Tin Tổng liên đoàn

Phong trào thi đua yêu nước phải là tự giác, gắn với việc làm của mỗi người

Ngày đăng: 28/9/2020

Trong khuôn khổ Chương trình Đại hội Thi đua yêu nước công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) toàn quốc lần thứ X, giai đoạn 2021-2025; chiều 27.9, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Toạ đàm "CNVCLĐ thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, phát triển bền vững đất nước".

Tham dự buổi toạ đàm có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu.

Phát biểu đề dẫn tại Toạ đàm, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, việc đổi mới phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu đề dẫn. Ảnh: Hải Nguyễn

Công đoàn - tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của CNVCLĐ - có trách nhiệm tổ chức các phong trào thi đua, động viên đông đảo CNVCLĐ tham gia tích cực vào các phong trào, đặc biệt là phong trào sáng kiến, sáng tạo, thi đua phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong lao động, sản xuất, trong học tập, công tác để thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Buổi toạ đàm đã tập trung thảo luận và làm rõ các nội dung liên quan để công tác thi đua, khen thưởng trong CNVCLĐ ngày càng thiết thực, hiệu quả, thúc đẩy được sự phát triển của khoa học công nghệ, nâng cao sức sáng tạo và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Đoàn chủ toạ điều hành Tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Trong khuôn khổ Toạ đàm, nhiều đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm ở địa phương, ngành; các loại hình, những mô hình hay, cách làm hiệu quả… để cùng tìm ra các giải pháp phát triển phong trào thi đua trong thời gian tới cũng như quan tâm phát hiện các điển hình tiên tiến, phát triển các mô hình đã làm tốt ra ngoài xã hội…

Các đại biểu tham dự Toạ đàm. Ảnh: Hải Nguyễn
Các đại biểu tham dự Toạ đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Phát biểu kết thúc Toạ đàm, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đánh giá: Các báo cáo tham luận được trình bày đa dạng trên nhiều lĩnh vực, thành phần, ở nhiều góc độ khác nhau. Đây là những đúc kết hết sức có giá trị từ thực tiễn. Đồng thời, tất cả các bài tham luận đều hướng tới mục tiêu lan toả hiệu quả các phong trào thi đua trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác, làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp, góp phần xây dựng, phát triển bền vững đất nước.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang tin tưởng, sau buổi Toạ đàm, với các kinh nghiệm đã trao đổi, sẽ có nhiều mô hình mới, cách làm hay được tiếp tục học tập và lan toả với quyết tâm phấn đấu cao nhất để thực hiện mục tiêu của từng cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam,
Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong CNVCLĐ giai đoạn 2020-2025, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu tuyên truyền rộng rãi kết quả, thắng lợi của Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ X. Mặt khác, giới thiệu, tuyên truyền các bài học kinh nghiệm được rút ra từ các tấm gương điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực để nhân rộng ra toàn xã hội.

"Trong bối cảnh tác động của COVID-19, cần tiếp tục thúc đẩy phát huy sáng kiến, sáng tạo, đổi mới trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Thi đua phải gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Phong trào thi đua yêu nước phải thường xuyên, liên tục, tự giác, gắn với việc làm của mỗi người"- đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, đổi mới hình thức thi đua khen thưởng phải hướng tới những hoạt động phù hợp với từng cơ quan, doanh nghiệp. Khen thưởng phải phát hiện được những điển hình, đánh giá đúng người, thành tích, khen thưởng phải dân chủ, công khai, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân rộng các điển hình tiên tiến.

"Qua công tác thi đua khen thưởng phải góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ trình độ, phẩm chất, đạo đức đáp ứng yêu cầu của hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới" - đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết.

Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết: