Phát huy truyền thống văn hóa "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ trong thời kỳ đổi mới
Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936 – 12/11/2021). Trang thông tin điện tử Công đoàn TKV trân trọng đăng toàn văn Bài viết của đồng chí Lê Thanh Xuân – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn TKV về nội dung: Phát huy truyền thống Văn hóa "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ trong thời kỳ đổi mới.
Tượng đài Vinh quangThợ mỏ tại Quảng trường 12/11 (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)
Lịch sử 85 năm truyền thống công nhân Mỏ luôn gắn với những đổi thay của đất nước. Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển với truyền thống anh hùng của các thế hệ thợ Mỏ đã chung sức, chung lòng xây dựng nên ngôi nhà chung Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Việt Nam (TKV). Đối với TKV, truyền thống văn hóa phản ánh toàn bộ các hoạt động của đội ngũ thợ Mỏ cả về vật chất và đời sống tinh thần. Văn hóa thợ Mỏ nói về đội ngũ công nhân, lao động ngành Than - Khoáng sản Việt Nam với hình ảnh là sự đa rạng, phong phú, nhiều sắc mầu và thường rất nổi bật được kết tinh theo cùng năm tháng, có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau để tạo nên truyền thống cao đẹp của những người đi tìm than, khoáng sản. Bằng những sản phẩm mà thợ Mỏ tạo ra trong quá trình lao động sản xuất, được chi phối bởi môi trường tự nhiên và xã hội, đã hình thành những nét đặc trưng riêng của Văn hóa TKV.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giao lưu văn hóa rộng rãi, nghiên cứu thực trạng và phát huy truyền thống văn hóa thợ Mỏ là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài và rất cần thiết đối với TKV. Với bản sắc văn hóa TKV “Kỷ luật và đồng tâm” thể hiện tinh thần: Trí tuệ, là sự chuyên nghiệp, là hội nhập và phát triển… Chính từ những chủ trương này, đội ngũ thợ Mỏ ngày càng được tri thức hóa, có trình độ học vấn, chuyên môn, có tác phong công nghiệp, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và yêu cầu của thời kỳ mới.
Thứ nhất, sự hình thành, phát triển, truyền thống đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân vùng mỏ Quảng Ninh và sự ra đời của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, ngành Than là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất và giai cấp công nhân mỏ cũng được hình thành sớm nhất trong giai cấp công nhân cả nước. Ra đời cách đây hơn 180 năm, từ năm 1840, khi nhà Vua Minh Mạng ban chỉ dụ đồng ý theo đề nghị của Tổng đốc Hải An Tôn Thất Bật cho tổ chức khai thác than tại vùng núi An (Yên) Lãng (nay thuộc xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều). Khi Thực dân Pháp xâm lược, thiết lập bộ máy cai trị Đất nước ta, để tăng cường vơ vét tài nguyên phục vụ lợi ích cho chính quốc, đầu năm 1888 chúng đã lập ra một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp mang tên Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T) để khai thác than trên diện rộng từ Kế Bào (Cái Bầu), Mông Dương, Cẩm Phả, Hòn Gai, đến Vàng Danh, Mạo Khê. Đây là cơ sở công nghiệp có qui mô lớn ra đời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương và đó cũng là cái nôi ra đời của đội ngũ công nhân mỏ Quảng Ninh nói riêng và giai cấp công nhân Việt Nam nói chung. Xuất thân của đội ngũ công nhân, lao động vùng mỏ Quảng Ninh hầu hết là nông dân, chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương), ngoài ra là nông dân các tỉnh khác (Thanh Hóa, Nghệ An) và nông dân Quảng Ninh (các vùng Quảng Yên, Hòn Gai). Đây là tầng lớp nông dân bị bần cùng hoá dưới chế độ sưu thuế, áp bức nặng nề dưới chế độ thực dân phong kiến tìm đường kiếm kế sinh nhai hoặc bị ép buộc, dồn bắt ra làm thuê cho các chủ mỏ.
