ chức tổng kết Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Trong giai đoạn 2016 -2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hướng dẫn và hỗ trợ triển khai xây dựng đưa vào hoạt động 27 góc tuyên truyền bảo hộ lao động (còn gọi là góc bảo hộ lao động hoặc góc tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động) tại doanh nghiệp.
Cũng giai đoạn này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức 9 lớp tập huấn giảng viên nguồn (Bước 1) cho 540 người là cán bộ chuyên trách Công đoàn, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh viên tại 63 Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, 20 Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, một số Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động.
Trung bình hàng năm, Chương trình đã hỗ trợ huấn luyện kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho hơn 400 cán bộ Công đoàn các cấp và đội ngũ an toàn vệ sinh viên. Trong đó, 100% cán bộ phụ trách làm công tác an toàn vệ sinh lao động của các Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; 50% cán bộ Công đoàn chủ chốt của các Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao và đội ngũ an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp.
Năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát hành 13.300 cuốn “Sổ tay nghiệp vụ cán bộ công đoàn với công tác an toàn, vệ sinh lao động” để phát miễn phí cho cán bộ Công đoàn các cấp, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động và đội ngũ an toàn vệ sinh viên...
Từ kết quả triển khai Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020 trong hệ thống Công đoàn có thể khẳng định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bám sát các nội dung của Chương trình và triển khai thực hiện nhiều hoạt động góp phần đảm bảo mục tiêu chung của Dự án 3 về "Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động của Chương trình mục tiêu quốc gia, đó là: "Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia".
Đặc biệt là đóng góp kết quả lớn cho các mục tiêu trọng tâm của Chương trình, như mục tiêu về giảm tần suất tai nạn lao động chết người; về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; về tuyên truyền pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; về việc khai báo các vụ tai nạn lao động chết người và mục tiêu về phát huy vai trò quần chúng trong công tác an toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, do tính chất quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể thực hiện công tác này đã tham gia và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động; ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; huấn luyện và tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, công tác an toàn vệ sinh lao động sẽ càng phải được chú trọng nên Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở cần có cách tiếp cận phù hợp để thực hiện hiệu quả.
Nguồn: congdoan.vn