Công tác Tuyên truyền

Phát huy giá trị truyền thống lịch sử trong xây dựng và phát triển

Ngày đăng: 8/9/2023

Nhắc đến Xí nghiệp Bến Cửa Ông khi xưa (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV) lớp lớp thế hệ Vùng mỏ Quảng Ninh đều khắc ghi Cụm di tích lịch sử gắn với truyền thống anh hùng. Nơi đây đã ghi lại những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh và trở thành những “chứng nhân” lịch sử, đồng hành với công nhân ngành Than trong chiến tranh cũng như trong xây dựng và phát triển.
Nhà Sàng Tuyển than Cửa Ông 100 năm xây dựng và phát triển

Ngành khai thác than ở Việt Nam có lịch sử truyền thống lâu đời cách đây 183 năm với dấu mốc quan trọng khi vua Minh Mạng có “Dụ” cho phép Tổng đốc Hải Yên Tôn Thất Bật chính thức tổ chức khai thác than ở vùng núi Yên Lãng, Đông Triều,Quảng Ninh (ngày 10/01/1840) – ghi dấu mốc quan trọng khai sinh ra ngành khai thác than ở Việt Nam. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, ngành Than đã trải qua chặng đường dài thăng trầm cùng vận mệnh của đất nước.
 

Nhà sàng bị bắn phá giai đoạn 1964 - 1975
 
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp mở rộng xâm lược nước ta, để đảm bảo tiến độ khai thác nhanh và tiêu thụ lớn họ đã xây dựng cảng Cửa Ông. Việc xây dựng được tiến hành trong suốt một thời gian khá dài từ năm 1894 đến năm 1924 mới cơ bản hoàn thành và bước vào sản xuất. Cơ cấu gồm có một nhà máy sàng rửa, khu vực chứa than, hệ thống đường xe hỏa vận tải than mỏ và cảng bốc rót. Nhà máy này do Công ty BRUXELLE của Bỉ thiết kế và Pháp xây dựng. Theo một số tài liệu thì đặc điểm của nhà máy sàng tuyển này khi đó đạt (năng suất sàng 250 tấn/giờ; băng suất rửa 09 tấn/giờ).  Diện tích các tràn chứa than sạch 16.000 tấn.
 

Phân xưởng Sàng rửa sẵn sàng cho chiến dịch Thi đua sản xuất than “Đền ơn Bác Hồ vĩ đại” năm 1970
 
Nhà sàng Tuyển than Cửa Ông – Nhà sàng Pháp (nay là nhà sàng Phân xưởng Tuyển than 1) xây dựng vào năm 1924 cho đến nay đã sử dụng 100 năm. Năm 2004, Công ty đã cải tạo thay việc xử lý bùn nước bằng hệ thống bơm, xoáy lốc, sàng khử nước, lắp đặt thêm một số sàng, băng để thu hồi lượng than cám xít trong đá trước khi thải. Sau nhiều lần cải tạo, từ công suất thiết kế ban đầu 1 triệu tấn, hiện nay Nhà máy Tuyển than 1 đạt 3,5 triệu tấn.
 
 
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và suốt những năm kháng chiến chống Pháp, công nhân nhà sàng Cửa Ông đã hăng hái tham gia giành chính quyền và tích cực đóng góp công sức, cùng quân dân Quảng Ninh giải phóng hoàn toàn vùng Mỏ.

Ngày 24/4/1955, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cảng Cửa Ông, đế lại Nhà sàng và Bến cảng bị phá hủy tàn tạ, tê liệt. Nhưng người thợ điện -Anh hùng Lao động Lê Văn Hiển với nỗ lực phi thường, đã cùng tập thể công nhân Cửa Ông như các đồng chí: Huỳnh Văn Nguôn, Vũ Hữu Luyện, Trương Hữu My, Trần Sinh Xướng…, phục hồi toàn bộ hệ thống điện và đưa nhà sàng, bến cảng trở lại sản xuất trong vòng chưa đầy một tháng, được Bác Hồ khen ngợi.
 
Ngày 20 tháng 8 năm 1960, ghi dấu trong lòng CBCN Xí nghiệp Bến Cửa Ông, Xí nghiệp được thành lập với sự đầu tư nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất, đưa sản lượng than sạch vượt mốc một triệu, rồi 2,5 triệu tấn, góp phần để cả vùng than đạt 3,2 triệu tấn vào năm 1964, được Bác Hồ biểu dương và ghi tên trên “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” của Người vào năm 1966, 1968.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, công nhân nhà sàng Cửa Ông đã kiên cường giữ vững dòng than cho tổ quốc. Nhiều người đã anh dũng ngã xuống trên mân pháo, bên máy sàng, tay vẫn còn vương những giọt dầu xanh. Đại đội nữ tự vệ nhà Sàng đã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang bắn rơi 2 máy bay Mỹ năm 1967, góp phần đánh thắng giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đẩu tiên của Vùng mỏ. Trong những năm chiến tranh ác liệt, xuất khẩu than từ Cửa Ông là nguồn ngoại tệ lớn nhất của đất nước, góp phần thiết thực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
 
Đại đội tự vệ Phân xưởng Sàng được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đầu tiên của Vùng mỏ

1 thế kỷ qua, từ một nhà máy sàng than nhỏ bé, cùng cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, bằng công sức, trí tuệ của mình, các thế hệ CBCN Tuyển than Cửa Ông đã dày công xây dựng để hôm nay Công ty có một cơ ngơi đồ sộ và chính thương hiệu của Tuyển than Cửa Ông - TKV được xây dựng dựa trên nền tảng là 4 nhà máy tuyển là: Tuyển than 1, Tuyển than 2, Tuyển than 3 và Tuyển than 4.
 

Toàn cảnh PX Tuyển than 1 nhìn từ trên cao

Cây cầu trục Poóc-tích số 1 - Di tích lịch sử Văn hóa

Đây là một trong 7 cầu trục do Pháp thiết kế và chế tạo, cầu trục Poóc-tích số 1 với công suất thiết kế ban đầu là 52 tấn/giờ được đưa vào sử dụng từ ngày 1-1-1928. Trải qua thời gian, qua bom đạn của chiến tranh, cầu trục Poóc-tích số 1 được ví như một nhân chứng lịch sử vẫn oằn mình vươn lên cùng với sự phát triển của Xí nghiệp Bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV).
 
 
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong Công ty Tuyển than Cửa Ông giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
 

Bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cho cụm di tích lịch sử
 
Đêm mùng 6 rạng ngày 7/11/1929, cái đêm không bao giờ quên được đối với cuộc đời người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Ngô Huy Tăng và cũng là cái đêm lịch sử của cảng Cửa Ông, của cả vùng Mỏ.  Đồng chí Ngô Huy Tăng đã dũng cảm trước kẻ thù, cắm lá cờ trên Cầu Pooc tích số 1 cảng Cửa Ông để kỷ niệm chào mừng cách mạng tháng 10 Nga ở Cửa Ông đã thu được thắng lợi. Đây chính là việc mở đầu cho thời kỳ đấu tranh bất khuất ở Vùng Than, mà đỉnh cao là cuộc Tổng bãi công vang dội của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936. Từ đây hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm là biểu tượng rực rỡ của khối đoàn kết công nông mãi mãi in đậm trong lòng người thợ, mãi mãi là niềm tin thôi thúc họ trên con đường cách mạng đầy gian khổ và đầy vinh quang của Đảng để đi đến mục đích cuối cùng tươi đẹp của ngày mai toàn thắng.
 

Lãnh đạo Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV chụp ảnh trước Tượng đài anh hùng liệt sĩ Ngô Huy Tăng
 
Hiện nay Cầu trục Poóc-tích số 1 vẫn được khai thác trong dây chuyền sản xuất tiêu thụ than của Công ty Tuyển than Cửa Ông. Trải qua nhiều lần nâng cấp, hiện đại hoá thiết bị, cầu trục nay đã đạt năng suất bình quân 200 tấn/giờ, là một trong 2 thiết bị cầu trục đảm nhận việc rót than tiêu thụ trên cảng Cửa Ông, mắt xích cuối cùng trong dây chuyền sản xuất chính của Công ty do Phân xưởng Kho bến 1 được giao trực tiếp quản lý và tổ chức sản xuất.
 
Năm 2023, Công ty Tuyển than Cửa Ông đã lắp dựng Cầu trục số 2 để đảm nhận việc rót than tiêu thụ trên cảng Cửa Ông.
 

Cầu trục số 2 tại Cảng Cửa Ông được lắp dựng năm 2023
 
Trận địa pháo cao xạ 37mm

Đây là trận địa pháo cao xạ của Xí nghiệp Bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV). Trận địa nằm trên đồi có tên gọi là đồi Nhà sàng Tuyển than, với vị thế trọng yếu, sát đường Quốc lộ 18A, nối liền giữa miền đông và miền tây của tỉnh. Từ trên đồi pháo có thể nhìn ra toàn cảnh nhà máy, xí nghiệp, bến cảng Cửa Ông…
 
Trận địa pháo 37mm ra đời gắn liền với sự thành lập Đội tự vệ Xí nghiệp Bến Cửa Ông năm 1965. Có diện tích khoảng 20.000m2, tại đây được đặt 4 khẩu 37mm và bố trí theo hình thang (từ khẩu đội 1 đến khẩu đội 4). Trận địa gồm nhiều khoang đặt bệ pháo của các khẩu đội, một khẩu quay hướng đông nam (hướng 34), một khẩu quay hướng tây nam (hướng 32), một khẩu quay hướng bắc (hướng 1) và một khẩu quay hướng tây bắc (hướng 12). Từ năm 1965-1972 trận địa pháo cao xạ 37mm của Đội tự vệ nhà sàng Cửa Ông đã góp phần cùng nhân dân Cửa Ông và thị xã Cẩm Phả đánh lui hàng trăm đợt không kích của địch, bắn hạ máy bay phản lực của Mỹ, làm giảm thiểu các thiệt hại do kẻ thù gây ra. Năm 1960 và năm 1963 Đội tự vệ nhà sàng Cửa Ông đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị ba nhất” toàn miền Bắc. Năm 1965, Đội lại được tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” đầu tiên của khu Hồng Quảng. Năm 1966, lực lượng tự vệ Nhà sàng Cửa Ông được Trung ương Đoàn trao cờ Nguyễn Văn Trỗi và tháng 1 năm 1967 được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là tập thể đầu tiên được tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang” của Vùng mỏ.
 

Hân hoan trước tin Trung ương Đoàn tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi cho đơn vị Tự vệ nhà sàng Cửa Ông
 
Hầm chỉ huy số 1

Hầm chỉ huy nằm về phía đông bắc của Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông), trong lòng một quả đồi có độ cao khoảng 35m. Toàn bộ hệ thống hầm có 3 cửa chính ra vào và được đào theo kiểu chữ Y thông nhau. Tại đây cách khoảng 8m về phía nam có một cửa phụ song song với cửa hầm chính dài 6m và được thông sang với cửa hầm chính, đây là cửa hầm của Ban chỉ huy được xây bằng vòm cuốn bê tông cốt thép có độ dày 20cm, còn lại các đường hầm khác xây thẳng và ghép các tấm bê tông phẳng phía trên đều dày 20cm. Hầm có chiều cao 2,2m, rộng 2m. Toàn bộ hệ thống hầm này vốn trước đây được Pháp xây dựng làm hầm cố thủ trong cuộc chiến tranh với phát xít Nhật những năm 1944-1945. Hiện tại cửa số 1 và số 2 vẫn có lối vào, riêng cửa số 3 đã bị nhà dân lấn chiếm xây lấp hoàn toàn. Hiện tại Hầm chỉ huy số 1 đã được Công ty bàn giao về thành phố Cẩm Phả quản lý.

Phát huy giá trị Cụm di tích góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ

Cụm di tích lịch sử đánh dấu mốc son lịch sử hào hùng của vùng Mỏ, về những con người kiên trung và bất khuất, về những phong trào cách mạng của giai cấp công nhân vùng Mỏ dưới ánh sáng của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là minh chứng sống, nguồn sử liệu quý báu và vô giá để lớp lớp thế hệ CBCNV ngành Than hôm nay thêm tự hào, trân trọng thành tích và truyền thống quý báu mà các thế hệ cha anh đã dày công xây đắp.

Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ, Công ty Tuyển than Cửa Ông đã ban hành nhiều văn bản để lãnh chỉ đạo và cụ thể hóa các Nghị quyết về thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp, về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong Công ty Tuyển than Cửa Ông giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lãnh chỉ đạo toàn diện và triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn Công ty.

Cụ thể, Tuyển than Cửa Ông xác định tăng cường bồi dưỡng, giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hoá ngành Than, nhất là với thế hệ trẻ; Xây dựng Kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của các công trình văn hoá, cụm di tích.

Cùng với đó, Công ty không ngừng tăng cường nâng cao nhận thức trong đảng, chuyên môn và các tổ chức đoàn thể về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cụm di tích lịch sử; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền các nội dung xây dựng, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi; Lan toả giá trị lịch sử văn hóa, tinh thần truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng Mỏ, giáo dục thế hệ trẻ, CNLĐ Công ty cũng như thế hệ trẻ ngành Than kế thừa, giữ gìn và phát huy.

Hiện nay, Cụm di tích lịch sử tại Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV không chỉ mang ý nghĩa về giá trị lịch sử mà còn góp phần giáo dục về tình yêu quê hương, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Thế hệ đi trước đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, anh dũng hi sinh cho nền độc lập của dân tộc, vì vậy CBCNV ngành Than cần có lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng những tháng năm hào hùng ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta” mà mỗi người con Việt Nam cần tự hào, gìn giữ và phát triển.

Lịch sử đã chứng minh, mỗi di tích đều ghi dấu những chiến công và chứa đựng nhiều giá trị quý báu. Đó là những bằng chứng trung thực, sống động, hùng hồn và không thể chối cãi. Các di tích cách mạng ấy phản ánh từng cột mốc, từng sự kiện, từng giai đoạn của lịch sử giai cấp công nhân và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đối với Công ty Tuyển than Cửa Ông cụm di tích là minh chứng lịch sử hào hùng không chỉ của riêng Công ty mà còn là niềm tự hào của các thế hệ công nhân vùng Mỏ. Đặc biệt hơn nữa, Nhà sàng Cửa Ông và Cầu trục Pooc tích số 1 còn là những di tích lịch sử động, kết hợp hài hoà lợi ích kinh tế với giá trị di tích lịch sử. Nơi đây chính là “trái tim” của Công ty. Nhà sàng Tuyển than 1 và cầu trục Pooc tích số 1 vẫn hiên ngang oai hùng tại vùng trời Đông Bắc, cùng với người Thợ nơi đây ngày đêm khơi nguồn cho dòng suối than quê hương, góp phần thực hiện thành công khát vọng xây dựng “ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác” và “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn./.
 
Vũ Hằng

Chia sẻ bài viết: