Tin tức

Xin đừng tăng tuổi hưu với công nhân

Ngày đăng: 25/5/2019

Đã có khá nhiều ý kiến trái chiều quanh dự thảo tăng tuổi hưu. Bởi lẽ nếu đi sâu vào đời sống của người lao động, nhất là công nhân, bạn sẽ thấy có nhiều bất cập. Ban Biên tập Cổng thông tin Công đoàn Việt Nam giới thiệu góc nhìn của một kỹ sư về giới công nhân đăng trên tuoitre.vn
Bán sức khỏe kiếm cơm

Là một nước đang phát triển nên ở các đô thị lớn, khu công nghiệp thu hút rất nhiều thành phần lao động tay chân. Tôi muốn nhắc đến công nhân nhập cư theo dòng chảy việc làm không qua chuyên môn, trường lớp, chưa được đào tạo bài bản về tay nghề, khả năng lao động chủ yếu là sức khỏe.

Ở khía cạnh khác, những công nhân này trở thành người nghèo nơi đô thị, nghèo vốn sống, nghèo trình độ đào tạo để đi làm, thiếu khả năng ứng phó với tình huống rủi ro trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người.

Là kỹ sư cầu đường, tôi tiếp xúc với nhiều công nhân nên bản thân cảm nhận được những ưu tư về sự bấp bênh của công việc trong từng lời nói ở họ. Có lần một nam công nhân chuyên nghề khoan bêtông tâm sự với tôi rằng: “Nghề này không cần bằng cấp, chỉ cần sức khỏe. Nếu đến chừng 57 tuổi thì phải xin làm việc khác hoặc nghỉ việc thôi”.

Tương tự, nhiều nữ công nhân làm những công việc nặng nhọc như phụ hồ hay khiêng vác gạch, đá, sắt, thép… Qua tìm hiểu tôi được biết phần lớn các nữ công nhân gắn bó với nghề tối đa chỉ đến 52 tuổi, bởi sức khỏe không cho phép.

Dù trực tiếp làm ra sản phẩm, của cải vật chất cho xã hội, nhưng vị trí trong đời sống và hưởng lợi từ thành quả lao động thì với người công nhân còn rất khiêm tốn. Thậm chí, xem công việc như bán sức khỏe kiếm tiền… trang trải cuộc sống. Đến khi không còn đủ sức khỏe thì quay về quê tiếp tục làm nông hoặc chuyển sang một nghề khác nhẹ nhàng hơn như bán hàng rong.

Hãy lắng nghe tâm tư người lao động

Theo tôi, về mặt tích cực, tăng tuổi hưu là có thêm thu nhập lương hưu nhờ kéo dài thời gian đóng BHXH, hạn chế rào cản đối với phụ nữ tham gia và giữ các vị trí quan trọng trong công tác mà nhất là khu vực công.

Nhưng về mặt tiêu cực, khó cho lao động một số ngành nghề làm việc trực tiếp đòi hỏi sức khỏe như xây dựng, cơ khí, sản xuất, may mặc, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử.

Dự thảo Bộ luật lao động tuy cũng đề cập tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình, chỉ áp dụng với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường, người làm việc trong điều kiện bị suy giảm khả năng lao động từ 61% hay làm công việc đặc biệt nặng nhọc hoặc độc hại vẫn có thể nghỉ hưu trước 5 tuổi như hiện nay.

Tuy nhiên, nội dung quy định này không rõ nên có không ít ý kiến băn khoăn từ phía người lao động, nhất là công nhân và những người làm công việc nặng nhọc.

Thật sự, không có giải pháp nào đáp ứng hết tất cả mọi người, nhưng cấp thẩm quyền cũng cần cân nhắc sao cho khi chính sách được thông qua áp dụng phù hợp với số đông người lao động.

Theo tôi, một số lĩnh vực có thể phù hợp cho việc nâng tuổi nghỉ hưu như nghiên cứu khoa học, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, cán bộ lãnh đạo quản lý nhà nước có năng lực thật sự và đủ sức khỏe với nguyện vọng tiếp tục công tác, các chuyên gia cao cấp còn năng lực cống hiến. 

Trên thực tế, hiện bộ máy nhà nước đang dư thừa nhân sự. Vậy nên, nếu tăng tuổi nghỉ hưu đại trà sẽ càng làm phình to bộ máy, duy trì lượng lớn nhân sự kém hiệu quả, ảnh hưởng thị trường lao động trong khi tổng việc làm lại không tăng, nên số người ở lại sẽ lấp chỗ người chưa có việc làm.

Thống kê cho thấy nước ta mỗi năm có tới 220.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp, không có việc làm.

Tăng tuổi nghỉ hưu hẳn sẽ ảnh hưởng đến những lao động làm việc trực tiếp như công nhân. Bởi sức khỏe công nhân lúc này không đáp ứng yêu cầu công việc nên không thể bám trụ, không loạt trừ doanh nghiệp sử dụng lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, sa thải người lao động lớn tuổi để tuyển dụng người trẻ, khỏe hơn, đây là một thực tế phổ biến hiện nay ở nhiều doanh nghiệp.

Chính vì thế, nên chăng có thể quy định độ tuổi nghỉ hưu theo tính chất công việc. Những công việc nặng nhọc có thể nghỉ hưu theo nguyện vọng, nữ công nhân từ 50 - 55 tuổi, nam công nhân 55 - 60 tuổi. 

Tôi mong sao những người làm luật hãy đi sâu vào thực tế đời sống công nhân để nghe thấy những tâm tư và trăn trở. Với đề xuất tăng tuổi hưu mới đây theo dự thảo, những công việc vất vả nặng nhọc như công nhân sẽ khó đáp ứng, cần cho công nhân quyền được lựa chọn. 
Nguồn: congdoan.vn

Chia sẻ bài viết: