Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 15 (Khóa XII): Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh
Ngày 31.8, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 15 (khoá XII) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Hội nghị đã bàn về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các đề án hướng tới nâng cao trình độ chính trị, năng lực, đời sống tinh thần, kỹ năng cho đội ngũ công nhân lao động.
Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 15 (khóa XII) ngày 31.8.
Giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNLĐ
Trình bày đề án “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNLĐ”, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - cho biết, đối tượng của đề án là CNLĐ đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp (DN). Đề án đặt ra mục tiêu tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho CNLĐ về những nội dung cơ bản của công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho đội ngũ CNLĐ, nhằm xây dựng đội ngũ CNLĐ giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và đủ trình độ, kỹ năng đưa đất nước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Dự thảo đề án đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có từ 45% đến 50%, năm 2030 có từ 55% CNLĐ trong loại hình DN ngoài nhà nước được tuyên truyền giáo dục, lý luận chính trị, tư tưởng đạo đức, tác phong lao động công nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2025, có từ 50% cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) và 30% đảng viên là CNLĐ được học tập từ sơ cấp đến trung cấp lý luận chính trị. Đến năm 2030, có từ 55% cán bộ CĐCS và 35% đoàn viên CĐ, CNLĐ tích cực, nòng cốt được học tập từ sơ cấp đến trung cấp lý luận chính trị...
Chú trọng bồi dưỡng cán bộ CĐCS
Đối với nội dung này, đồng chí Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam - góp ý, các nội dung tuyên truyền, giáo dục cần dễ hiểu, dễ nhớ, giúp CNLĐ “thấm” được, đồng thời cần chú trọng giáo dục về văn hoá, truyền thống của dân tộc tới CNLĐ.
Đồng chí Vũ Minh Đức cũng cho rằng, trong tuyên truyền, giáo dục chính trị cho CNLĐ cần tranh thủ được sức mạnh của mạng xã hội, nhưng phải cân nhắc, phải đánh giá thời điểm nào CNLĐ có thể tiếp cận được mạng xã hội để tuyên truyền có hiệu quả.
Đồng chí Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - bày tỏ sự thống nhất cao với đối tượng của đề án là CNLĐ trong các DN. Tuy vậy, đồng chí đề nghị bổ sung đối tượng là cán bộ CĐCS trong các DN. “Đây là đối tượng cực kỳ quan trọng để thực hiện được đề án này. Vì vậy, cần phải tập trung đào tạo bồi dưỡng về chính trị cho đối tượng này trước tiên” - đồng chí nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam - cho rằng: Đội ngũ đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền cho CNLĐ chính là cán bộ CĐCS. Vì vậy, cần phải chú trọng bồi dưỡng cán bộ CĐCS. Ngoài ra, nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, bám sát với mong muốn của CNLĐ.
Theo đồng chí Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNLĐ đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay cũng như góp phần chấn chỉnh tình trạng phai nhạt lý tưởng trong một bộ phận CNLĐ.
Cùng với đề án “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNLĐ”, hội nghị còn cho ý kiến về Tờ trình Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho CNLĐ tại các DN đến năm 2020” theo QĐ 231/QĐ-TTg ngày 13.2.2015 của Thủ tướng Chính phủ; tờ trình Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa CN ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.
Đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh, ba đề án này hướng tới việc xây dựng đội ngũ giai cấp CN lớn mạnh có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp CN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước” và Kết luận số 79-KL/TW ngày 25.12.2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
Các đại biểu còn cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác: Tờ trình về việc tổng kết 10 năm thực hiện NQ 6b/NQ-BCH ngày 29.1.2011 của Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ CNH-HĐH đất nước và Chỉ thị 03/TLĐ ngày 18.8.2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; tờ trình Kế hoạch tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2016-2020; tờ trình dự thảo Quy định về bố trí cán bộ CĐ chuyên trách tại CĐCS.
Đối với dự thảo Quy định bố trí cán bộ CĐ chuyên trách tại CĐCS, các ý kiến đều cho rằng, quy định này rất cần thiết để triển khai tốt hơn các hoạt động CĐ tại cơ sở. Đồng chí Trần Quang Huy nói rằng, cần có mức lương hợp lý cho cán bộ CĐ chuyên trách tại cơ sở...
Dự thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang đánh giá, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, quan trọng, góp phần hoàn thiện các nội dung dự thảo, tờ trình trình hội nghị. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành.
Trước bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách cần tập trung nắm bắt, bám sát tình hình để kịp thời phản ánh các tác động tiêu cực của dịch đối với sản xuất của DN, đời sống việc làm của đoàn viên CĐ, NLĐ; nắm tình hình việc thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như tổ chức CĐ; tiếp tục tăng cường tuyên truyền để đoàn viên, NLĐ hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong khắc phục tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế…
Nguồn: congdoan.vn