Thực hiện chủ trương cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong quản lý và sản xuất của TKV, cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa trong công tác đào lò, khai thác than, các đơn vị sản xuất than hầm lò của TKV đã tập trung thực hiện cơ giới hóa (CGH), tự động hóa (TĐH) khâu vận chuyển người, vật tư, thiết bị trong hầm lò nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong SXKD.
Than Khe Chàm đầu tư lắp đặt nhiều hệ thống tời vận chuyển người trong hầm lò để cải thiện điều kiện đi lại cho công nhân
Trong sản xuất than hầm lò, việc đi lại của người công nhân cũng như vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ cho sản xuất và vận chuyển than, đất đá có vai trò quan trọng. Đây cũng là một trong những khâu quyết định đến hiệu quả SXKD của các đơn vị sản xuất hầm lò. Mô hình vận tải được thiết kế hiện đại, đồng bộ với công nghệ sản xuất sẽ giúp các mỏ nâng cao được năng lực sản xuất, đảm bảo công tác an toàn cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hiện nay, các mỏ hầm lò của TKV đang vận hành các mô hình vận tải phục vụ 3 nhiệm vụ chính là vận tải người, vật tư thiết bị phục vụ sản xuất và vận tải đất đá, than sau khai thác.
Hệ thống tàu điện chở người tại Công ty CP Than Hà Lầm
Trưởng Ban CV Đinh Hữu Quyết cho biết, công tác vận tải trong hầm lò của TKV đang sử dụng hiện nay có nhiều loại vận tải như vận tải than trong lò chợ có máng cào; vận tải than tại những đường lò dọc vỉa, xuyên vỉa có xe goòng, hệ thống băng tải; vận tải đất đá qua các giếng nghiêng lên mặt bằng dùng tời trục + goòng, giếng đứng dùng tời trục skip; vận chuyển người có tời trục + xe song loan, hệ thống monoray, tàu điện, tời cáp treo.., Xác định công tác vận tải có vai trò quan trọng để cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, nâng cao sản lượng, an toàn trong sản xuất, trong những năm qua, TKV đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất hầm lò không ngừng nghiên cứu đầu tư lắp đặt các hệ thống vận tải tiên tiến phù hợp với điều kiện sản xuất của từng đơn vị, tiếp tục hiện đại hóa công tác vận tải hầm lò. Số lượng thiết bị được đầu tư lắp đặt tăng hằng năm, tới thời điểm cuối năm 2021, tổng số thiết bị đã đầu tư lắp đặt là 2.138 bộ, trong đó thiết bị vận tải người là 194 bộ, thiết bị vận tải vật tư là 1.944 bộ.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn, đặc biệt là đầu tư các thiết bị vận chuyển người trong hầm lò, nếu như năm 2014, người lao động đi từ mặt bằng xuống lò còn nhiều nơi phải đi bộ qua lò giếng nghiêng, vận chuyển vật tư thiết bị qua thượng vận tải bằng thủ công, thì tới thời điểm năm 2021 những tồn tại trên đã được khắc phục. Cụ thể, người lao động không phải đi bộ từ mặt bằng xuống hầm lò, tại các vị trí giếng nghiêng, giếng đứng, người lao động đã được vận chuyển bằng các thiết bị như tời trục, monoray. Các thượng vận chuyển khu vực trong hầm lò đã lắp đặt các thiết bị tời hỗ trợ cho người đi bộ, những đường lò bằng người lao động được vận chuyển bằng xe song loan + tầu điện, người lao động không phải đi bộ đến vị trí làm việc với khoảng cách L> 500m. Hầu hết các đơn vị không để công nhân vận chuyển vật tư, thiết bị thủ công với cung độ L>30m.
Nhiều đơn vị sản xuất than hầm lò đã đầu tư hệ thống điều khiển tự động hóa các tuyến băng tải vận chuyển than trong lò
Cùng với đó, các đơn vị trong Tập đoàn đã đầu tư hệ thống điều khiển các tuyến băng tải trong lò như: Mạo Khê, Vàng Danh, Uông Bí, Nam Mẫu, Hà Lầm, Dương Huy, Khe Chàm, Hòn Gai, số lượng các tuyến băng tải đã tự động hóa là 283 bộ. Một số đơn vị đã đầu tư, lắp đặt hệ thống vận tải monoray để vận chuyển người, vật tư, thiết bị phục vụ CGH khai thác và đào lò như Vàng Danh, Núi Béo, Hà Lầm, Dương Huy, Thống Nhất, Quang Hanh, Mông Dương…, Trong công tác vận tải đường sắt, các đơn vị đã đầu tư trang bị hệ thống điều vận, giám sát, thông tin liên lạc và tự động hóa bẻ ghi…
Công ty CP Than Vàng Danh chế tạo thành công và lắp đặt các bộ điều khiển từ xa đóng/mở ghi đường sắt mang lại hiệu quả cao trong công tác vận tải hầm lò
Công ty CP Than Vàng Danh là đơn vị luôn chú trọng thực hiện CGH, TĐH trong công tác vận tải lò. Hiện nay, toàn bộ hệ thống vận tải băng tải chính trong lò đã được tự động hóa, các đơn vị CGH khai thác, đào lò đã được đầu tư hệ thống monoray, hệ thống vận tải đường sắt ở một số đơn vị đã được nâng cấp tự động hóa từng phần.
Trưởng phòng CV Công ty CP Than Vàng Danh Ngô Minh Tân cho biết, thực hiện CGH, TĐH công tác vận tải, Công ty hiện có trên 5km băng tải vận chuyển than từ lò chợ đến Nhà máy Tuyển than Vàng Danh 2 đã được điều khiển tự động hóa. Đối với vận chuyển bằng đường sắt, Công ty đang sử dụng phương tiện vận tải bằng tầu điện để vận chuyển người, than, đất đá, vật liệu bằng đường sắt trong hầm lò với tổng chiều dài trên 62km. Trên các tuyến đường có nhiều ga chứa, ga trung chuyển, nhiều lối rẽ phải lắp đặt với tổng số trên 420 bộ ghi các loại. Công ty đã nghiên cứu chế tạo thành công và lắp đặt các bộ điều khiển từ xa đóng/mở ghi đường sắt phòng nổ dùng trong hầm lò. Từ tháng 4/2020 đến nay, Công ty đã lắp đặt 190 bộ điều khiển ghi tự động trên các tuyến đường sắt chính, có cung độ dài. Dự kiến trong năm 2022 tiếp tục khảo sát và lắp đặt bổ sung cho các đường rẽ nhánh.
Phòng điều khiển trung tâm Hệ thống tự động hóa băng tải Khu giếng Cánh Gà Than Vàng Danh
Việc nghiên cứu chế tạo thành công bộ điều khiển từ xa đóng/mở ghi đường sắt đã mang lại hiệu quả cao, công nhân lái tàu chỉ việc điều khiển từ xa, không phải dừng tàu để xuống bẻ ghi thủ công. Do đó, giảm nguy cơ mất an toàn khi vận hành thiết bị vận tải đường sắt trong hầm lò, cải thiện điều kiện làm việc, giảm chu kỳ chạy tàu, tăng năng suất vận tải đường sắt trong hầm lò. Mặt khác, còn tiết kiệm năng lượng điện ắc quy tàu điện, nâng cao thời gian phục vụ của đầu tàu trong ca, giảm chi phí sửa chữa thiết bị và tạo tiền đề cho thực hiện TĐH khâu điều vận tàu điện trong hầm lò. Từ việc áp dụng thành công và mang lại hiệu quả ở Than Vàng Danh, đến nay các đơn vị như Than Uông Bí, Mạo Khê, Nam Mẫu, Quang Hanh, Mông Dương… đã áp dụng tại đơn vị.
Theo Trưởng Ban CV Đinh Hữu Quyết, năm 2022 và những năm tiếp theo, TKV tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng công nghệ vận tải phù hợp với từng đơn vị, nhân rộng tự động hóa hệ thống vận tải đường sắt hầm lò. Đồng thời, rà soát các vị trí có điều kiện phù hợp để đầu tư CGH, TĐH phương tiện, thiết bị vận chuyển người, vật tư, vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại cho công nhân. Đây cũng là một trong những giải pháp giữ chân thợ lò, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Truyền thông TKV