Trong quá trình khai thác than, thực dân Pháp sử dụng tổng hợp các phương thức bóc lột kiểu tư bản, phong kiến và chủ nô, ra sức bóc lột, đàn áp công nhân hết sức tàn nhẫn nhằm vơ vét ngày càng nhiều tài nguyên, của cải của đất nước ta trên cơ sở bần cùng hóa và vắt kiệt sức lao động của những người thợ mỏ. Có áp bức thì có đấu tranh, những người thợ mỏ đã nhen nhóm lên ngọn lửa đấu tranh và ngày càng quyết liệt chống áp bức, bóc lột của bọn thực dân chủ mỏ. Từ đấu tranh tự thân đến đấu tranh tự phát, và phát triển lên đến đấu tranh tự giác khi phong trào đấu tranh của những người thợ mỏ có sự soi đường, chỉ lối của Đảng cộng sản.
Sẵn có lòng yêu nước, có tinh thần đấu tranh chống lại chủ mỏ Pháp, lại được sự lãnh đạo, hướng dẫn của tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân, lao động vùng Mỏ đã có bước phát triển mới. Từ tháng 3 tới tháng 10 năm 1930, ở các khu mỏ đã diễn ra trên 20 cuộc đấu tranh thu hút đông đảo công nhân tham gia, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà sàng Cửa Ông nổ ra ngày 8 tháng 4 năm 1930 và tiếp theo là cuộc đấu tranh trong cao trào cách mạng 1930 – 1931 của cả nước nói chung và các khu mỏ nói riêng.
Trong những năm 1930 – 1936, phong trào đấu tranh của công nhân vùng Mỏ tiếp tục phát triển, đỉnh cao là cuộc tổng bãi công của 3 vạn công nhân và nhân dân lao động vùng Mỏ vào đêm ngày 12/11/1936. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công phản kháng chế độ thực dân Pháp kéo dài 20 ngày, khởi đầu từ cuộc bãi công của 5000 công nhân và nhân dân lao động Cẩm Phả, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, đã thành công và gây tiếng vang lớn trên toàn quốc, và ngày 12/11 trở thành Ngày Truyền thống vẻ vang của Công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân vùng mỏ cùng toàn dân làm nên Cách mạng Tháng tám năm 1945, thành công ở Quảng Ninh. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, là sự phát huy cao độ truyền thống đấu tranh anh dũng của công nhân vùng Mỏ và nhân dân lao động.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới mưa bom, bão đạn, công nhân vùng Mỏ đã vừa sản xuất, vừa chiến đấu, thực hiện “Trận địa là nhà, vùng Mỏ là quê hương”, “Tay búa, tay súng”, “Giặc phá hoại một, ta làm bù hai, ba”, “Mỗi người làm việc hăng hái”, “Sản xuất than chống Mỹ cứu nước”, “Vì Miền Nam ruột thịt”, “Mùa Xuân thắng Mỹ”,…Đội ngũ công nhân Mỏ ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, lập nhiều thành tích to lớn, chiến công oanh liệt. Trong những năm chống Mỹ, vùng mỏ đã có 4 đơn vị, 11 công nhân viên chức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hàng nghìn tổ sản xuất đạt danh hiệu Tổ Lao động XHCN.
Khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, đội ngũ công nhân vùng Mỏ và ngành Than đã phát huy truyền thống vẻ vang, ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo để cung cấp ngày càng nhiều than, khoáng sản cho Tổ quốc. Ngày 10/10/1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 563/TTg thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) - một trong 3 Tổng Công ty (Than - Điện lực - Dầu khí) hoạt động theo mô hình Tổng Công ty 91, dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của Chính phủ với nhiệm vụ chính là sản xuất - kinh doanh than theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước, cung ứng than cho nhu cầu của các ngành kinh tế trong nước; đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện; sửa chữa, chế tạo cơ khí; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp; thương mại và dịch vụ và một số ngành nghề kinh doanh khác. Ngay từ khi mới ra đời năm 1995, TVN đã gặp muôn vàn khó khăn do nạn khai thác, kinh doanh trái phép hoành hành; môi trường vùng mỏ bị tàn phá khốc liệt; các doanh nghiệp Ngành Than lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, phải cắt giảm sản xuất; giá bán than trong nước thấp hơn giá thành dẫn tới mất cân đối tài chính, công nhân thiếu việc làm, đời sống khó khăn. TVN đã đề ra hàng loạt giải pháp: tổ chức lại mô hình sản xuất, xóa bỏ cấp trung gian; mở mang nhiều ngành sản xuất - kinh doanh mới; thống nhất quản lý thị trường tiêu thụ than; kết hợp với các chế tài kinh tế - hành chính lập lại trật tự trong khai thác, chế biến, kinh doanh than... Đây cũng là giai đoạn TVN tập trung cao độ đầu tư về kỹ thuật và công nghệ cho các ngành sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác hầm lò.
Ngày 12/5/2001, Tổng Công ty Cơ khí năng lượng và mỏ được sáp nhập vào TVN đã làm “hồi sinh” ngành Cơ khí mỏ tạo thêm sức mạnh mới cho ngành cơ khí sửa chữa và cơ khí chế tạo của TVN. Giai đoạn này, TVN đã xác định "Xây dựng Than Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành trên nền sản xuất than". Đây cũng chính là chiến lược phát triển bao trùm suốt một thập niên. TVN đã đổi mới mô hình sản xuất theo hướng tinh gọn, giải thể một số công ty khai thác than theo vùng từ đó sức sản xuất được giải phóng; năng suất lao động tăng cao; đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của thợ mỏ thực sự thay đổi. Chỉ cần một phép so sánh nhỏ: Năm 1994, sản lượng than nguyên khai mới chỉ ở mức 7 triệu tấn, 10 năm sau - tức 2005, chỉ số này đã đạt tới 31,3 triệu tấn vượt chỉ tiêu mà quy hoạch phát triển ngành Than đề ra cho năm 2020.
Ngày 08/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 198/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Than Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên; đây cũng là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên được thành lập. Bốn tháng sau, ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp với bốn nhiệm vụ chính là: Tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực hình thành các nhóm công ty quy mô lớn trong các ngành, các lĩnh vực then chốt, phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; Giữ vai trò bảo đảm các cân đối lớn trong nền kinh tế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển cho các ngành, các lĩnh vực khác trong toàn bộ nền kinh tế; Thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, phát triển các thành phần kinh tế khác; Tăng cường quản lý, giám sát có hiệu quả đối với nguồn vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
Bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, tiếp tục đặt ra cho TKV nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Do vậy mỗi người thợ mỏ cũng phải là “chiến sỹ” trên mặt trận sản xuất than, khoáng sản. Với ý chí, nghị lực, truyền thống văn hóa “Kỷ luật và Đồng tâm” và tình giai cấp của công nhân Mỏ, cùng với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ ngành Trung ương, các địa phương nhất định TKV sẽ vượt qua được những khó khăn thách thức và thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn.
Thứ hai, Giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa người thợ Mỏ là “Kỷ luật và đồng tâm”
Giá trị cốt lõi “Kỷ luật và đồng tâm” được ra đời vào cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ, bắt đầu từ Cẩm Phả vào đêm 12 rạng sáng 13 tháng 11 năm 1936, với khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm! chúng ta nhất định thắng!”. Cuộc bãi công đã buộc chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp phải nhượng bộ chấp nhận yêu sách của thợ mỏ đòi tăng lương, giảm giờ làm, được cấp dụng cụ lao động, chống cúp phạt và đánh đập thợ mỏ. Cuộc tổng bãi công đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa rất to lớn, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936 - 1939. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, về tập hợp lực lượng; về sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp, về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất và là niềm tự hào của các thế hệ công nhân mỏ.
Truyền thống văn hóa đó cho đến ngày hôm nay được đúc kết là những giá trị tinh thần, hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của công nhân mỏ và đã trở lên ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong suốt chiều dài lịch sử 84 năm, biết bao giá trị truyền thống tốt đẹp của công nhân Mỏ đã được hun đúc trở thành lương tâm, danh dự và rất đáng tự hào của mỗi người lao động TKV. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn; truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm; truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa; truyền thống cần cù lao động; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; truyền thống hiếu thảo cũng như những giá trị truyền thống về văn hóa, về nghệ thuật khác … Truyền thống tốt đẹp của công nhân Mỏ vô cùng quý giá, không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà cả trong hiện tại và tương lai, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của Tập đoàn và mỗi cá nhân.
Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của công nhân Mỏ, không chỉ là góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam, mà là góp phần xây dựng sứ mạng, triết lý kinh doanh, định vị thương hiệu, giá trị cốt lõi “Kỷ luật và đồng tâm”, là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản, nhất là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ ba, Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2017-2020
Theo “Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: “Xây dựng TKV thành Tập đoàn kinh tế mạnh có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động và cộng đồng nhằm phát triển bền vững”.
Để thực hiện được mục tiêu trên TKV cần ưu tiên đãi ngộ những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở trong và ngoài nước; xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động và cộng đồng; duy trì và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống ngành Than - Khoáng sản và văn hóa doanh nghiệp hiện đại; xây dựng và quảng bá rộng rãi thương hiệu VINACOMIN. Thực hiện mục tiêu: “Thương hiệu dẫn dắt khách hàng đến với sản phẩm; sản phẩm đem đến cho khách hàng không chỉ giá trị sử dụng mà cả văn hóa của TKV”.
Tất cả những nội dung trên chỉ thực thi được khi từ cấp trên xuống cấp dưới, từ lãnh đạo tập đoàn đến từng công nhân mỏ phải tập tâm, tận tụy, cùng nhau vượt khó khăn, đoàn kết với phương châm truyền thống văn hóa “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Thứ tư, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tác động tới quan hệ lao động và đội ngũ thợ Mỏ
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là vấn đề mới, có tính thời sự và tất yếu của sự vận động. Thời cơ và thách thức đan xen lẫn nhau; thời cơ cơ hội có thể chuyển thành thách thức nếu không tận dụng được; thách thức có thể chuyển hóa thành cơ hội nếu chủ động ứng phó thành công. Khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và công nghệ 4.0, nếu chúng ta biết tận dụng khoa học công nghệ, sẽ tác động làm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đồng thời, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam của nhiều nước thành viên thuộc các trung tâm hàng đầu thế giới có khả năng mang lại lợi ích lan tỏa về công nghệ và trình độ quản lý. Để nâng cao sức cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, quản lý mới có thể đàm phán ký kết các hợp đồng với các đối tác, tham gia vào mạng lưới cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn. Vì vậy, trình độ nghề nghiệp của người lao động cũng được thúc đẩy nâng lên, góp phần phát triển đội ngũ công nhân lao động có trình độ cao. Điều đó sẽ giúp cho cuộc sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, người lao động ngày càng tốt lên; góp phần phát triển cả số lượng và chất lượng đội ngũ công nhân Mỏ.
Việc thực thi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm… xu thế chuyển dịch lao động giữa các nước tham gia FTA, thách thức đối với các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, người lao động trong nước là sức ép về trình độ, tri thức và tay nghề, nguy cơ tranh chấp quốc tế (các FTA mới có quy định cao về giải quyết tranh chấp)… Trong khi đội ngũ thợ Mỏ trình độ chuyên môn và tay nghề cao còn thiếu; đội ngũ cán bộ, công chức nước ta thiếu và hạn chế về năng lực hội nhập; thiếu đội ngũ luật sư giỏi để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp. Những yếu kém, bất cập trong nước bộc lộ rõ hơn và nếu không được xử lý kịp thời và thỏa đáng thì sẽ làm gia tăng nguy cơ tụt hậu của doanh nghiệp. Chuyển biến trong tư duy trong nước chưa kịp với tình hình quốc tế và tốc độ hội nhập quốc tế của nước ta.
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm những tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; tăng cường đổi mới, năng suất, sức cạnh tranh; nâng cao mức sống, giảm đói nghèo ở các nước ký kết; đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả, minh bạch, bảo vệ người lao động và bảo vệ môi trường. Đồng thời, người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại việc làm của họ. Hiện nay, vấn đề đại diện, bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động, không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của người lao động cũng được đề cập và quy định rõ ràng. Đồng thời phải đề cao nghĩa vụ thương lượng, thiện chí của người sử dụng lao động khi tiến hành thương lượng tập thể với tổ chức của người lao động về tiền lương và các điều kiện lao động khác cho người lao động. Rõ ràng quan hệ lao động giữa người người sử dụng lao động và người lao động có nhiều đổi mới.
Thứ năm, Phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ thợ Mỏ có sự giao thoa văn hóa
Phương châm chiến lược của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là: “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”; do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân Mỏ có chất lượng cao (Công nhân giỏi nghề, có tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật cao; cán bộ có tâm, tận tụy, năng động sáng tạo, thạo việc), đủ về số lượng với cơ cấu hợp lý phù hợp với yêu cầu của các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh và của các đơn vị thành viên là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược của TKV.
Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, nhân tố quyết định sự phát triển của TKV được coi là nguồn lực “nội sinh” chi phối quá trình phát triển của Tập đoàn đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù, trong nhiều thập kỷ qua, đã được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều thành tựu to lớn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân Mỏ; song chất lượng đội ngũ công nhân Mỏ chưa theo kịp tốc độ chung của hội nhập, kỷ nguyên số và “nền kinh tế tri thức” toàn cầu. Chẳng hạn: Năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới; số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nhóm có trình độ chuyên môn cao hạn chế về khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp; khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực còn hạn chế. Trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá thế giới còn là điểm yếu của công nhân Mỏ.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đều có những rào cản nhất định trong môi trường đa văn hóa như ngôn ngữ, niềm tin, hay định kiến và điều này sẽ cản trở sự hiểu biết của chúng ta về người khác. Muốn TKV đứng vững trong cơ chế thị trường và muốn là một phần của sự phát triển vượt bậc như ngày nay, buộc đội ngũ công nhân Mỏ phải đi lên, vượt qua mọi rào cản văn hóa để tiếp thu những kiến thức của nhân loại, sàng lọc được những giá trị văn hóa tốt đẹp để bổ sung và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của TKV. Việc xóa bỏ rào cản sẽ là nền tảng xây dựng niềm tin, là cơ hội để mọi người mở lòng và hiểu nhau hơn sẽ dần bộc lộ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, đó là lúc mọi người nhìn nhận và khắc phục cũng như phát triển bản thân hơn. Trên cơ sở đó niềm tin được xây dựng, con người dễ chịu hơn với sai lầm của nhau, từ đó tạo nên một môi trường làm việc thân thiện, tương hỗ nhau cùng nhau phát triển.
Thứ sáu, Phát triển kinh tế của đất nước, các địa phương và các ngành nghề làm thay đổi cả về cơ cấu và mô hình tăng trưởng là ảnh hưởng đến qui mô hoạt động của TKV nói chung và cơ cấu đội ngũ thợ Mỏ nói riêng
Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của nước ta chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy lợi thế so sánh ngành và vùng lãnh thổ và ngày càng nhiều doanh nghiệp ra đời. Nhờ đó, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển dài hạn và bền vững. Tuy nhiên, người ta thường nói đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam là dựa vào xuất khẩu tài nguyên, gia công dựa vào lao động rẻ và vai trò quá lớn của khu vực doanh nghiệp nhà nước (trong đó có TKV). Vì vậy, mô hình tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay cũng cần được phân tích thấu đáo để làm thế nào giải quyết những điểm nghẽn và tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới.
Xét yếu tố tài nguyên, do trình độ công nghệ thấp và lạc hậu, nền kinh tế buộc phải sử dụng quá nhiều tài nguyên, trong đó phần nhập khẩu là rất lớn. Đó là lý do giải thích tính không hiệu quả của nền kinh tế, và phần giá trị gia tăng ít vì phải chia sẻ cho bên ngoài. Năng suất lao động của Việt Nam do đó bị xem là “rất thấp”.
Ở chiều cạnh đầu ra, hướng vào xuất khẩu và hội nhập là đúng đắn nhằm phát huy các tiềm năng quốc gia, tuy nhiên nhập siêu kéo dài lại là vấn đề. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu là dựa vào khoáng sản và gia công là yếu điểm trong chiều cạnh này. Đầu tư công thường rất cao, do đó chèn ép khu vực tư nhân, trong khi đó đầu tư công lại kém hiệu quả, còn khu vực tư nhân hiệu quả hơn và giải quyết nhiều lao động hơn lại phải chịu phần thiệt và yếu thế.
Ngoài ra, ở chiều cạnh cấu trúc kinh tế. Cấu trúc của nền kinh tế rõ ràng là dựa quá nhiều vào khu vực nguyên khai gồm khai thác khoáng sản. Khu vực công nghiệp chế tạo có phát triển nhưng, như trên trình bày, chủ yếu là gia công sử dụng nhiều lao động. Xét dưới giác độ trình độ trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu thì nền kinh tế của Việt Nam nằm ở các giai đoạn trình độ thấp, thu được ít giá trị gia tăng.
Bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường mang lại, TKV đang đứng trước những khó khăn nhất định, đặc biệt là hoạt động khai thác than, khoáng, các loại thuế phí đều tăng, chi phí giá thành sản xuất cao, tiêu thụ than có những giai đoạn gặp nhiều khó khăn, than trong nước phải cạnh tranh với nguồn than khác, than nhập khẩu có giá trị thấp hơn và giá khoáng sản có thời kỳ trên thị trường thế giới giảm, ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ sản phẩm khoáng sản như Thiếc, Đồng tấm, Alumina. Đặc biệt đại dịch Covid – 19 đang diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của người lao động. Do vậy đòi hỏi tập thể cán bộ, công nhân lao động phải ổn định tư tưởng, tin tưởng vào chiến lược sản xuất kinh doanh của TKV và vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong Tập đoàn. Cán bộ công nhân lao động cần đoàn kết, đồng lòng phát huy truyền thống tốt đẹp “Kỷ luật, đồng tâm” đã được trui rèn qua 85 năm chiến đấu, xây dựng của các thế hệ thợ Mỏ để quyết tâm tiếp tục xây dựng đội ngũ thợ Mỏ mới có phẩm chất đạo đức, tri thức tốt, tay nghề cao và ý thức tự chủ, gương mẫu trong lao động sản xuất, tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha, anh đi trước, chung ta xây dựng TKV phát triển bền vững.
Truyền thống văn hóa qua nhiều thời kỳ lịch sử của TKV có ý nghĩa hết sức to lớn trong phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa, khẳng định nên giá trị cốt lõi, thương hiệu của thợ Mỏ. Truyền thống văn hóa của thợ Mỏ đã được hun đúc 85 năm qua là tài sản quý của doanh nghiệp, quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Đã tạo điều kiện cho tất cả các thành viên nhận ra được những sắc thái riêng mà một tổ chức muốn vươn tới. Nó cũng tạo ra sự cam kết tự nguyện đối với những gì vượt ra ngoài phạm vi niềm tin và giá trị của mỗi cá nhân, giúp các thành viên mới nhận thức được ý nghĩa của các sự kiện và hoạt động của tổ chức.
Phát huy cao độ và chuyển khẩu hiệu đấu tranh của công nhân Mỏ năm 1936 “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta nhất định thắng” thành sức mạnh vật chất thời kỳ hội nhập và phát triển. Phát triển công tác truyền thông gắn liền với mọi hoạt động của TKV và các công ty thành viên theo tinh thần chủ động tuyên truyền, phản ánh, giải thích kịp thời, đúng đắn chủ trương, mục tiêu, quá trình thực hiện và kết quả hoạt động kinh doanh. Trong tiến trình đổi mới, con người và văn hóa TKV luôn có sự liên hệ với cội nguồn truyền thống. Truyền thống là những kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn của người thợ Mỏ đã được đúc kết thành các giá trị và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống bao gồm tất cả các lĩnh vực, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực văn hóa. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của người thợ Mỏ, truyền thống có ý nghĩa vô cùng to lớn: vừa là nguồn sống vừa là nguồn sáng tạo của TKV. Vì thế, truyền thống không phải là những vật trưng bày trong viện bảo tàng, mà nó luôn tồn tại trong mối quan hệ quá khứ với hiện tại và tương lai. Chúng ta phải nhìn nhận truyền thống từ quá khứ hiện tại và tương lai thì mới thực hiện thành công trong đổi mới và phát triển bền vững Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoảng sản Việt Nam./.
Lê Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn TKV