Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin là mỏ khai thác than lộ thiên lớn và lâu đời bậc nhất đất nước, trực thuộc Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Cách chủ yếu lấy than những năm gần đây ở Cọc Sáu là mở rộng lòng moong và xuống sâu, tiến hành kết hợp bơm thoát nước moong và bóc lớp đất đá phía trên để thu hồi than trong lòng đất theo trình tự xác định.
Khai thác than tại Moong Cọc Sáu
Năm 2021, dự kiến moong Cọc Sáu sẽ xuống tới mức - 300m so mực nước biển. Giờ để lấy được than, người Cọc Sáu phải đối diện muôn vàn khó khăn bởi hệ số bóc, cung độ vận chuyển đất đá và độ sâu - cao - dài con đường đưa nước ra khỏi đáy moong năm sau luôn phá kỷ lục năm trước. Công đoạn thoát nước moong tưởng chừng âm thầm đó, hóa ra có nhiều điều để nói. Nó là một phần trong khối công việc đa dạng mà Phân xưởng Cơ điện ở Than Cọc Sáu đang đảm đương.
Những cung bậc thử thách người thợ.
Moong Cọc Sáu là một hố trũng khổng lồ luôn phải đón nước từ tứ bề trên cao chảy xuống, từ những cơn mưa, từ các mạch nước ngầm trong lòng đất. Còn nhớ trận mưa lũ lịch sử hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015 đã làm tê liệt mọi hoạt động sản xuất than, nước lòng moong dâng cao 50m, diện tích mặt tới 2,2 km2. Thiên nhiên giận dữ đã biến cảnh giới moong Cọc Sáu thành hồ nước mênh mông xanh biếc, có nét đẹp mê hoặc nhưng cũng tỷ lệ thuận với cung bậc thử thách dành cho những người làm công việc thoát nước moong. Lăn lộn 24/24h, vượt xiết bao gian nan, trong thời gian ngắn với vai trò rường cột, họ đã giúp Công ty khôi phục hoạt động toàn bộ hệ thống bơm moong, giải phóng 5,4 triệu m3 nước, để đại công trường khai thác đủ điều kiện bước vào chiến dịch Hạ moong lấy than.
Đó là khi trời mưa, còn khi trời nắng, có lẽ chưa đến, chưa hình dung được nắng ở moong mỏ. Nó chang chang, hừng hực, khiến da bỏng rát, nó làm xém mặt người, nó như thiêu như đốt, nó thực sự biến moong than thành chảo lửa… Ngày cao điểm nắng nóng và ngày khô hanh, các xe nước tưới đường chạy hết công suất, lượn qua lại như con thoi nhưng cứ ngơi chỗ này thì chỗ kia bụi lại bung mịt mù, ngột ngạt.
Chọn ngày mùa xuân đẹp nhất, tôi và một bạn trẻ thông tín viên Đài Cọc Sáu xuống đáy mỏ xem người Phân xưởng Cơ điện xử lý nước moong. Ban đầu yên tâm vì tiết trời ổn là vậy nhưng chỉ sau hai tiếng, chúng tôi bắt đầu thấy căng tức sống mũi và nặng đầu. Chênh lệch về áp suất, nhiệt độ khiến nụ cười hai đứa trở nên gượng gạo. Vậy nhưng do đặc thù nghề nghiệp, thợ xử lý nước moong không có cơ hội ngồi trên cabin thiết bị như tài xế vận hành máy khoan, xúc, gạt, ô tô. Họ hòa mình trực tiếp với mọi điều kiện dưới lòng moong để giải quyết công việc.
Đội hình nhà “Thần moong”
Ngắn gọn tên công việc chỉ là xử lý nước moong nhưng thực tế nó khá hóc và nhiều công đoạn, mảng, miếng. Đội hình ra quân của Phân xưởng Cơ điện theo đó gồm thợ ở đủ ngành nghề: điện, cơ xúc, hàn, nguội, vận hành bơm moong, tài xế xe cẩu, xe tải, đốc công dưới sự chỉ huy chung của anh Đào Văn Đoàn - Quản đốc, chỉ huy hỗ trợ đắc lực về nhân lực, vật lực, thiết bị của anh Phạm Hữu Phương - Phó quản đốc điều hành và chỉ huy trực tiếp của anh Nguyễn Quốc Tuấn - Phó quản đốc phụ trách bơm moong, người được đồng nghiệp quen gọi “Thần moong” vì kiềng nể về độ nhiệt tình lăn lộn và thích nghi với mọi khắc nghiệt nơi đáy mỏ. Thêm nữa, các công việc hiểm hóc về bơm moong qua anh điều hành và nỗ lực cùng thợ đều tinh tươm như được “phù phép”.
Phân xưởng Cơ điện lắp ráp, đấu nối hệ thống bơm và đường ống dẫn nước khu vực moong Cọc Sáu
Việc sản xuất ở Cọc Sáu trước nay diễn ra theo 3 ca mỗi ngày, một ca 8 tiếng. Nhưng với những CBCN Phân xưởng Cơ điện, nhiều giai đoạn để kịp phục vụ công tác lấy than, rồi vì khó khăn, phức tạp phát sinh, họ phá lệ thông ca, thêm giờ, tăng công thường xuyên. Chỉ mới thống kê khối công việc về bơm moong qua tay họ đã thấy khủng: Họ vừa làm tổng chỉ huy, vừa trực tiếp tham gia thi công mặt bằng đặt các tổ bơm ở những vị trí từ sâu nhất đến tầng nối tiếp, tầng trung gian…; vận chuyển, dán nối các tuyến ống nhựa khổng lồ Ø355 thành các đường ống dài rồi triển khai lắp đặt trên địa hình khó khăn như vách tầng cheo leo hay luồn qua lòng đất để đưa nước từ đáy mỏ đến điểm trung chuyển, điểm xả, chiều dài cộng lại hàng chục nghìn mét; đào và di chuyển mấy chục lượt hố bơm mỗi mùa hạ moong; lắp đặt các hệ thống bơm trực tiếp, nối tiếp ở những vị trí phù hợp; đấu nối cáp điện 6KV, 380/220V cho các hệ thống bơm hoạt động; thi công hệ thống tiếp địa an toàn cho các tổ bơm; thường trực sửa chữa, quản lý, vận hành các hệ thống bơm thoát nước moong 24/24h…
Làm lâu năm với bề dày kinh nghiệm đúc kết qua thời gian, sự trăn trở, tâm huyết đã khiến thợ bơm moong không ngừng nghiên cứu, tư duy ra nhiều sáng kiến, hiến kế khắc phục khó khăn, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả công việc. Một vài trong số đó như: Cải tiến ống dẫn nước mát tết của hệ thống bơm; gia công, chế tạo, kết cấu mới các dàn đèn trên nền đất và dưới nước tại trạm bơm nước moong; giải pháp khắc phục bục ống nhựa Ø355 dẫn nước moong ở vách tầng…
Không giải phóng được nước moong, không lấy được “vàng đen”. Dù vô vàn khó khăn nhưng Cọc Sáu nhiều năm qua luôn hoàn thành kế hoạch sản lượng than khai thác, đạt doanh thu và ổn định tiền lương cho người lao động. Trong kết quả chung cuộc đó, có đóng góp bền bỉ, trọng yếu của đội hình nhà “Thần moong” Phân xưởng Cơ điện. Không lộ diện ồn ào, họ được khâm phục bởi trách nhiệm, tay nghề và ý chí quả cảm trên mặt trận sản xuất than.
Nguyễn Thị Yên