Công tác An toàn vệ sinh lao động

Than Mạo Khê: nâng cao nghiệp vụ công tác phòng chống than tự cháy

Ngày đăng: 25/11/2018

Ngày 18/11 vừa qua, Công ty than Mạo Khê đã tổ chức lớp học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác xử lý than tự cháy cho 120 đồng chí là cán bộ khối phòng ban kỹ thuật, cán bộ CHSX trong hầm lò.
Hiện nay, trong điều kiện khai thác than ngày càng xuống sâu, khả năng cháy nội sinh có chiều hướng gia tăng trong các đơn vị khai thác than của Tập đoàn. Với đặc điểm là đơn vị khai thác than hầm lò sản xuất trong điều kiện có khí nổ siêu hạng CH4, thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khí mỏ. Bên cạnh đó, ngày 21 tháng 10 năm 2018, Công ty đã xảy ra sự cố cháy nội sinh lần 2 tại diện sản xuất vỉa 10 TBII tầng -80/-25. Công ty đã chủ động dừng diện sản xuất này và kết hợp với Trung tâm CCM, Trung tâm an toàn mỏ thực hiện xây tường chắn cách ly tại các mức -150, -80, -25 để dập tắt đám cháy.
 
Trong quá trình học tập, các học viên đã được PGS, TS Diệp Chính Lượng – Trưởng phòng Kỹ thuật Phân viện Phòng chống cháy nổ, Viện nghiên cứu Trùng Khánh, Trung Quốc trực tiếp trao đổi các kỹ thuật cơ bản trong công tác phòng chống than tự cháy. Sau khi giới thiệu cho các học viên nắm được nguyên nhân của hiện tượng than tự cháy, giảng viên Diệp Chính Lượng đã tiến hành phân loại, đánh giá sự nguy hiểm các sự cố cháy trong các mỏ khai thác than hầm lò; phân tích một số lý luận nghiên cứu về than tự cháy; các phương pháp, kỹ thuật phòng chống than tự cháy; kinh nghiệm, kỹ thuật cơ bản phòng chống than tự cháy tại Trung Quốc; một số công trình nghiên cứu về phòng chống than tự cháy của Viện nghiên cứu Trùng Khánh...  Bằng kinh nghiệm của bản thân, sau khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu và trực tiếp thăm kiểm tra khu vực diễn ra cháy nội sinh tại vỉa 10 TBII (tầng -80/-25), PGS, TS Diệp Chính Lượng đã đề xuất các phương án xử lý than tự cháy tại mỏ than Mạo Khê: xác định việc khống chế phòng ngừa than tự cháy phải giải quyết được vấn đề cơ bản là ngăn chặn nguồn cấp ôxy cho phản ứng ôxy hóa; cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ sự thay đổi nồng độ của chất khí CO, C2H4 và C2H2 từ đó có đánh giá về bản chất, trạng thái của than tại khu vực tự cháy diễn ra như thế nào; tìm ra các điểm rò gió, giám sát việc thay đổi áp xuất phía sau và phía trước khu vực tường cách ly để từ đó xác định được hướng của dòng không khí tại khu vực cách ly, đồng thời thống nhất được điểm (vị trí) tiến hành khoan bơm khí Nitơ đạt hiệu quả cao nhất; từng bước thu hẹp khu vực cách ly, tiến dần vào khu vực bị cháy rồi bằng nhiều giải pháp để khống chế được đám cháy trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể, trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn góp phần cùng Công ty từng bước ổn định, tiết kiệm thời gian, chi phí cho quá trình lao động sản xuất./.
Phạm Cừ

Chia sẻ bài viết: