Công tác Tuyên truyền

Mô hình dân vận khéo trong chuyển đổi số tại Công ty Tuyển than Cửa Ông

Ngày đăng: 8/11/2023

Là đơn vị sàng tuyển lớn nhất, điều hòa sản xuất và tiêu thụ than của các đơn vị tại vùng Cẩm Phả, yêu cầu chuyển đổi số sớm và thành công là nhiệm vụ cũng là giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tuyển than Cửa Ông và TKV. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ dài lâu mang tính chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu trong mọi mặt hoạt động của Công ty giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cùng với các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Công ty Tuyển than Cửa Ông đang phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ, truyền thống đơn vị anh hùng; tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao, phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 vào sản xuất, quản lý điều hành nhằm nâng cao năng suất lao động, an toàn, giảm giá thành, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo hiệu quả SXKD chung và sự phát triển bền vững của TKV.


 Hệ thống băng tại cảng tiêu thụ than

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/ĐU, ngày 13/01/2022 của Đảng ủy TKV về việc thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, các Nghị quyết chuyên đề năm 2023 và giai đoạn 2020-2025. Những năm qua, Tuyển than Cửa Ông đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; chỉ đạo tái cấu trúc, đổi mới mô hình hoạt động, điều hành; ứng dụng hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0, công tác chuyển đổi số là tiền đề và có ý nghĩa quyết định; ứng dụng các công nghệ mới trong SXKD, quản lý điều hành; hoàn thiện hạ tầng mạng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các lĩnh vực quản lý; tập trung cải tạo công nghệ, đầu tư nhiều thiết bị mới để tăng năng suất lao động, giảm thiểu thời gian, chi phí và rủi ro mất an toàn lao động…

Từ nền tảng quy hoạch, kế hoạch tổ chức thực hiện, đến nay chuyển đổi số ở Tuyển than Cửa Ông đã chuyển từ nhận thức thành hành động. Hầu hết hoạt động chính của Công ty đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau. Cùng với đó, Công ty luôn quan tâm xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác chuyển đổi số. Các công trường, phân xưởng đã được kết nối mạng LAN đến văn phòng Công ty bằng đường cáp quang tốc độ cao và kết nối thẳng về máy chủ đặt tại văn phòng Công ty. Hệ thống máy chủ của Công ty hoạt động liên tục 24/24 giờ, là nơi lưu trữ cơ sở dữ liệu cho các phần mềm dùng chung như: Phần mềm công văn, kế toán, thống kê, vật tư, nhân sự, nhật lệnh,., các máy chủ được cài đặt phần mềm phòng chống virus và thực hiện sao lưu dữ liệu ra thiết bị lưu trữ ngoài định kỳ 2 lần/tuần. Phòng máy chủ có hệ thống lưu điện đủ lớn cho máy chủ hoạt động từ 6-10 giờ khi mất điện.

Trung tâm điều khiển tự động hoá Tuyển than 2

Ngoài ra, các trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai phần mềm luôn được Công ty quan tâm, trang bị đầy đủ và thường xuyên được bổ sung, nâng cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện công việc. Tính đến thời điềm hiện tại Công ty đã trang bị: 360 bộ máy vi tính; 45 máy tính xách tay; 165 máy máy in các loại; 19 máy nhận diện, số trang thiết bị trên đều là các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, đảm bảo đáp ứng cho việc triển khai thực hiện các phần mềm.

Tháng 3/2023, Công ty chính thức đưa phần mềm Nhật lệnh sản xuất vào áp dụng; Tháng 5/2023, Công ty đưa vào áp dụng phần mềm Quản lý nhân sự - Tiền lương với tồng giá trị là 2,2 tỷ đồng. Phần mềm này được liên thông với phần mềm Nhật lệnh sản xuất, với các cơ sớ dữ liệu như: Chấm công, báo ăn vv... đảm bảo công tác ATVSLĐ theo quy định, tiết kiệm nhiều thời gian, tiết kiệm số sách, tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, khoa học và nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ quản lý, lãnh đạo các phòng ban, đơn vị.


Hệ thống định vị toàn câu GPS cho các phương tiện vận tải để quản lý cung đường tự động

Duy trì quàn lý, vận hành hiệu quả hệ thống điều khiển tập trung thiết bị công nghệ trong dây chuyền đổ đống, bốc rót tiêu thụ than tại Phân xưởng Kho bến 2; hệ thống thiết bị dây chuyền công nghệ xử lý bùn nước tại Phân xưởng Lọc - Sấy than; hệ thống điều khiển thiết bị chuyến đá thải sau tuyển về mỏ tại khu vực ga cọc 6B tại Phân xưởng Vận tải. Sử dụng hiệu quả hệ thống định vị toàn cầu GPS cho các phương tiện vận tải để quản lý cung đường tự động...


Dây chuyền sản xuất than sạch

Công ty đã chỉ đạo vận hành và sử dụng có hiệu quả dự án Tự động hoá nhà máy Tuyển than 2 (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 90,2 tỷ đồng và được bàn giao đưa vào sử dụng vào 10/11/2022. Đây là một dự án quan trọng gồm 14 lưu trình sản xuất được điều khiển tập trung tại phòng trung tâm qua hệ thống PLC và tiến hành điều khiển, giám sát thông qua hệ thống SCADA trên máy tính, điều khiển từ xa, cảm biến, camera,...; qua đó giảm được 104 lao động trực tiếp sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình hoạt động.

Đặc biệt, năm 2023, Công ty đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng dự án tự động hoá, giám sát điều khiển các thông số kỹ thuật của hệ thống cung cấp, chuyển tải điện Trạm điện 35/6 KV; Dự án tận thu cám đá độ tro cao ở Phân xưởng Tuyển than 2 với tổng vốn đầu tư hơn 9,6 tỷ đồng hoàn thành và đã có hiệu quả lớn trong việc tận thu lại cám đá sau sàng tuyền tại nhà máy Tuyển than 2, qua đó nâng cao giá trị của sản phẩm sau sàng tuyển; Dự án cải tạo hệ thống cám sàng khô số 2 tại Phân xưởng Tuyển than 1 với mức đầu tư hơn 9,7 tỷ đồng; Dự án đã đưa vào một sàng cong đa dốc 450 tấn/giờ nhập khẩu Ba Lan thay thế cho 02 cụm sàng cũ đã tăng được hiệu quả trong việc khử cám trong than nguyên khai, than nhập khẩu trước khi đưa lên hệ thống tuyển. Tiếp bước hiệu quả của dự án giai đoạn 1, tháng 10/2023, Công ty đã tiếp tục triển khai và bàn giao vào sản xuất dự án cải tạo hệ thống cám sàng khô số 3 tại Phân xưởng Tuyển 1 với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng;…


Kiểm kết đánh giá hiệu quả dự án TĐH nhà máy Tuyển than 2

Đi đôi với việc ứng dụng THH, TĐH theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0 là mục tiêu ”Đưa công viên vào trong nhà máy”. Xác định rõ vấn đề môi trường cũng là sự sống còn của Công ty trong phát triển sản xuất, nên Công ty đã đặc biệt quan tâm thực hiện nhiều giải pháp: Trồng cây tạo cảnh quan môi trường, lắp đặt máy phun sương dập bụi; cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, tăng năng suất lao động, đảm bảo công tác an toàn, tiết kiệm tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường. Trong năm 2023, Công ty đã hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án thu hồi than rơi tại Phân xưởng Tuyến than 1 và Phân xưởng Tuyển than 2 vào tháng 9/2023 với tổng mức đầu tư là 10,9 tỷ đồng; dự án được chọn là một trong năm công trình được TKV chọn lựa đăng ký mục tiêu thi đua chào mừng kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; dự án có ý nghĩa rất lớn đối với Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV nói riêng và TKV nói chung về công tác bảo vệ môi trường trong mặt bằng sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, hướng đến tiêu chí “ Sáng - Xanh - Sạch” của TKV và thực hiện mục tiêu tiết kiệm chi phí từ việc thu hồi triệt để than và nước trong quá trình sản xuất.

Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, từ những quyết tâm cao của Ban lãnh đạo Công ty, thành quả của những dự án đầu tư ứng dụng THH, TĐH, chuyển đổi số mà Công ty thực hiện đã thổi một luồng sinh khí mới cho những người thợ nơi đây. Thay đổi diện mạo Công ty, tư duy, lề lối tác phong của người lao động. Đến nay, CBCNV luôn có đủ việc làm, thu nhập ổn định và tăng cao; bình quân tiền lương năm 2023 đạt và vượt trên 10 triệu đồng/người/tháng; sức khoẻ người lao động được chăm sóc tốt, điều kiện làm việc được cải thiện, các chế độ phúc lợi được quan tâm; chất lượng cuộc sống được nâng cao...

Trên nền tảng hạ tầng sẵn có và những thành tựu ban đầu của công cuộc chuyển đổi số, Tuyển than Cửa Ông phấn đấu đến năm 2025, nguồn nhân lực công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhiệm vụ triển khai chuyển đổi số, có 70% các quy trình nghiệp vụ và quy trình SXKD đạt số hóa; dây chuyền sản xuất được vận hành thông minh, đạt mức tự động hóa cao, có thể điều khiển và giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung; tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất lao động… xây dựng Công ty trở thành doanh nghiệp sổ vào năm 2030. Qua đó, khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Đặng Văn Khôi
 

Chia sẻ bài viết: