Văn hóa Việt Nam luôn tôn vinh những giá trị truyền thống, giá trị của gia đình. Gia đình thường được xem là một tế bào không thể thiếu của xã hội, là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nên những con người có nhân cách tốt đẹp, tài năng cống hiến cho đất nước.
Chính thức từ năm 2001, ngày 28/6 hằng năm được Chính phủ chọn là Ngày Gia đình Việt Nam, là ngày cả nước cùng hướng về Gia đình, các tổ chức, cơ quan ban ngành tăng cường đẩy mạnh, khuyến khích công tác bảo vệ, giữ gìn hạnh phúc gia đình, bảo vệ và giáo dục trẻ em, và cũng là ngày tôn vinh những gia đình hạnh phúc tiêu biểu.
Chị Hoàng Thị Hương (ngồi giữa) tham gia giao lưu tại Chương trình Tọa đàm
Ở Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu – Vinacomin có một gia đình tiêu biểu trong số nhiều gia đình thợ mỏ của Tập đoàn TKV được vinh danh trong buổi toạ đàm “Vai trò của Nữ công nhân viên chức lao động trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống gia đình Việt Nam”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 26/6/2023 vừa qua.
Chị Hoàng Thị Hương và anh Nguyễn Đại Phong, cùng sinh năm 1970, là cặp vợ chồng đều công tác tại Công ty Cổ Phần Than Cọc Sáu – Vinacomin. Nhìn họ bình dị như bao cặp vợ chồng công tác trong ngành Than, nhưng đến Tổ dân Số 35, khu III, phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh nơi gia đình anh chị sinh sống, ai cũng biết đến và dành cho gia đình anh chị những lời đánh giá thiện cảm. Lý do đơn giản vì gia đình anh chị nhiều lần được vinh danh gia đình văn hoá, gia đình tiêu biểu. Mấy chục năm sống tại đây, hàng xóm nhận xét chỉ thấy gia đình anh chị là một đại gia đình hạnh phúc như, họ luôn quan tâm lẫn nhau, mỗi thành viên đều hoàn thành tốt trách nhiệm với gia đình, đều biết cách tự chăm sóc và giữ gìn hình ảnh của bản thân, của gia đình mình với cộng đồng, luôn có sự tôn trọng và bình đẳng trong gia đình, kinh tế ổn định, các thành viên gia đình sống gắn kết và sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn…
Các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn TKV và Công đoàn Than Cọc Sáu tới thăm gia đình chị Hương - Gia đình 4 thế hệ cùng chung sống
Một điểm cộng xứng đáng nữa để vinh danh đó là gia đình anh chị hiện có bốn thế hệ nối tiếp nhau công tác trong ngành Than cùng chung sống. Đứng đầu là bố mẹ đẻ anh Phong, tiếp đến là thế hệ anh Phong, chị Hương, rồi đến các con của anh chị. Nay chúng lập gia đình và cũng đã có con cái. Tổng số thành viên trong đại gia đình thợ mỏ ấy hiện giờ là bảy người.
Hầu hết những câu chuyện họ nói với nhau hàng ngày, nói với bạn bè, khách khứa đều xoay quanh về nghề mỏ. Những thăng trầm của ngành Than, của Công ty Than Cọc Sáu mà họ đang công tác, gắn bó và in sâu trong mỗi người. Họ luôn cảm thấy gia đình mình là gia đình bé trong gia đình lớn là Công ty Than Cọc Sáu, và lớn hơn là đại gia đình Tập đoàn TKV. Họ tâm niệm, mỗi gia đình bé mà luôn ổn định, hạnh phúc thì gia đình lớn, rồi đại gia đình cũng ổn định. Giữ lửa cho gia đình bé là góp phần giữ nhiệt, giữ năng lượng cho gia đình lớn.
Ngày 26/6/2023, chị Hương đi thủ đô dự buổi toạ đàm “Vai trò của Nữ công nhân viên chức lao động trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống gia đình Việt Nam”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Ấn tượng ban đầu khi tiếp xúc là chị ăn nói nhẹ nhàng, khuôn mặt dù chịu ảnh hưởng của thời gian, tuổi tác nhưng không che dấu được nét đoan trang, nhân hậu. Chị không phải là người hay nói. Hỏi về gia đình, chị bảo chị may mắn được sống ở nơi có bố mẹ chồng luôn đồng hành, lo lắng, hỗ trợ con cháu; có chồng luôn sát cánh cùng chị chăm lo, nuôi dạy con cái tốt và xây dựng tổ ấm trong cuộc sống; có những đứa con hiểu chuyện, biết nghe lời và dần trưởng thành chững chạc hơn theo năm tháng; có những đứa cháu ngoan ngoãn, đáng yêu. Hỏi bí quyết giữ lửa trong vai trò một nàng dâu, chị vắn tắt mấy câu giản dị là tôn trọng, kính yêu bố mẹ và chồng; chăm lo, yêu thương con cái và gia đình; sẵn sàng lùi bước lắng nghe, nhường nhịn nếu chớm thấy dấu hiệu “cơm sôi”.
Ghé nhà chị Hương, chúng tôi cảm nhận được không khí ấm cúng ngay từ ban đầu. Bố mẹ chồng chị Hương nói về con dâu rất trìu mến, rằng “Hương thế này”, “Hương thế kia”… Tóm lại ông bà coi chị là “dâu hiền” bởi nhiều tiêu chuẩn như, đảm đang, chu toàn việc nhà; biết lắng nghe, tôn trọng, ủng hộ ý kiến bố mẹ; cư xử khéo léo để trong ấm ngoài êm; được lòng họ hàng nội ngoại hai bên và hàng xóm v.v…
Gia đình anh chị Hương - Phong cùng các con và cháu
Chồng chị Hương thì nhận xét vợ đằm tính, bao nhiêu năm sống cùng nhau chị khiến anh rất tin tưởng trong mọi việc làm. Những đứa con của chị Hương giờ cũng đã thành thợ mỏ trẻ ngành Than. Nói về mẹ mình, họ bảo kính trọng và nể phục mẹ vì từ khi biết nhìn nhận cuộc sống, luôn thấy mẹ là người dậy sớm nhất nhà lo ăn uống chu toàn cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa tinh tươm mới đi làm. Mẹ là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tần tảo, hết mình vì gia đình và chồng con trong mắt họ.
Chị Hương và gia đình của chị đã để lại ấn tượng đẹp với chúng tôi. Những suy nghĩ, lời nói, cách họ đối xử với nhau cho thấy họ thực sự coi “Gia đình luôn là số Một, gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu chưa bao giờ kết thúc, gia đình là chốn bình yên, là điểm tựa vững chắc nhất, để mỗi thợ mỏ như họ yên tâm công tác”. Chị Hương, một người vợ đảm, người con dâu hiếu thảo, người “giữ lửa” đáng tin cậy của gia đình đã không chỉ truyền cảm hứng cho những người ruột thịt thân yêu của chị, mà còn cả những ai biết đến đại gia đình bốn thế hệ thợ mỏ cùng công tác trong ngành Than ấy./.
Minh Hoà – Nguyễn Yên