Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đặt trọng tâm vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật; cải cách nền hành chính nhà nước, nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước được hiện đại hóa để thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; sự quản lý có hiệu lực và hiệu quả cao công việc của Nhà nước; phục vụ đắc lực đời sống Nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, thực hiện bằng được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Để làm rõ hơn, sâu sắc hơn các nội dung của Nghị quyết liên quan đến nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XII vừa qua, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu các cấp công đoàn quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, cần tập trung triển khai, thực hiện Nghị quyết với các trọng tâm mà trước hết là quán triệt đến đội ngũ cán bộ công đoàn nhận thức sâu sắc về 08 đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; được tiến hành đồng bộ với thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
ẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ công nhân lao động. Đó là nắm vững và chấp hành nội quy lao động, quy chế, quy định của doanh nghiệp; có hiểu biết về pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động, trách nhiệm của công dân. Xây dựng cho công nhân ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật, gắn với việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ các quyền con người trong lĩnh vực lao động, quyền công dân. Xây dựng giai cấp công nhân có ý thức kỷ luật, nề nếp, tuân thủ pháp luật, có tác phong công nghiệp chính là góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.
Hai là, Nghị quyết đã nhấn mạnh một trong ba trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Mục tiêu hướng tới là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng và kiến nghị xây dựng chính sách pháp luật đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng tại Điều 11, Điều 12 Luật Công đoàn. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của tổ chức Công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều này đòi hỏi các cấp công đoàn phải nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và đổi mới công tác pháp luật, chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn thực thi pháp luật để chủ động phát hiện bất cập, kiến nghị, đề xuất chính sách, tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là những chính sách về kinh tế - xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động và chính sách, pháp luật khác liên quan đến tổ chức Công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang tiến hành sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 10b/NQ-BCH của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam về đẩy mạnh công tác pháp luật trong tình hình mới, trong đó, một số yêu cầu cần đặt ra trong thời gian tới là tập trung chỉ đạo, quan tâm đầu tư hợp lý cho công tác pháp luật. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác pháp luật. Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực pháp luật, đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, đặc biệt lưu ý tuyển dụng nhân sự làm công tác pháp luật đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác này. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác pháp luật. Nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Quan tâm đầu tư thoả đáng, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp luật công đoàn trong tình hình mới.
Cùng với đó là tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn, trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện Luật Công đoàn (sửa đổi), các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, chính sách pháp luật về nhà ở, thiết chế văn hoá cho công nhân lao động. Nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hóa và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác chính sách, pháp luật; tranh thủ và phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên chính sách, pháp luật. Tăng cường công tác thông tin, đối thoại; làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật.
Ba là, Công đoàn cần tiếp tục phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân, cụ thể là người lao động thông qua cơ chế thực thi pháp luật, thực hiện tốt dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, đảm bảo quyền của người lao động trong việc tiếp cận, nắm bắt thông tin, quyền được tham gia ý kiến và quyết định các vấn đề theo quy định của pháp luật. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 là một bước tiến mới, phản ánh đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, trong đó, ghi nhận sự tham gia rất tích cực, từ sớm của các cấp công đoàn trong quá trình xây dựng luật. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh, phát huy tốt vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong triển khai, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người lao động không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội như đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, những hành vi kinh doanh trái pháp luật, trốn thuế, vi phạm đạo đức xã hội.
Nghị quyết cũng đã nêu lên giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, xây dựng và hoàn thiện cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội; tham gia hoàn thiện cơ chế Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước. Do đó, Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội, nhất là việc giám sát và hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động. Chủ động tham gia phản biện xã hội, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thực hiện quyền giám sát; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật và đề nghị xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Nguồn: congdoan.vn