Thi đua lao động sản xuất

Mỏ lộ thiên hiện đại ở Việt Nam

Ngày đăng: 21/7/2020

Là khai trường khai thác than lộ thiên của Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin, một địa danh từng nổi tiếng ngay từ khi mới thành lập (tháng 8/1960) với phong trào thi đua phá kỷ lục từ mức vận chuyển 80 chuyến xe goòng/ca lên tới 300 chuyến/ca.

Thành tích này được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III vào tháng 9/1960. Khai trường nằm ở phía đông bắc thành phố Cẩm Phả, hiện tại có diện tích trên dưới 5,3km2. Theo thiết kế của các chuyên gia Liên Xô vào những năm của thập niên 70 thuộc thế kỉ trước, khai trường xuống sâu -120m (so với mực nước biển) với công suất 1,5 triệu tấn than/năm. Thế nhưng, theo dự án mở rộng của người Việt, cùng công nghệ khoa học hiện đại được áp dụng, năm 2005 khai trường đã xuống sâu -150m.


Moong than Cọc Sáu năm 2020 nhìn từ một góc (ảnh Đinh Thái Binh)

Những người thợ mỏ tại đây, họ chính thức là những người Việt Nam đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -150m trong lòng đất và nâng công suất khai thác mỏ lên 3 triệu tấn than/năm với một quy trình khai thác ngược. Hành trình của những người thợ mỏ Cọc Sáu đã mở ra một hành lang pháp lý cho công nghệ khai thác mỏ lộ thiên hiện đại ở Việt Nam.

Ngày 13/3/2005, họ đã tiến hành hoàn nguyên ở vị trí khai thác cũ. Hiện tại, đang thực hiện đề án xuống sâu -300m. Bằng những quy trình khai thác được đúc rút trong lao động sáng tạo, với các công nghệ của thời đại như máy khoan thuỷ lực DM-45LP, D45KS do Mỹ sản xuất với nhiều tính năng vượt trội; máy xúc EKG 10m3/gầu, máy xúc thủy lực KOMATSU PC-2000 dung tích 12m3/gầu; xe ô tô vận tải KOMATSU trọng tải 91 tấn, Caterpilar 777D trọng tải 96 tấn. Qua 13 mùa hạ moong từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2020, Cọc Sáu đã thực hiện tốt các phương án hạ moong, trung bình gần 18,5 mét sâu mỗi năm, đất đá bóc xúc từ trên 26 triệu m3 đến gần 43 triệu m3 một năm; than sản xuất 2,30 – 3,886 triệu tấn/năm.

Trải qua 60 năm (1960-2020) bằng công cuộc khai sơn phá thạch của mình, thợ mỏ Cọc Sáu đã tổ chức bóc xúc trên 703 triệu m3 đất đá, khai thác và tiêu thụ xấp xỉ 110 triệu tấn than các loại. Trong quá trình thành lập và phát triển, tập thể CNCB Công ty cũng như nhiều cá nhân đã được Đảng và Nhà nước trao và phong tặng nhiều phần thưởng cùng các danh hiệu cao quý, đặc biệt là danh hiệu: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhất. Hai cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là: Vũ Xuân Thủy, công nhân vận hành máy xúc và Lê Khắc Vừng, công nhân vận hành Ô tô! Cùng sáu chiến sĩ thi đua toàn quốc là: Vũ Đình Kiểm, Phạm Văn Hòa, Nguyễn Duy Viết, Trần Bá Quy, Lê Văn Bình, Vũ Văn Khẩn.

Ngoài ra, nơi đây cũng là chiếc nôi sản sinh nhiều tài năng trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật như Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, nhà văn Nguyễn Sơn Hà, Võ Khắc Nghiêm, Trần Đình Nhân, Văn Chư, Vũ Thảo Ngọc, Phạm Ngọc Sơn, Vũ Tư... Nghệ sỹ nhiếp ảnh: Khắc Đạm, Võ Cường; Điêu khắc - hội họa có Hoàng Dương Thanh, Nguyễn Tâm Nhâm, Ngô Minh Huân, Vũ Thế Hưng; âm nhạc Phạm Hữu Thắng… Và cũng trong lòng Mỏ này, tài xế máy xúc thủy lực bậc 7/7 Trần Văn Thọ đã dùng máy xúc thủy lực PC-1000, dung tích 4,7m3/gầu đào và bốc lên xe hòn than nặng 28 tấn, hiện vật đang trưng bày tại nhà bảo tảng tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2020, Công ty quyết tâm thực hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch năm là 28 triệu m3 khối đất bóc; sản xuất 2,915 triệu tấn than các loại và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phương án hạ moong năm 2019 - 2020 và đã chinh phục, đưa mặt bằng khai thác xuống độ sâu -290m. Kết quả này, có thể nói đã khẳng định được vị thế chinh phục đề án xuống sâu -300m so với mực nước biển bằng khai thác lộ thiên của thợ mỏ Cọc Sáu./.

Trần Đình Nhân

Chia sẻ bài viết: