Trong những ngày này trên mọi miền tổ quốc đoàn viên công đoàn và người lao động đang hăng hái ra sức thi đua lao động sản xuất lập nhiều thành tích cao chào mừng Đại Hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Về dự Đại hội lần này tôi rất vinh dự và tự hào và vui mừng phấn khởi được thay mặt cho gần 95.000 đoàn viên công đoàn và gần 20.000 nữ CNVCLĐ ngành Than – Khoáng sản Việt Nam mang ý chí nguyện vọng của người lao động ngành Than đến Đại Hội.
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, với nhiều dấu ấn đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của giai cấp công nhân, sự đóng góp lớn lao của tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với người lao động và nhân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Có rất nhiều Chương trình lớn mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn chăm lo cho đoàn viên và người lao động tạo sức lan tỏa mạnh mẽ như chương trình “Tết sum vầy”, “ Tháng công nhân”, “ Mái ấm Công đoàn”, “Phúc lợi đoàn viên”, “ Vắc xin cho công nhân”, “ Một triệu sáng kiến vượt khó”, “Vinh quang Việt Nam”, “Doanh nghiêph vì Người lao động”… Đặc biệt là Chương trình hành động số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới’’. Trong nhiệm kỳ qua Ban chấp hành Tổng Liên đoàn ban hành nghiều Nghị quyết về xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, theo hướng tăng tỷ lệ kinh phí công đoàn cơ sở được sử dụng từ 70% lên 75% tổng thu kinh phí công đoàn, giảm dần tương ứng tại cấp trên cơ sơ, vượt trước 3 năm theo tinh thần Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ, tăng tỷ lệ đoàn phí công đoàn được sử dụng từ 60% lên 70% theo Quyết định 8108/QĐ-TLĐ, từ đó tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở có thêm nguồn lực tài chính chăm lo trực tiếp cho đoàn viên và người lao động.
Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đoàn viên, người lao động (NLĐ) ngành Than - Khoáng sản có nhiều kỳ vọng, tin tưởng Đại hội lần này sẽ tiếp tục đổi mới, phát huy trí tuệ, sáng suốt bầu chọn được Ban Chấp hành khoá mới đủ đức, đủ tài để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Công đoàn triển khai hiệu quả những vấn đề đã được thảo luận và đề ra tại Đại hội. Từ đó đưa Nghị quyết Đại hội đi vào thực tiễn cuộc sống, đưa phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn ngày càng phát triển.
Đoàn viên, người lao động TKV mong muốn tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên lao động; đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ có các cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp hơn, có chế độ đãi ngộ tốt hơn, cơ chế đặc thù cho NLĐ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt là với đối tượng thợ lò bởi hiện nay TKV đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng thợ lò làm việc cho các doanh nghiệp khai thác than hầm lò.
Về dự Đại hội tôi xin gửi gắm nguyện vọng của đoàn viên, người lao động TKV 03 kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Quốc Hội, TLĐ về vấn đề nhà ở, thuế thu nhập cá nhân, tuổi nghỉ hưu của thợ lò.
Đ/c Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn TKV phát biểu tại Chương trình Tư vấn cho NLĐ ngành Than mua Nhà ở xã hội
Thứ nhất: Về nhà ở
Ngành than là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, ngành đông công nhân lao động, công việc việc nặng nhọc, vất vả, do vậy đề nghị CP và QH có cơ chế đặc thù ưu tiên cho thợ mỏ và đối tượng cần thu hút của ngành than được mua nhà ở xã hội nhưng không tính vào thu nhập thấp. (Tiêu chí để mua được nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, vì mức lương của thợ mỏ nói chung đều cao hơn mức chuẩn trong quy định, thợ mỏ thuộc đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân nên không gọi là lao động khó khăn, nên bị từ chối hồ sơ mua nhà ở xã hội).
- Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban ngành trung ương, địa phương tạo điều kiện về cơ chế về quỹ đất, cơ chế về kinh phí đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho CN mỏ.
- Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép Công đoàn TKV được sử dụng kinh phí kết dư phối hợp cùng Cơ quan chuyên môn tổ chức, xây dựng hình thành các khu nhà ở lưu trú công nhân và cải tạo, nâng cấp các khu nhà ở tập thể công nhân hiện có nhưng đã xuống cấp.
Thứ hai: Về tuổi nghỉ hưu với đối tượng lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò.
Theo Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 thì đến năm 2028 thì lao động nam làm việc trong điều kiện bình thường sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62 và thời gian tham gia đóng BHXH để đủ điều kiện được hưởng lương hưu ở mức tối đa 75% là 35 năm.
Công việc nặng nhọc của công nhân khai thác hầm lò
Tại Điều 7, Nghị định 135/2020/NĐ- CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu của người làm việc khai thác than trong hầm lò giảm 10 tuổi so với tuổi quy định. Đây thực sự là một chính sách ưu việt và phù hợp với sức khỏe của thợ lò (Thực tế là thợ lò làm việc đến độ tuổi 50 là sức khỏe, xương khớp đã giảm sút đáng kể).Như vậy đến năm 2028 thì người làm việc khai thác than trong hầm lò sẽ được nghỉ hưu ở tuổi 52, tuy nhiên nếu thợ lò muốn được nghỉ ở tuổi 52 tuổi mà không bị trừ % tham gia BHXH thì phải đi làm từ năm 17 tuổi. Thực tế hiện nay số lao động làm việc khai thác than trong hầm lò của Tập đoàn nếu muốn được nghỉ hưu ở tuổi 52 thì đều không có cơ hội đạt được mức lương hưu tối đa 75% vì không đủ số năm tham gia BHXH theo quy định 35 năm (Từ năm 2022 trở đi 20 năm đầu = 45%; 15 năm x 2% = 30%, để đảm bảo có 35 năm đóng BHXH thì thợ lò phải đi làm từ năm 17 tuổi như vậy không đúng với thực tế vì còn chưa học xong PTTH).
Đề nghị Các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét về tuổi nghỉ hưu cũng như thời gian tham gia BHXH đối với người lao động làm việc khai thác trong hầm lò để vừa bảo đảm đúng pháp luật, vừa phù hợp với thực tiễn để thợ lò được hưởng lương lưu ở mức tối đa 75% khi nghỉ hưu ở tuổi 52, thời gian đóng bảo hiểm xã hội 30 năm.
Thứ ba: Về thuế thu nhập cá nhân của Thợ lò.
Theo quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 thì mức tính nộp thuế cá nhân là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ là 4,4 triệu đồng/tháng.
Mặc dù đây là mức đã được Quốc hội điều chỉnh tăng so với thời điểm trước, tuy nhiên ở thời điểm hiện nay chưa thực sự phù hợp, nhất là so với mức sống ở các đô thị lớn và các tỉnh phát triển như Quảng Ninh. Mặt khác theo quy định thì nhiều khoản chi thực tế, hợp lý và nhiều khoản phát sinh cần thiết của người nộp thuế chưa được liệt kê để giảm trừ thuế như chi phí khám, chữa bệnh, tiền vay ngân hàng để xây, sửa nhà…
Thợ lò phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, rủi ro cao, chật hẹp, ẩm ướt, thiếu ánh sáng, thiếu không khí; các nguy cơ sập lò, cháy nổ, bục nước, ngạt khí luôn rình rập... Thời gian qua, Tập đoàn luôn quan tâm đến chính sách tiền lương và xác định đây là yếu tố quan trọng để người lao động có điều kiện tái tạo sức lao động, hiện nay nhiều thợ lò đã có mức từ 1,0 đến 1,5 triệu đồng/công tương đương với thu nhập khoảng 20 đến 30 triệu/tháng và sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao, đặc biệt là những trường hợp không có đối tượng giảm trừ gia cảnh.
Đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các khoản chi thực tế, hợp lý mà người lao động phải chi phí để giảm trừ thuế, đồng thời có cơ chế đặc thù cho thợ lò, nâng mức tính thuế cá nhân cho thợ lò ít nhất 15 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh ít nhất 6 triệu đồng/tháng, để người lao động có điều kiện tốt hơn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, tái tạo sức lao động, có chi phí tốt hơn cho việc học hành của con cái và còn có thể có được một phần tích lũy cho bản thân.
Tôi tin tưởng nối tiếp thành công của Đại hội XII, với phương châm Đại hội XIII “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, đoàn viên công đoàn kỳ vọng Công đoàn Việt Nam sẽ đổi mới nội dung, phương thực hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tổ chức các hoạt động tập trung hướng về cơ sở được thể hiện cụ thể trong các nội dung nghị quyết, những mục tiêu đại hội đề ra. Người lao động cả nước kỳ vọng vào sự đổi mới, đột phá của hoạt động Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. Chúc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam thành công rự rỡ. Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ luôn hoàn thành tốt vai trò trách nhiệm của mình, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã đề ra, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, ngày càng phát triển bền vững./.
Nguyễn Thị Minh – PCT Công đoàn TKV