Công tác Tuyên truyền

Những doanh nghiệp nào phải tổ chức hoạt động ban thanh tra Nhân dân?

Ngày đăng: 10/9/2023

Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 (Nghị định 59); doanh nghiệp nào phải tổ chức hoạt động ban thanh tra Nhân dân (BTTND) là điều cán bộ công đoàn cần biết.


Doanh nghiệp nào phải tổ chức hoạt động BTTND? Ảnh: Internet

Trước đây BTTND được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của BTTND. Tuy nhiên Nghị định này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/8/2023.

Nay tổ chức và hoạt động của BTTND thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định 59, trong đó có quy định về BTTND ở doanh nghiệp nhà nước. Vậy, doanh nghiệp nào phải tổ chức hoạt động BTTND, đây là những quy định pháp luật mới mà cán bộ công đoàn cần biết trong tổ chức thực hiện.

Trước hết, cần xác định rõ khái niệm về doanh nghiệp nhà nước. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định: Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Cụ thể, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Còn doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Như vậy, những doanh nghiệp trên phải tổ chức hoạt động của BTTND thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định 59.

 

Thứ hai, về tổ chức BTTND ở doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 77 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 25 Nghị định 59, cụ thể: BTTND ở doanh nghiệp nhà nước do hội nghị người lao động bầu gồm từ 3 đến 9 thành viên theo đề nghị của ban chấp hành công đoàn ở doanh nghiệp, tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có).

BTTND ở doanh nghiệp nhà nước gồm trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên. Trường hợp số lượng thành viên BTTND từ 9 người trở lên thì số lượng phó trưởng ban không quá 2 người. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về hoạt động của BTTND; phó trưởng ban có trách nhiệm giúp trưởng ban thực hiện nhiệm vụ; các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng ban.

Với trường hợp doanh nghiệp nhà nước có tính chất đặc thù hoặc hoạt động phân tán, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế, sau khi thống nhất với ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, ban chấp hành công đoàn, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) đề xuất để hội nghị người lao động quyết định số lượng thành viên BTTND nhiều hơn 9 người để bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Thứ ba, về bầu, cho thôi làm thành viên BTTND ở doanh nghiệp nhà nước được thực hiện tại hội nghị người lao động theo quy định tại Điều 67 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 25 Nghị định 59.

Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc hội nghị người lao động bầu thành viên BTTND, ban chấp hành công đoàn ở doanh nghiệp nhà nước công nhận kết quả bầu thành viên BTTND.

 

Thứ tư, về nhiệm kỳ của BTTND là 2 năm. Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết thành viên hoặc thành viên BTTND không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tín nhiệm hoặc xin thôi làm nhiệm vụ thì ban chấp hành công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) đề nghị hội nghị người lao động quyết định cho thôi làm nhiệm vụ và bầu người khác thay thế.

Thứ năm, về tiêu chuẩn, điều kiện thành viên BTTND được quy định tại các Điều 69 và Điều 77 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể: Thành viên BTTND là người đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong doanh nghiệp, có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có hiểu biết về chính sách, pháp luật và tự nguyện tham gia BTTND; không đồng thời là người đại diện có thẩm quyền, thành viên ban lãnh đạo, điều hành, kế toán trưởng của doanh nghiệp.

Người trúng cử thành viên BTTND khi hội nghị người lao động của cơ doanh nghiệp nhà nước được tổ chức hợp lệ và có trên 50% tổng số người dự hội nghị tán thành.


Tổ chức và hoạt động của BTTND thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định 59. 

Thứ sáu, về hoạt động của BTTND ở cơ quan, đơn vị được quy định tại Điều 79 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 24 Nghị định 59, cụ thể: BTTND ở doanh nghiệp nhà nước do ban chấp hành công đoàn tại doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của BTTND ở doanh nghiệp nhà nước là: Tuân thủ theo quy định của pháp luật; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; mọi ý kiến, phản ánh của người lao động được phản ánh trung thực đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để kích động, dụ dỗ, lôi kéo người lao động để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Căn cứ vào nghị quyết hội nghị người lao động của doanh nghiệp nhà nước và sự chỉ đạo, hướng dẫn của ban chấp hành công đoàn, BTTND xây dựng chương trình công tác theo từng quý, 6 tháng và hằng năm. BTTND có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với ban chấp hành công đoàn và tại hội nghị người lao động của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ bảy, trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn trong việc bảo đảm hoạt động của BTTND ở doanh nghiệp nhà nước quy định tại Điều 81 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể: Giới thiệu nhân sự để hội nghị người lao động bầu làm thành viên BTTND; công nhận kết quả bầu thành viên BTTND; đề nghị cho thôi làm thành viên BTTND.

Hướng dẫn BTTND xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của BTTND và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của BTTND; tham gia hoạt động của BTTND khi xét thấy cần thiết.

Xem xét, giải quyết kiến nghị của BTTND; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của BTTND gửi đến người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp hoặc cấp có thẩm quyền. Vận động người lao động phối hợp và tích cực hỗ trợ hoạt động của BTTND. Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho BTTND.

Nguồn: laodongcongdoan.vn

Chia sẻ bài viết: