Công tác Tuyên truyền

Sức mạnh lòng dân từ Cách mạng Tháng Tám tới cuộc chiến chống dịch COVID-19

Ngày đăng: 19/8/2021

Thành công của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa “ý Đảng” với “lòng dân” là yếu tố quyết định. Ngày nay, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bài học về lòng dân tiếp tục được phát huy và trở thành yếu tố quyết định để chiến thắng đại dịch.

“Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”

Cách đây tròn 80 năm, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì (họp từ ngày 10 đến ngày 19.5.1941) ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng đề ra những quan điểm, nội dung cơ bản, quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc.

Theo đó, đặt mục tiêu giành độc lập dân tộc và các lợi ích quốc gia lên hàng đầu; quyền lợi của bộ phận, giai cấp phục tùng lợi ích dân tộc. Đồng thời, Đảng ta chú trọng đến việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, lấy khởi nghĩa vũ trang làm nhiệm vụ trung tâm. Xây dựng và phát triển Mặt trận Việt Minh để đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho cuộc cách mạng. Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố, mà còn làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc được nâng lên một trình độ mới với chất lượng mới - đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính. Kết quả là chỉ trong khoảng hai tuần, được nhân dân cả nước đồng lòng, đồng sức, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra thắng lợi hoàn toàn trong cả nước.

Quan điểm về lòng dân, sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được Đảng phát triển ngay sau Cách mạng Tháng Tám.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”; “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Người đã huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình, góp phần to lớn đưa dân tộc Việt Nam tới độc lập, tự do, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; vì vậy, “đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của dân chủ, coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, bản chất của dân chủ tức là dân là chủ và dân làm chủ. Người chỉ rõ, địa vị của nhân dân là người chủ đối với xã hội, đất nước và nhân dân là chủ thể của quyền lực. Đây là nội dung cốt lõi trong tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh, phản ánh giá trị cao nhất, chung nhất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ”. Điều này khẳng định giá trị xã hội đích thực của dân chủ là ở chỗ giành về cho đại đa số nhân dân lao động những quyền lực của chính họ thông qua đấu tranh cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới của chính bản thân quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một “ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người đã phấn đấu không mệt mỏi, làm tất cả để thực hiện Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Tổ quốc, cho dân tộc và nhân dân. Người đã rút ra một chân lý không chỉ cho dân tộc mà còn cho cả nhân loại “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Người luôn xác định, dân chủ là động lực của tiến bộ xã hội, của phát triển. Nền dân chủ mà chúng ta đang ra sức xây dựng là nền dân chủ của tuyệt đại đa số nhân dân, gắn với công bằng và tiến bộ xã hội trong từng bước phát triển và từng chính sách phát triển. Bác Hồ đã từng nói: Lãnh đạo một nước mà để cho dân mình lạc hậu, bị thiệt thòi trong hưởng hạnh phúc con người cũng là mất dân chủ. Làm chủ là quyền thiêng liêng của nhân dân không ai có thể xâm phạm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phát huy dân chủ là phát huy tài dân, muốn vậy, thì phải “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Theo Bác: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới biết làm thầy học dân”.

Lòng dân trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

76 năm, kể từ Cách mạng Tháng Tám, Đảng tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng dân và sức mạnh đoàn kết trong nhân dân. Thời điểm này, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vai trò của nhân dân càng được thể hiện.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới có chủ đề “Vì lợi ích của nhân dân, trách nhiệm của chính đảng” diễn ra đầu tháng 7.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta tham dự và có bài phát biểu quan trọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong hơn một năm qua, Việt Nam nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19, coi sức khỏe và an toàn sinh mạng của người dân là trên hết, trước hết; chủ động, tích cực phòng chống có hiệu quả dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”.

Mới đây, khi đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư đã nhắc lại: “Đồng chí nào thờ ơ với hoạt động của Mặt trận, đoàn thể thì cũng đồng nghĩa với xa rời quần chúng nhân dân. Phải tiếp xúc với dân chân thực, đừng tiếp xúc hình thức, không được mị dân, theo đuôi quần chúng. Phải tôn trọng dân thật sự, lắng nghe nhân dân và làm theo mong muốn của nhân dân một cách thật lòng”.

Bài phát biểu sau đó của Tổng Bí thư có 218 từ “dân” chứa đựng quan điểm về sức mạnh của lòng dân trong phát triển đất nước và đặc biệt trong chống dịch COVID-19.

Để “tôn trọng dân thật sự, lắng nghe nhân dân và làm theo mong muốn của nhân dân một cách thật lòng” thì những cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước về thực hành phong cách dân vận theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân. Phải thật sự thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: “Làm công bộc của Dân”, “làm đầy tớ nhân dân chứ không phải làm quan nhân dân”, “đừng lên mặt làm quan cách mạng”; không phải trước mặt Dân cứ viết lên trán hai chữ “Cộng sản” mà người ta nể sợ.

Mỗi công chức, đảng viên phải thực sự gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể phát động; thông qua hoạt động của Mặt trận và đoàn thể để đến với nhân dân, chúng ta cần xem đó là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân; kiểm nghiệm xem các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có đến được với nhân dân hay không, có thuận lòng dân hay không? Đồng chí nào thờ ơ với hoạt động của Mặt trận, đoàn thể thì cũng đồng nghĩa với xa rời quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là luỵ dân, tiếp xúc với dân một cách hình thức, càng không “theo đuôi” quần chúng.

“Tôn trọng dân thật sự, lắng nghe nhân dân và làm theo mong muốn của nhân dân một cách thật lòng” là chìa khoá để đi đến thắng lợi và thành công, đó cũng là đúc kết từ Cách mạng Tháng Tám được vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Nguồn: laodong.vn

Chia sẻ bài viết: