Công tác Tuyên truyền

Phát huy tốt “tai mắt” của cấp ủy Đảng trong đội ngũ thợ mỏ

Ngày đăng: 14/9/2022

Tăng cường công tác giám sát trong Đảng, đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đảm bảo được quyền làm chủ của nhân dân. Dù là trên những tầng than hay dưới mỗi gương lò, thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản luôn là “tai mắt”của cấp ủy đảng, phát huy quyền giám sát, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu vì sự vững mạnh của tổ chức đảng.

Cụ thể hóa quyền làm chủ của người lao động

Để có hệ thống chính trị vững mạnh, đủ sức thực hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực, ngoài đổi mới, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng về chính trị, đạo đức, nâng cao chất lượng đảng viên… thì công tác giám sát lại khẳng định ở tầm quan trọng đặc biệt. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hệ thống văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Theo đó, Đảng ủy Than Quảng Ninh cũng đã có Công văn số 1013 ngày 07/5/2015 về việc triển khai giám sát, phản biện năm 2015 đến các chi, đảng bộ cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Than Quảng Ninh, Đảng ủy Công ty CP Than Mông Dương đã ban hành các văn bản cụ thể để triển khai trong cấp ủy và cơ quan chuyên môn, xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ban hành Quyết định về quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, cơ quan chuyên môn với đoàn thể quần chúng và các cá nhân trong đơn vị; Quy định về trách nhiệm của cấp ủy đảng, cơ quan chuyên môn trong việc tiếp thu, góp ý của các đoàn thể quần chúng, cá nhân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Công ty; Quy chế đối thoại định kỳ, quy chế dân chủ, nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể Công ty. Chỉ đạo Công đoàn Công ty ban hành quyết định về quy chế tiếp đoàn viên và người lao động, duy trì tiếp đoàn viên hàng ngày tại văn phòng Công đoàn từ 13h00 đến 16h30 thứ 6 của tuần 2 và tuần 4 hàng tháng…

Trên cơ sở những nội dung đã được thông báo công khai dưới nhiều hình thức, người lao động được tham gia ý kiến bằng văn bản, biểu quyết tại hội nghị người lao động, trong những cuộc họp triển khai sản xuất của phòng, ban, tổ, đội sản xuất hoặc thông qua tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Nữ công… Đại diện các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh thường xuyên góp ý vào dự thảo báo cáo thực hiện quý, năm và phương hướng nhiệm vụ thời gian tiếp theo.

Thông qua hoạt động đóng góp ý kiến, người lao động đã dần ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của bản thân mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở Công ty, các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Những ý kiến tham gia của người lao động, nhất là những biện pháp, sáng kiến nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động và những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động được Ban lãnh đạo Công ty ủng hộ cao, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Thay đổi cách thức sinh hoạt góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Than Mông Dương

Nhờ có sự phản biện từ các cá nhân và tổ chức đoàn thể, Đảng ủy Công ty đã có sự điều chỉnh, chỉ đạo thực hiện cho phù hợp. Tiêu biểu như việc sinh hoạt chi bộ. Trước đây, với sự thuận lợi là các đồng chí lãnh đạo phân xưởng đều là đảng viên nên giảm bớt được thời gian họp, để phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế, các chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chi bộ lồng ghép với sinh hoạt chuyên môn, hoặc giao ca nhật lệnh. Tuy nhiên, theo phản ánh về nội dung họp chỉ tập trung vào sản xuất, ít đề cập đến công tác đảng, đoàn thể nên từ năm 2018, Đảng ủy Công ty đã ban hành văn bản chỉ đạo số 676-CV/ĐU ngày 15/01/2018 hướng dẫn một số nghiệp vụ công tác đảng về tổ chức sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, ghi sổ nghị quyết, sổ hội ý cấp ủy, đồng thời yêu cầu các chi bộ đăng ký lịch sinh hoạt chi bộ riêng, không lồng ghép vào sinh hoạt chuyên môn, cử các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách xuống dự và chỉ đạo, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ.

“Cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải được đẩy mạnh, kỷ luật nghiêm minh… Đặc biệt, không chỉ cơ quan chức năng làm, mà quần chúng cùng làm, thế mới là thành công…”.


Chi bộ Phòng KCM thường xuyên cập nhật tiến độ thi công của đơn vị để hộ chiếu khoan nổ mìn phù hợp.

Phát huy vai trò giám sát của người lao động, ở Than Mông Dương đã có nhiều công trình, sáng kiến áp dụng vào sản xuất, làm lợi từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như giải pháp “Huy động diện, mở vỉa khai thác các khu vực để quản trị công nghệ nhằm kiểm soát, quản lý độ tro than nguyên khai bình quân hầm lò”. Đảng viên Nguyễn Trung Phong, Kỹ sư thuộc Chi bộ Kỹ thuật - Công nghệ mỏ, cho biết: “Xuất phát từ quan sát thực tế trong quá trình khai thác, đào lò, phát hiện tỷ lệ đá lẫn trong than nguyên khai cao, gây ảnh hưởng đến chất lượng than nguyên khai khai thác và tăng chi phí vận tải, chúng tôi đã phối hợp với các phòng ban chức năng liên quan theo dõi, cập nhật tiến độ thi công của đơn vị để có hộ chiếu khoan nổ mìn phù hợp; điều chỉnh chiều cao khấu đối từng vị trí vỉa than, đào hệ thống lò tránh giảm tỷ lệ cắt đá; tính toán các tiết diện phù hợp đáp ứng được yêu cầu sản xuất… Do đó, trong quý I/2022, độ tro bình quân than nguyên khai hầm lò giảm 0,771% so với kế hoạch”. Giải pháp mà Chi bộ Kỹ thuật - Công nghệ mỏ áp dụng đã đem lại giá trị làm lợi gần 1 tỷ 570 triệu đồng.

Đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, đồng thời tiếp thu, lắng nghe tiếng nói của người lao động, Ban Lãnh đạo Công ty luôn kịp thời nắm bắt, kiểm tra và xây dựng phương án khắc phục những tồn tại, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn cử như đầu tháng 8/2022, sau khi nắm bắt phản ánh của cán bộ công nhân lao động Phân xưởng Khai thác 1 về quá trình khai thác khó khăn về địa chất, vỉa dốc, vỉa lõm, đứt gãy, không đảm bảo các điều kiện về mặt an toàn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Hoàng Trọng Hiệp đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá lại hệ thống lò để tránh những điều kiện địa chất bất lợi. Cùng với đó giao các phòng ban chuyên môn khẩn trương lập các giải pháp bổ sung để đào lò tránh thượng khai thác khi gặp đứt gãy. Như vậy, thông qua giám sát của người lao động đã trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Ban Lãnh đạo đơn vị xem xét các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành sản xuất.

Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Công ty CP than Mông Dương Hoàng Trọng Hiệp (ngồi giữa)  kiểm tra thực tế hiện trường sản xuất Phân xưởng Khai thác 1

Trong Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" đã khẳng định: "Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân... Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.

Công tác kiểm tra, giám sát khi có sự quyết liệt từ cơ chế, người đứng đầu các cấp đến sự vào cuộc sâu sát của quần chúng nhân dân sẽ mang đến kết quả cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, của tỉnh nói riêng, cũng như góp phần xây dựng sự nghiệp của đất nước, của Đảng. Phát hiện kịp thời những sai phạm trên các lĩnh vực, kể cả cán bộ, đảng viên để ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe, không để vi phạm. Đó là mong muốn lớn nhất của các cấp ủy đảng và quần chúng nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát.

Tạo cơ chế để người lao động được giám sát

Trong 12 điều căn cốt xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng...”. Nhằm phát huy tinh thần dân chủ, vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, người lao động thì một trong những giải pháp quan trọng chính là các cấp ủy đảng, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự lắng nghe quần chúng thông qua việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người lao động, nhất là về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.


Đường dây nóng (hotline) và mã QR truy cập Zalo OA tiếp nhận ý kiến CBCNV Than Mông Dương.

Từ tháng 4 năm 2022, Công ty CP Than Mông Dương đã ban hành Quyết định số 888 quy định về tiếp nhận và xử lý góp ý, phản ảnh, kiến nghị của CBCNV qua số hotline 0789.229.229 và trang Zalo Official “Than Mông Dương – Tiếp nhận ý kiến CBCNV”, hoạt động liên tục 24 giờ /7ngày.

Cùng với việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất, đây là kênh tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người lao động. Các nội dung kiến nghị được chuyển đến các phòng chuyên môn và lãnh đạo Công ty phụ trách lĩnh vực xác minh, làm rõ, từ đó kịp thời trả lời, giải đáp thỏa đáng. Chính từ việc luôn lắng nghe, giải quyết những băn khoăn, bức xúc của thợ mỏ đã góp phần tạo mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa người lao động với Công ty, với cán bộ, đảng viên nói riêng. Nhờ làm tốt công tác này, trong những năm qua, tình hình tư tưởng cán bộ công nhân viên trong Công ty luôn được giữ vững, không có đơn thư, khiếu nại, tố cáo.

Để phát huy hơn nữa vai trò giám sát của thợ mỏ - của người lao động, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quy định 217, 218, các đoàn thể chính trị - xã hội cần xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình; tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến góp ý xây dựng Đảng theo Quyết định số 218-QĐ/TW; phối hợp với cấp ủy đảng, đơn vị tổ chức đối thoại theo định kỳ hằng năm giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, đơn vị cùng cấp với người lao động.

Đồng thời, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần tiếp tục xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội và quy định cụ thể của tổ chức, đoàn thể mình tham gia góp ý xây dựng Đảng; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Quy định 217, 218, từ đó chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, đảm bảo việc thực hiện có tính thống nhất, thường xuyên, liên tục… Tất cả nhằm tạo điều kiện cho người lao động bày tỏ ý kiến đối với những quyết định lớn, tham gia công việc của Đảng và công khai các chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên và người lao động giám sát, kiểm tra; đặc biệt khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên và người lao động tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Điều đó cũng là hiện thực hóa chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Xuân Thủy – Nguyễn Diệp

Chia sẻ bài viết: