Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu, như mạch nguồn năng lượng nuôi dưỡng tâm hồn, làm đẹp thêm đời sống xã hội của chúng ta. Tuyển tập ca khúc “Đất mỏ anh hùng” gồm 180 ca khúc viết về “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”. Mỗi ca khúc chứa đựng những trang lịch sử bằng âm thanh, ghi lại quá trình xây dựng và phát triển của ngành Than – Khoáng sản, của những người thợ Mỏ.
Mở đầu tuyển tập ca khúc là bài hát “Đất mỏ anh hùng” được nhạc sĩ Xuân Giao viết năm 1964 khi ông đi thực tế ở vùng Mỏ. Nơi đây, ông đã gặp được những người thợ trên những tầng cao hay trong những lò sâu đang vững “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng”… bằng những rung động, tình cảm dạt dào, nhạc sỹ Xuân Giao đã viết lên ca khúc. Âm nhạc thật diệu kỳ… thông qua giai điệu và lời ca tự hào, người nghệ sĩ khắc họa được vẻ đẹp, sự hùng tráng của Vùng Mỏ đẹp giàu và người Thợ Mỏ anh dũng.
Đường ta đi chói ngời vinh quang
Nhịp khoan ta rung chuyển gương than
Như đoàn chiến binh phấn khởi lên đường
Tô rực rỡ tên đất Mỏ anh hùng.
Qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, âm nhạc có tác dụng to lớn trong việc kêu gọi, động viên đồng bào chiến sĩ đứng lên chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Trong hòa bình và xây dựng đất nước, âm nhạc đã khơi thông dòng chảy, tạo động lực thúc đẩy mọi ngành nghề phát triển, đưa đất nước ngày càng một tiến lên. Và trong muôn mặt của đời sống, hình tượng “Người thợ mỏ” luôn là nguồn cảm hứng vô tận của các nhạc sỹ, nhà thơ, họa sỹ, nghệ sỹ.
Mỗi tác phẩm trong Tuyển tập “Đất mỏ anh hùng” chứa đựng những trang lịch sử bằng âm thanh, ghi lại quá trình xây dựng và phát triển của ngành Than – Khoáng sản, của những người thợ Mỏ. Nơi đó, những người thợ Mỏ là chiến sĩ trong chiến tranh, là anh hùng trong lao động để bảo vệ và xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống tươi đẹp trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, hiểm nguy, mang hơi ấm và ánh sáng từ bóng tối đến mọi miền Tổ quốc./.
Vũ Hằng