Sáng 16.11, Tổng LĐLĐVN phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN dự và chỉ đạo Hội nghị. Ngoài điểm cầu tại Hà Nội, tham gia Hội nghị còn có 62 điểm cầu là BHXH các tỉnh, thành phố và đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng ban Thu (BHXH VN) cho biết: tính đến hết 31.10.2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 14.237 tỷ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Số nợ “khủng” này còn chưa kể số nợ của các đơn vị, DN đã giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn. Trong đó, nợ BHXH là 9.550 tỷ đồng, chiếm 67,07% tổng số nợ (số tiền nợ BHXH từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỷ đồng, chiếm 72% số tiền nợ BHXH, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ; nợ BHTN là 516 tỷ đồng, chiếm 3,62% tổng số tiền nợ; nợ BHYT là 4.170 tỷ đồng, chiếm 29,31% tổng số tiền nợ. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 197.596 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch giao.
Để có biện pháp tích cực trong việc thu nợ BHXH, bảo vệ lợi ích của nhà nước, của NLĐ khi quyền khởi kiện của cơ quan BHXH được chuyển sang tổ chức CĐ, ngày 20.9.2016, BHXH VN và Tổng LĐLĐVN đã ký quy chế phối hợp số 3601/QCPH-LĐLĐ-BHXH về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đến nay, đã có 47/63 BHXH tỉnh, thành phố báo cáo đã ký Quy chế phối hợp. Một số BHXH tỉnh, thành phố sau khi ký quy chế đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho BHXH cấp huyện (ví dụ: Lạng Sơn, Quảng Bình, Long An). Một số BHXH và LĐLĐ cấp huyện đã có biên bản ghi nhớ giữa hai đơn vị trong công tác trao đổi, khởi kiện ra tòa (Quảng Bình). TP. HCM tuy chưa ký quy chế phối hợp nhưng đã chủ động phối hợp với tổ chức CĐ thực hiện khởi kiện theo 2 hướng: Chuyển hồ sơ khởi kiện theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự; chủ động giải quyết vướng mắc trong thực hiện thủ tục vụ án LĐ…
Thực hiện quy chế này, tính đến ngày 13.11.2016, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ 91 đơn vị sử dụng LĐ nợ tiền BHXH cho CĐ cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (trong đó, nhiều nhất là của BHXH tỉnh Điện Biên với 51 hồ sơ). Tổ chức CĐ đã tiếp nhận 71 hồ sơ, tuy nhiên, tổ chức CĐ chưa thực hiện vụ khởi kiện nào ra tòa án.
Theo ông Lương Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ pháp chế (BHXH VN), nguyên nhân là do đa số các tỉnh, thành phố mới ký quy chế phối hợp cuối tháng 10.2016, thậm chí một số tỉnh đầu tháng 11 mới ký quy chế nên chưa triển khai thực hiện (theo thống kê, 16 tỉnh vẫn chưa ký quy chế giữa cơ quan LĐLĐ và BHXH). “Đặc biệt, có địa phương CĐ cùng cấp chưa nhận hồ sơ đơn vị sử dụng LĐ nợ BHXH mà cơ quan BHXH cung cấp với lý do: LĐLĐ tỉnh chưa ký kết phối hợp với cơ quan tòa án cùng cấp (Hà Giang); Tổng LĐLĐ chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác khởi kiện ra tòa án về hành vi chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (Yên Bái); yêu cầu trong hồ sơ khởi kiện phải có đơn của NLĐ ủy quyền đề nghị khởi kiện mới tiếp nhận hồ sơ khởi kiện (Quảng Bình)…”- Vụ trưởng Vụ pháp chế thông tin.
Trả lời các thắc mắc từ các đầu cầu, ông Mai Đức Chính cho biết, Tổng LĐ đã thống nhất: Danh sách DN nợ BHXH được cơ quan BHXH chuyển sang có thể nhiều nhưng trong năm nay chỉ chọn một số DN có khả năng thi hành án, tức là những DN vẫn sản xuất, vẫn sử dụng LĐ, nhưng trây ỳ, không nộp tiền BHXH để khởi kiện. Cũng theo ông Chính, đối với hạn chế về nhân lực tại LĐLĐ quận, huyện, thì thời gian đầu, việc khởi kiện được giao cho LĐLĐ tỉnh, còn sau này, khi LĐLĐ quận, huyện đủ năng lực khởi kiện, sẽ tiến hành phân cấp. Còn đối với án phí, chi phí tố tụng, trước mắt, LĐLĐ tỉnh cứ lấy từ nguồn kinh phí CĐ, sắp tới, Tổng LĐLĐVN sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Ông Mai Đức Chính chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, ít nhất mỗi địa phương, nhất là 15 địa phương có nhiều KCN, đông LĐ, có QHLĐ phức tạp đã được Tổng LĐLĐ VN chọn làm điểm, phải có 1 vài vụ khởi kiện điểm kiện DN nợ đọng BHXH ra tòa. Bước đầu có thể khó, nhưng cứ phải làm, vướng đến đâu, gỡ đến đó. Làm như vậy mới thể hiện được vai trò của CĐ là bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ – ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của ông Mai Đức Chính, ông Trần Đình Liệu cho rằng, trong triển khai thực hiện phải tránh “chưa làm đã kêu khó”; phải bắt tay vào thực hiện thì mới biết được những vướng mắc, khó khăn gì nảy sinh để tìm cách tháo gỡ. Ông Liệu cho rằng, qua hội nghị trực tuyến, cơ bản chưa thấy vướng mắc, mà là do việc khởi kiện chưa được tổ chức quyết liệt. “Đề nghị các tỉnh sớm khởi kiện DN nợ đọng BHXH. Từ nay đến cuối năm, BHXH VN và Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức kiểm tra một số địa phương để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có) thể tổ chức thực hiện” – ông Liệu nói.
(Theo Cổng TTĐT – CĐVN).