Thi đua lao động sản xuất

Quy chế phối hợp với Chính Phủ mang lại nhiều lợi ích cho người lao động

Ngày đăng: 28/12/2020

5 năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động và hoạt động công đoàn được Chính phủ quan tâm, ghi nhận, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc, phối hợp với Công đoàn và người sử dụng lao động giải quyết.

Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam 

Nhiều vấn đề mà người lao động được ưu tiên giải quyết

Trong 5 năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, nhằm bảo đảm việc làm tốt hơn, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại nền kinh tế để thu hút lao động, tạo việc làm cho người lao động. Đến nay, số công nhân lao động có việc làm tăng 26% so với năm 2016, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm…

Từ đầu nhiệm kỳ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã có 4 Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp với Tổng Liên đoàn và Thủ tướng đã kết luận tại 4 Thông báo, giao 39 nhiệm vụ cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng 9 Bộ, ngành.

Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 12 nhiệm vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2 nhiệm vụ, Bộ Y tế 4 nhiệm vụ; Bộ Tài chính 4 nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 nhiệm vụ; Bộ Khoa học và Công nghệ 1 nhiệm vụ; Bộ Nội vụ 1 nhiệm vụ, Bộ Xây dựng 1 nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước 1 nhiệm vụ và Tổng Liên đoàn 11 nhiệm vụ.

Đến nay, các Bộ, cơ quan đã hoàn thành 32/39 nhiệm vụ; đang thực hiện 7 nhiệm vụ, gồm Tổng Liên đoàn 4 nhiệm vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 1 nhiệm vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 1 nhiệm vụ, Bộ Tài chính 1 nhiệm vụ.

Về một số nội dung được người lao động quan tâm. Cụ thể: Về xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu thì theo quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành và Bộ Luật Lao động năm 2019 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), mức lương tối thiểu được xác định và điều chỉnh dựa vào nhiều yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội , mức lương trên thị trường và khả năng của doanh nghiệp.

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, để hỗ trợ cho hoạt động doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, Hội đồng Tiền lương quốc gia năm 2020 đã báo cáo và được Chính phủ thống nhất tiếp tục duy trì đến hết năm 2021 áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng hiện hành. Chủ trương chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2021 nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lấy lại đà phục hồi, đồng thời giúp người lao động giữ được việc làm hoặc có cơ hội thuận lợi tái tham gia thị trường lao động trong năm 2021. Ngay cả đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng giữ ở nguyên mức lương cơ sở năm 2021 của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhằm tạo đà phục hồi, cân đối ngân sách nhà nước năm 2021.

Về triển khai Đề án đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất thì trong năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chủ trì họp với các Bộ, ngành và Tổng Liên đoàn để tháo gỡ các vướng mắc của Đề án và đã ký ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 phê duyệt Đề án nêu trên với nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế và tổ chức công đoàn cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị, các công trình thương mại và dịch vụ, văn hóa thể thao phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, đoàn viên công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ phấn đấu xây dựng 50 thiết chế công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến nay đã có 40 địa phương bố trí quỹ đất cho các thiết chế công đoàn, mỗi khu đất có diện tích trung bình từ 3-5ha.

Công tác phối hợp đã tạo sức mạnh giúp giải quyết kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề mà tổ chức Công đoàn, Chính phủ và người lao động quan tâm, trong đó vấn đề việc làm, mức sống và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động được tập trung và ưu tiên.

Kiến nghị tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động từ 1/7 hàng năm

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn giai đoạn 2016-2020, tập trung vào một số vấn đề về “Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước trong dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm.

Thủ tướng gặp gỡ công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh năm 2020

Bên cạnh đó, công tác phối hợp, chăm lo cho người lao động đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2016 - 2020, trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp công đoàn đã tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp chăm lo, hỗ trợ cho gần 22 triệu lượt đoàn viên, người lao động, tổng số tiền ước tính 11.626 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công nhân tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất”, tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã xây dựng và ban hành chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”. Trong năm 2020, Công đoàn đã đồng hành cùng Chính phủ trong vận động công nhân, viên chức, lao động, nhất là công nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần vào những kết quả quan trọng trong việc thực hiện “Mục tiêu kép” của Chính phủ.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cũng đã sớm quyết định cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; có văn bản về miễn đóng đoàn phí đối với đoàn viên công đoàn có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở; hỗ trợ người lao động từ nguồn tài chính công đoàn cơ sở và ủng hộ của người sử dụng lao động với tổng số tiền hơn 416 tỷ đồng, chiếm 63,39% tổng số chi của cả hệ thống tổ chức Công đoàn.

Về một số nội dung phối hợp trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất: Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các lần làm việc và gặp gỡ công nhân lao động hằng năm. Phối hợp trong xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2012 và các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo kết quả công tác phối hợp với Chính phủ

Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn khởi xướng, trong đó ưu tiên thực hiện đợt thi đua cao điểm “Vượt thách thức, đón thời cơ - thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả công tác” và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Bên cạnh đó, để triển khai các nội dung phối hợp, đặc biệt là thực hiện chủ đề của Hội nghị, Tổng Liên đoàn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cùng phối hợp, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Việc làm, tiền lương, nhà ở và điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Cụ thể, về việc làm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ Đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Về tiền lương, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia, làm cơ sở để các bên thương lượng, đề xuất tiền lương tối thiểu vùng hằng năm khách quan, công bằng. Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia họp vào quý II/2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ thương lượng, thống nhất và trình khuyến nghị tới Chính phủ xem xét, quyết định tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Đồng thời xem xét, sửa quy định, để từ năm 2022, việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ 1/7 hàng năm.

Về nhà ở và điều kiện làm việc của công nhân lao động, Tổng Liên đoàn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, bộ ngành liên quan phối hợp với Tổng Liên đoàn triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xây dựng nhà ở và các thiết chế cho công nhân lao động...

Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết: