Tin Tổng liên đoàn

Thúc đẩy người lao động tham gia phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày đăng: 1/4/2022

Trước yêu cầu “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ”, “quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công nhân, công đoàn trong tình hình mới” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới (Nghị quyết số 16/NQ-BCH ngày 22/02/2022).


Lễ biểu dương các điển hình tiên tiến chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" năm 2021

Tăng từ 2% sáng kiến cải tiến kỹ thuật/năm được cấp Bằng Lao động sáng tạo

Nghị quyết nêu rõ: Hàng năm, có ít nhất 25 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Tổng Liên đoàn được mở mới, trong đó có ít nhất 02 nhiệm vụ nghiên cứu lý luận chuyên sâu về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn; giai đoạn 2023 - 2028, có ít nhất 05 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về công nhân, lao động, công đoàn.

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, trong mỗi nhiệm kỳ phải chủ trì hoặc phối hợp triển khai ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Tổng Liên đoàn, cấp bộ, cấp tỉnh; triển khai từ 01 đến 02 đề tài cấp cơ sở.

Xây dựng, phát triển Viện Công nhân và Công đoàn đến năm 2023 trở thành viện nghiên cứu chiến lược của Tổng Liên đoàn; đến năm 2028 trở thành viện chiến lược cấp quốc gia. Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động giữ vững là viện đầu ngành quốc gia; đến năm 2028, tất cả các phòng thí nghiệm của Viện đạt chuẩn VILAS.

Đến năm 2028, có ít nhất 25 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư trong các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam, tăng 1,5 lần so với năm 2022; có ít nhất 900 người có trình độ tiến sỹ trong hệ thống Công đoàn Việt Nam, tăng 2,5 lần so với năm 2022.

Hằng năm, các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam có số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc các danh mục Scopus, ISI đạt tối thiểu 500 bài.

 Hằng năm, tăng ít nhất từ 2% sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân lao động được cấp Bằng Lao động sáng tạo.

 Hàng năm, ngân sách tài chính công đoàn dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ít nhất 1% tổng chi tài chính công đoàn.

Đổi mới chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tại Nghị quyết, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định rõ 5 nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

Trước hết là nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp công đoàn trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, có các giải pháp như: Tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ công đoàn, đoàn viên về vai trò và sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tổ chức công đoàn.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp công đoàn, nhất là người đứng đầu đối với công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tổ chức công đoàn.

Các viện nghiên cứu, trường đại học trực thuộc Tổng Liên đoàn có các giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý và tác động toàn hệ thống.

Tổ chức các diễn đàn khoa học, phát huy vai trò của Tạp chí Lao động và Công đoàn, các tạp chí khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà xuất bản, phương tiện truyền thông của công đoàn trong việc công bố, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu để trở thành tài nguyên chung của tổ chức công đoàn.

Tăng cường công tác khen thưởng, kỷ luật, kỷ cương trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tổ chức công đoàn. Định kỳ tổ chức giải thưởng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về lao động và công đoàn cấp Tổng Liên đoàn.

Hai là, đổi mới về tổ chức, quản lý, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hệ thống Công đoàn Việt Nam bằng hệ thống các giải pháp như: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tổ chức công đoàn. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương phân công một cán bộ có năng lực theo dõi, tham mưu công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cử cán bộ, công chức, viên chức và người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, phương pháp nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.  

Nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích, khơi dậy tiềm năng, tập hợp trí tuệ của đội ngũ cán bộ và đoàn viên công đoàn trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cán bộ công chức các ban thuộc Tổng Liên đoàn, thu hút các nhà khoa học tâm huyết nghiên cứu lĩnh vực lao động, công đoàn.

Hoàn thiện Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Tổng Liên đoàn; Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học Tổng Liên đoàn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống; tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý khoa học, nghiên cứu khoa học và công nghệ của tổ chức công đoàn theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi, hiệu quả.

Tập trung đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu căn cứ vào ý nghĩa thực tiễn, khả năng ứng dụng, dự kiến hiệu quả mang lại phục vụ trực tiếp nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; ban hành danh mục định hướng nghiên cứu hàng năm, hoặc cho từng giai đoạn để có cơ sở đề xuất đăng ký phù hợp với hướng nghiên cứu được Tổng Liên đoàn khuyến khích.

Xây dựng và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu thứ cấp về lao động và quan hệ lao động để phục vụ nghiên cứu. Xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cập nhật định kỳ làm cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ nói riêng và cung cấp thông tin cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động của Tổng Liên đoàn. Kết hợp nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Sử dụng nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Ba là, trong nâng cao năng lực cho các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam cần bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược phát triển tổ chức công đoàn, xây dựng Viện Công nhân và Công đoàn ngang tầm với nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược lý luận, tổng kết thực tiễn về công nhân, công đoàn trong điều kiện mới. Xây dựng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động tiếp tục giữ vững là viện đầu ngành quốc gia, hướng tới ngang tầm khu vực và châu lục. Xây dựng, phát triển toàn diện các trường đại học thuộc tổ chức công đoàn gắn liền với phát huy cơ chế tự chủ theo quy định.

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, phát huy nguồn nhân lực và tài chính phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Viện Công nhân và Công đoàn, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có chất lượng; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ có đủ năng lực thực hiện các dự án, các đề tài khoa học quan trọng trong và ngoài nước. Đào tạo, thu hút nguồn cán bộ khoa học từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

 Tăng cường công bố sản phẩm nghiên cứu bằng việc thiết lập các quy định về số lượng, nội dung các sản phẩm nghiên cứu trên các tạp chí chuyên môn thuộc danh mục của Hội đồng giáo sư nhà nước, hoặc các tạp chí khoa học nước ngoài uy tín thuộc các danh mục Scopus, ISI.

Nghiên cứu xây dựng Chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia về nghiên cứu phát triển giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2023 – 2028 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, bệnh viện bệnh nghề nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các trường, viện thuộc hệ thống công đoàn, gắn với nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp; gắn kết giữa kết quả nghiên cứu với hoạt động đào tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng cơ chế chính sách.

Bốn là, để thúc đẩy sự tham gia của các cấp công đoàn và người lao động trong phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần tạo môi trường để cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương trong xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ để giải quyết các vấn đề của địa phương, công đoàn ngành.

Phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương.

Mở rộng nội dung và quy mô đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập trung vào phong trào “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi - Phục vụ tốt” trong toàn hệ thống Công đoàn Việt Nam, nhằm phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác, năng suất lao động của công nhân, viên chức, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong doanh nghiệp.

Định kỳ tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động và người có thành tích trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.        

Năm làtăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa đối tác, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm theo lĩnh vực ưu tiên. Chủ động tăng cường hợp tác nghiên cứu chung với các đối tác quan trọng ở các nước có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Tăng cường trao đổi chuyên gia giữa các bên trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tranh thủ tối đa nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các đối tác cho nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt là các đầu mối quản lý nghiên cứu lý luận, khoa học và công nghệ quốc gia về lĩnh vực liên quan đến lao động và công đoàn. 

Sáu là, để tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần tăng mức đầu tư cho các đề tài có tính ứng dụng cao, đề tài nghiên cứu chuyên sâu về công nhân, lao động và công đoàn. Sử dụng, khai thác và phân phối hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài tổ chức công đoàn.

Khuyến khích xã hội hóa nguồn lực tài chính, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, sở khoa học và công nghệ địa phương để phát huy nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đảm bảo đủ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từng bước nâng cao thu nhập cho cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học.

Việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hệ thống Công đoàn Việt Nam nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra, góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới./.

Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết: