Đời sống - Xã hội

Để người lao động yên tâm cống hiến

Ngày đăng: 5/8/2024

Xuất phát từ điều kiện làm việc đặc thù của những người thợ mỏ, trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã không ngừng nghiên cứu, đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo phúc lợi, qua đó giúp thu hút và giữ chân thợ mỏ.
Nhà nghĩ dưỡng thợ lò sau ca của Công ty Than Mạo Khê - nơi thợ lò được cung cấp nước mát và trái cây miễn phí sau ca làm việc
Nhà nghĩ dưỡng thợ lò sau ca của Công ty Than Mạo Khê - nơi thợ lò được cung cấp nước mát và trái cây miễn phí sau ca làm việc.

Với điều kiện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa, nên Công ty Than Mạo Khê luôn xác định việc tăng cường đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho thợ mỏ. Trong đó, Công ty đã và đang tăng cường đầu tư các hệ thống chống giữ lò hiện đại, tiên tiến; triển khai đưa xe khoan vào các lò dọc vỉa; áp dụng các tấm cược chắn thủy lực để điều tiết dòng than; lắp đặt các cửa gió thủy lực để thuận lợi cho việc vận tải trong lò, đồng thời duy trì tốt hệ thống thông gió, thoát nước, đo khí.

Trở về an toàn sau một ca làm việc, những người thợ mỏ tiếp tục được Công ty chăm sóc chu đáo từ sức khỏe tới tinh thần. Những bữa ăn ca thường xuyên được thay đổi món, nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho thợ mỏ; nhà nghỉ dưỡng thợ lò sau ca với đồ ăn, thức uống sẵn sàng phục vụ miễn phí cho thợ mỏ. Điều kiện về nơi ở cũng được Than Mạo Khê luôn quan tâm, đặc biệt Công ty luôn lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người lao động.

Anh Nguyễn Đình Chiểu, Phân xưởng Khai thác 4, Công ty Than Mạo Khê, cho biết: Xuất phát từ những nhu cầu thiết yếu nhất của người lao động, lãnh đạo Công ty Than Mạo Khê đã luôn trăn trở, tìm giải pháp để chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống sinh hoạt cho thợ mỏ. Nhờ đó đã giúp anh em thợ mỏ yên tâm lao động sản xuất, nỗ lực lao động, đóng góp vào sự phát triển của công ty nói riêng và ngành than nói chung.

Hiện nay, phần lớn số lao động ngành than là người ngoài tỉnh, do đó vấn đề về nhà ở cho người lao động được ngành Than và tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Trong 10 năm qua, TKV và các đơn vị thành viên đã đầu tư 30 dự án nhà ở tập thể với hơn 2.700 căn hộ dành cho công nhân, người lao động.

Khu nhà tập thể 314, Công ty CP Than Vàng Danh cung cấp các thiết bị thể dục miễn phí cho công nhân.
Khu nhà tập thể 314, Công ty CP Than Vàng Danh cung cấp các thiết bị thể dục miễn phí cho công nhân.

Khu tập thể công nhân 314, Công ty CP Than Vàng Danh được coi là mô hình chung cư kiểu mẫu của ngành Than với quy mô 132 phòng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 500 công nhân. Khu tập thể công nhân 314 được trang bị đầy đủ thiết bị sinh hoạt hiện đại, tiện ích như: Thang máy phục vụ đi lại, wi-fi, căng tin, phòng tập thể thao trong nhà, phòng hát karaoke, khu thể thao ngoài trời, bể bơi bốn mùa, khuôn viên, tiểu cảnh, vườn cây...

Anh Nguyễn Văn Sơn, Phân xưởng K12, Công ty CP Than Vàng Danh, cho biết: Bản thân trước đây ở trọ bên ngoài, điều kiện ăn ở rất khó khăn. Nhưng từ khi vào ở trong khu tập thể 314 với những điều kiện sinh hoạt đầy đủ, thậm chí có những điều kiện còn tốt hơn ở nhà, đã giúp anh em thợ mỏ yên tâm lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của Công ty.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thợ mỏ, tuy nhiên để người lao động “an cư - lạc nghiệp”, thì vấn đề về nhà ở cho gia đình công nhân đang là yêu cầu cấp thiết, được tỉnh và ngành than thúc đẩy triển khai.

Ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: TKV và tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực thúc đẩy việc triển khai các dự án nhà ở công nhân ngành than, trong đó có “Làng công nhân mỏ” nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu nhà ở cho hộ gia đình thợ lò, tạo điều kiện cho thợ lò công tác lâu dài, thu hút được lực lượng lao động cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của TKV nói riêng và Quảng Ninh nói chung, nhất là trong điều kiện sản xuất và huy động lực lượng của ngành Than đang ngày càng khó khăn. Hiện, ngành Than có gần 90.000 công nhân lao động, tập trung chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

CTV: Quốc Thắng (baoquangninh.vn)
 

Chia sẻ bài viết: