Tin Tổng liên đoàn

Vai trò của Tuyên giáo Công đoàn trong nắm bắt và xử lý thông tin dư luận hiện nay

Ngày đăng: 18/1/2022

Dư luận xã hội là một kênh thông tin rất quan trọng, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, tác động của các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn vào cuộc sống. Đặc biệt khi hiện nay sự phát triển vượt bậc của Internet và các loại báo mạng điện tử thì việc cần phải nắm vững tư tưởng, định hướng thông tin dư luận xã hội là yêu cầu cần thiết đối với đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo công đoàn.

Từ yêu cầu về tổ chức khoa học, đồng bộ công tác dư luận xã hội

Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định “Tổ chức khoa học, đồng bộ công tác dư luận xã hội ở các cấp công đoàn để thường xuyên, kịp thời, chuẩn xác trong nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động, nhất là công nhân, lao động trực tiếp sản xuất. Xây dựng quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin dư luận xã hội”. Chương trình số 01/CT-TLĐ về “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2021”, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ nhiệm vụ nắm bắt thông tin về đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn qua các kênh truyền thông, đồng thời hình thành bộ phận tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin.

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương hình thành bộ phận tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin; cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động có nhu cầu thông tin gửi các ý kiến cần trao đổi, làm rõ qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo...), qua Website. Bộ phận thường trực Website và mạng xã hội trả lời trên cơ sở thông tin cơ bản lấy từ: tài liệu do các phòng ban chuyên môn cung cấp; văn bản pháp lý; tài liệu gửi báo chí ... Trường hợp thông tin có tính chuyên môn cao, bộ phận thường trực Website và mạng xã hội tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương tương chỉ đạo các ban, đơn vị chức năng nghiên cứu nội dung trả lời.

Thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư khóa XI về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, ngày 29/9/2016, Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn “Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội trong CNVCLĐ”; trong đó yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nắm bắt dư luận xã hội nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tổ chức công đoàn; những vấn đề bức xúc của đoàn viên, người lao động, qua đó giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ban Thường vụ các cấp công đoàn có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.

Đến những tín hiệu tích cực trong triển khai

Từ nắm bắt thông tin dư luận, công tác tuyên giáo công đoàn đã kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề mà đoàn viên, người lao động và dư luận quan tâm góp phần tích cực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ngăn chặn, phản bác với các tin giả, thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Nhiều nội dung phản ánh có tính thời sự, nhạy cảm, có tác động lớn đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội giúp cho cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn các cấp có thêm cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những thành tựu đã đạt được; hạn chế, tồn tại, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời vấn đề dư luận quan tâm, tránh phát sinh điểm nóng.

Nhiều câu chuyện xúc động trong đời sống, việc làm của đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân, người lao động đã được chia sẻ, động viên kịp thời. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất nhiều chính sách để bảo vệ từ xa và toàn diện cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn cấp trên phối hợp giải quyết những thông tin liên quan đến quan hệ lao động và chế độ, chính sách cho người lao động; giới thiệu việc làm cho người lao động khuyết tật..., đồng thời đeo bám kết quả giải quyết. Công đoàn cơ sở kêu gọi, vận động đóng góp hỗ trợ đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông, tai nạn lao động...

Đặc biệt là trong các đợt bùng phát dịch Covid – 19 xảy ra năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, ở Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang nhiều công nhân lao động phải sống trong khu phong tỏa và cách ly y tế. Các cấp công đoàn 3 tỉnh này đã có nhiều hình thức để tiếp nhận phản ánh của công nhân lao động, trong đó có các kênh truyền thông xã hội nên đã kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, yên tâm phòng chống dịch bệnh. Nhiều công nhân lao động đã bày tỏ lòng biết ơn đến tổ chức công đoàn và thường xuyên liên hệ, chia sẻ tâm tư với cán bộ công đoàn.

Và một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Giai đoạn tiếp theo của nhiệm kỳ 2018 – 2023 là thời điểm then chốt trong hiện thực hóa những đổi mới, đột phá trong tổ chức và hoạt động để Công đoàn Việt Nam là điểm tựa và là sự lựa chọn gia nhập đầu tiên của người lao động. Bên cạnh đó, một số vấn đề mang tính hệ thống chưa khắc phục căn cơ; các hoạt động chưa thực chất; những vụ việc phức tạp phát sinh trong quan hệ lao động và vai trò của tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở… sẽ là những nội dung được dư luận quan tâm.

Công tác tuyên giáo công đoàn cần bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam; các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại quan trọng của đất nước, chủ động, kịp thời nắm bắt, phân tích, phản ánh khách quan thông tin dư luận của cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động. Từ đó có những dự báo sớm, chính xác và đề xuất giải pháp khả thi nhằm cung cấp, định hướng thông tin dư luận, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn hệ thống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.

Thường xuyên tham mưu, đề xuất và tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy đảng đối với công tác nắm tình hình và định hướng dư luận xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp công đoàn. Căn cứ về những vấn đề dư luận của đoàn viên, CNVCLĐ quan tâm, các cấp công đoàn coi đây là cơ sở để tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.

Nâng cao năng lực của cán bộ tham mưu thực hiện công tác nắm bắt dư luận xã hội; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác tuyên giáo nói chung và cán bộ tham mưu công tác nắm bắt dư luận xã hội nói riêng. Quan tâm đầu tư phương tiện, kinh phí hoạt động cho công tác dư luận xã hội. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới dư luận viên, cộng tác viên dư luận xã hội trong các cấp Công đoàn.

Các cấp Công đoàn cần có kế hoạch đồng bộ hóa, kết hợp hài hòa, hiệu quả các kênh nắm bắt dư luận xã hội; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc và tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng, dư luận xã hội nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn.

Tăng cường nắm bắt dư luận xã hội qua mạng xã hội thông qua xây dựng, cử cán bộ tham gia các hội, nhóm công nhân lao động trên mạng xã hội, thường xuyên chia sẻ tin bài chính thống, tích cực nhằm định hướng thông tin tuyên truyền; kịp thời theo dõi, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ. Nghiên cứu, xây dựng trang Facebook cá nhân uy tín của tổ chức Công đoàn trên mạng xã hội (KOLs) nhằm đưa thông tin tích cực tạo ảnh hưởng tốt tới đoàn viên, CNVCLĐ trên các diễn đàn mạng xã hội.

Đấu tranh, phản bác kịp thời thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, tích cực tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm phủ nhận sức mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vai trò của tổ chức công đoàn; bác bỏ luận điệu, những thông tin gây chia rẽ tổ chức công đoàn với đoàn viên, người lao động./.

Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết: