Những sáng kiến tiêu biểu của TKV tại Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”
Sáng 28/12, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các điển hình tiên tiến
Tại sự kiện, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 5 sáng kiến được vinh danh tuyên dương, 5 sáng kiến của TKV được tuyên dương dịp này bao gồm:
* Sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ CGH 7-3.1 vỉa 7 công suất 1,2 triệu tấn/năm đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao” của tác giả Phạm Thành Công - Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty CP than Hà Lầm.
Đ/c Phạm Thành Công (ngoài cùng bên trái) tham gia giao lưu tại buổi lễ
Hiệu quả của sáng kiến: Lò chợ vượt qua khu vực phay phá, tăng tiến độ khấu, tăng năng suất lao động, góp phần hoàn thành kế hoạch sản lượng. Sau khi thưc hiện giải pháp tăng sản lượng thêm 120.000 tấn than so với hiện trạng ban đầu, giá trị làm lợi 120.000 x 280.380 = 33,645 tỷ đồng.
* Sáng kiến: “Sử dụng tro bay sau tuyển tại công đoạn nghiền xi măng”, tác giả Trần Việt Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Quán Triều, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc. Trước khi sử dụng tro bay đưa vào công đoạn nghiền xi măng, chỉ sử dụng đá cát bột kết tỷ lệ pha phụ gia nghiền xi măng PCB30 đạt 34%, giá nguyên liệu đưa vào sản xuất là 44.2470 đồng/Tấn XM phụ gia nghiền xi măng PCB40 đạt 16%, giá nguyên liệu đưa vào SX là 534.630 đồng/Tấn XM.
Đ/c Trần Việt Cường nhận Bằng Lao động sáng tạo và biểu trưng của Chương trình
Qua nghiên cứu trên thị trường trong nước có sản phẩm tro bay sau tuyển khi pha vào công đoạn nghiền xi măng với tỷ lệ thích hợp không làm giảm cường độ xi măng và có khả năng tăng được năng suất công đoạn nghiền mà không làm ảnh hưởng các chỉ tiêu đối với sản phẩm xi măng.
Sau khi sử dụng tro bay đưa vào công đoạn nghiền xi măng, tỷ lệ pha phụ gia nghiền xi măng PCB30 đạt 39%, giá nguyên liệu đưa vào SX là 427.485 đồng/Tấn. PCB40 đạt 21%, giá nguyên liệu đưa vào SX là 519.645 Đồng/Tấn Xi măng. Giá trị làm lợi: 9,740 tỷ đồng (Chênh lệch giá trị nguyên liệu/Tấn xi măng: 14.985 đồng); Phạm vi áp dụng đối với các nhà máy sản xuất Xi măng.
* Nguyễn Thanh Tuấn - Bí thư chi bộ, Quản đốc công trường Xúc, Công ty Cổ phần than Đèo Nai với sáng kiến “Ứng dụng phần mềm nhật lệnh trực tuyến thay thế nhật lệnh truyền thống trong sản xuất”. Lệnh sản xuất được viết trên phần mềm. Quản đốc và Phó Quản đốc giao việc cho công nhân toàn bộ nội dung nhật lệnh sẽ chuyển đến từng lao động trên internet. Công nhân lao động từ nhà sẽ được xe đón lên trực tiếp đến các máy xúc hoạt động ngoài khai trường. Đầu ca công nhân sẽ dùng điện thoại thông minh có kết nối mạng 3G để xem nhận lệnh và xác nhận nhật lệnh. Phiếu nhật lệnh đầy đủ nội dung công việc, dự báo các nguy cơ mất an toàn, biện pháp thực hiện,...thời gian gửi nhật lệnh và thời gian xác nhận nhật lệnh. Phần mềm nhật lệnh trực tuyến sẽ quản lý được thời gian tạo gửi lệnh, nhận lệnh, số lượng người gửi và số lượng người nhận.
Đ/c Nguyễn Thanh Tuấn được vinh danh tại Chương trình
Hiệu quả của sáng kiến: Thời gian giao lệnh rất nhanh, rút ngắn được thời gian chờ đợi; Nội dung nhật lệnh luôn đủ, chính xác công việc, nguy cơ an toàn; Phiếu nhật lệnh luôn theo sát với người lao động do vậy công nhân có thể xem lại khi cần thiết. Thời gian máy hoạt động tăng cao, giảm thời gian chờ đợi của công nhân tại phòng nhật lệnh, kiểm soát chặt chẽ của Công ty các phiếu nhật lệnh của đơn vị; Phiếu nhật lệnh không có khả năng sửa, thêm bớt nội dung. Toàn bộ cán bộ, công nhân viên hoạt động trong một ca không phải tập trung tại một địa điểm để nghe, ký sổ nên tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian để phục vụ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và hạn chế tập trung đông người. Tổng giá trị làm lợi trên 7 tỷ đồng/năm; Áp dụng tại các đơn vị sản xuất than Lộ thiên, đặc biệt hiệu quả trong tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19.
* Sáng kiến “Sử dụng 100% hơi nước tự sinh của lò sinh khí để làm chất khí hóa và sấy sứ cho hệ thống lọc bụi tĩnh điện”. Tác giả Nguyễn Văn Phòng - Phó giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng. Nội dung sáng kiến: Sử dụng 100% hơi nước tự sinh của lò sinh khí để làm chất khí hóa và sấy sứ cho hệ thống lọc bụi tĩnh điện.
Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Văn phòng cùng các kỹ sư trẻ trong thực hiện nhiệm vụ
Giải pháp được triển khai thực hiện và đưa vào áp dụng tại phân xưởng Khí hóa than., thay đổi thông số vận hành lò sinh khí để đáp ứng với lượng nhiệt của hơi bão hòa mới (nhiệt độ khí hóa từ 65oC giảm xuống còn 57-63oC; nhiệt độ cấp than 630-650oC giảm xuống còn 480-600oC). Lượng hơi nước bão hòa từ PX nhiệt điện cấp sang giảm xuống chỉ còn 3.704 tấn hơi nước bão hòa/năm, tương đương tiết giảm được 8.363 tấn hơi nước bão hòa/năm. Sáng kiến được áp dụng rộng rãi tại Công ty Nhôm Lâm Đồng, các công ty sản xuất Nhôm.
Giá trị làm lợi: Trước khi thực hiện sáng kiến: 13.013.972.093 đồng; Sau khi thực hiện sáng kiến: 11.826.453.366 đồng. Số tiền làm lợi: 3.125.339.494 VNĐ/năm; Khả năng áp dụng sáng kiến: Áp dụng tại các đơn vị SX Nhôm (Alumina).
* Tác giả Nguyễn Mạnh Cường, Phó phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Điện lực - TKV với sáng kiến “Nghiên cứu sử dụng nấm gió dạng mũi tên thay nấm gió dạng tròn cho lò hơi các nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động của Tổng công ty Điện lực”. Các nhà máy mặc dù có chung một công nghệ lò hơi CFB tuy nhiên phần nấm gió sàn liệu của các lò hơi thì lại sử dụng các loại khác nhau phụ thuộc vào nhà thiết kế. Các lò hơi sử dụng nấm tròn thì vận hành thường không ổn định do các sự cố về nấm như: Tần suất sự cố liên quan đến nấm gió lớn (tắc nấm, tuột nấm, cháy chân nấm, bục nấm…); Thời gian sửa chữa nấm gió kéo dài; Nhân lực để sửa chữa cần nhiều người; Hiệu suất cháy nhiên liệu chưa đạt yêu cầu (hàm lượng carbon không cháy hết trong tro bay cao). Sự cố nấm gió thường dẫn đến dừng lò nên giảm sản lượng điện sản xuất ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường nhận Bằng LĐST và biểu trưng của Chương trình
Nội dung sáng kiến: Khảo sát, đánh giá hiệu quả các loại nấm gió và xây dựng phương án thay thế nấm gió dạng tròn của lò hơi tại các nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn sang dạng mũi tên để giảm thiểu sự cố lò hơi trong quá trình vận hành do nhược điểm của nấm gió dạng tròn gây ra, góp phần nâng cao hiệu suất lò hơi Tổng công ty Điện lực - TKV.
Tính mới của giải pháp: Nấm gió mũi tên có rất nhiều các ưu điểm như vận hành ổn định, chi phí sửa chữa bảo dưỡng thấp không ảnh hưởng đến sự vận hành của tổ máy. Đây là lần đầu áp dụng việc sử dụng nấm gió dạng mũi tên thay cho nấm gió dạng tròn trong Tổng công ty Điện lực - TKV. Chi phí đầu tư chuyển đổi không lớn so với tổng giá trị thiệt hại hàng năm, ngoài ra sau khi chuyển đổi sang nấm mũi tên thì chi phí bảo dưỡng hàng năm rất thấp. Việc sử dụng nấm gió mũi tên đã góp phần quan trong trong việc giải quyết các các bất cập của nấm gió dạng tròn nhằm nâng cao độ vận hành ổn định của lò hơi và hiệu suất cháy. Qua các phân tích trên cho thấy việc sử dụng nấm gió mũi tên mang lại hiệu quả rõ rệt kể cả mặt kỹ thuật và kinh tế. Do đó sử dụng nấm mũi tên trong lò hơi CFB đóng góp đặc biệt quan trọng trong vấn đề nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với các nhà máy nhiệt điện đốt than sử dụng công nghệ lò hơi CFB. Tổng giá trị làm lợi 25 tỷ đồng/năm, sáng kiến có thể áp dụng rộng rãi trong các nhà máy nhiệt điện có cùng công nghệ./.
Ban TG-NC Công đoàn TKV