Công tác Tuyên truyền

Những di tích lịch sử về ngày Giải phóng khu mỏ

Ngày đăng: 26/4/2021

Ở Hạ Long và Cẩm Phả hiện nay còn nhiều di tích liên quan đến sự kiện ta tiếp quản Vùng mỏ năm 1955. Đó là những di sản vật thể vô cùng quý giá, những chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng trong lịch sử tỉnh Quảng Ninh.

Tại Hạ Long, hiện còn cổng vòm kiên cố và trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (gọi tắt tiếng Pháp là SFCT). Sau đó, nơi đây được chọn làm cổng trụ sở của Xí nghiệp Quốc doanh than Hòn Gai năm 1955, tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày nay. Đây là chứng nhân của niềm vui chiến thắng của dân tộc thoát khỏi ách nô lệ 80 năm của thực dân Pháp, là chứng nhân của lịch sử ngành Than ở Vùng mỏ. 
 
Căn biệt thự của người Pháp xây dựng từng được Liên đoàn Lao động tỉnh sử dụng trong một thời gian dài.
Căn biệt thự của người Pháp xây dựng từng được Liên đoàn Lao động tỉnh sử dụng trong một thời gian dài.

Xung quanh khu nhà hai tầng của chủ mỏ Pháp còn có nhiều biệt thự của các chủ mỏ Pháp, của cán bộ chủ chốt Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ. Những căn biệt thự cổ còn sót lại cũng là minh chứng về một xã hội xa hoa của chủ mỏ thu nhỏ xa vời, đối lập với đời sống đen tối của những người phu mỏ thời ấy.

Di tích nhà giam của thực dân Pháp nay chỉ còn là một tấm biển nhỏ trên tường đá rêu phong cuối con đường Lê Thánh Tông gần ra bến phà cũ. Cái cửa nhà giam vẫn còn ghi lại chứng tích một thời đau thương của Vùng mỏ. Riêng khu nhà hai tầng của chủ mỏ ngày xưa, hiện nay vẫn là nơi làm việc của cán bộ nhân viên Trung tâm Điều hành sản xuất Than tại Quảng Ninh, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Bến phà Bãi Cháy chứng kiến cảnh người Pháp rút khỏi Vùng mỏ. Ảnh: TTXVN.
Bến phà Bãi Cháy chứng kiến những binh lính Pháp rút khỏi Vùng mỏ. Ảnh: TTXVN
 
 

Bến phà Bãi Cháy nối đôi bờ Bãi Cháy - Hòn Gai là một trong số những địa danh, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thị xã Hòn Gai. Theo tư liệu lịch sử ngày 12/3/1883, tàu chiến của hải quân Pháp tiến vào vụng Cửa Lục, đóng đồn trên đỉnh đồi Bãi Cháy, mở đầu cho 72 năm chiếm đóng và khai thác than ở Vùng mỏ. Bến phà Bãi Cháy ra đời cũng căn bản từ ngày ấy.

Trưa ngày 24/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rút xuống tàu ở bến phà Bãi Cháy (phía Hòn Gai), như là dấu chấm hết của 72 năm thực dân Pháp chiếm đóng và khai thác các mỏ than Quảng Ninh. Từ đây, lịch sử của Vùng mỏ mở sang một trang mới.

 
 
Khu di tích Vũng Đục ở phường Cẩm Đông thành phố Cẩm Phả  tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng. Đảng bộ và nhân dân thành phố Cẩm Phả đã xây dựng đài tưởng niệm ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi mà thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển. Ngay cạnh đài tưởng niệm là ngôi đền được xây dựng là nơi quy tụ linh hồn các liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng Vùng mỏ.

Ở Cẩm Phả hiện còn nhà làm việc của Vavasseur - viên quan đại lý người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả, đồng thời cũng là trụ sở làm việc của các quan Pháp và dinh thự của chủ nhất và bệnh viện thời Pháp. Sau khi Vùng mỏ được giải phóng năm 1955 thì khu nhà này là trụ sở của Thị ủy Cẩm Phả trong một thời gian dài, hiện Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đang quản lý.

Để lưu trữ hàng trăm tranh, ảnh, hiện vật về lịch sử phát triển của vùng than, một dự án cải tạo, bảo tồn khu Thị ủy cũ thành Khu lưu niệm vùng than Cẩm Phả nằm trong khuôn viên Trung tâm Hợp tác đào tạo Hồng Cẩm,  Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam tại phường Cẩm Tây đang được thực hiện.

Phối cảnh Khu lưu niệm vùng than Cẩm Phả với 2 khối nhà Thị ủy cũ, nhà Bệnh viện, lầu vọng cảnh và hệ thống cây xanh, sân vườn.
Phối cảnh Khu lưu niệm vùng than Cẩm Phả với 2 khối nhà Thị ủy cũ, nhà Bệnh viện, lầu vọng cảnh và hệ thống cây xanh, sân vườn.

Khu vực bảo tồn có diện tích khoảng 4.800m² bao gồm Nhà Thị ủy cũ, nhà Bệnh viện Cẩm Phả cũ, lầu vọng cảnh và hệ thống sân vườn, cây xanh cổ thụ. Chủ đầu tư dự án là Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam với tổng mức đầu tư dự kiến 15 tỷ đồng.

Khu vực tầng 2 Bệnh viện là không gian trưng bày  Vùng than Cẩm Phả sau tiếp quản, giải phóng qua các giai đoạn 1956 - 1975 - 1986 đến nay. Ngoài ra, tại điểm đón khách tham quan khi vào Khu lưu niệm vùng than Cẩm Phả sẽ có lời giới thiệu về vùng than Cẩm Phả và bản đồ các mỏ khai thác than tiêu biểu tại Cẩm Phả.

Bên cạnh đó, còn nhiều di tích khác như: Núi Bài Thơ và cảng Cửa Ông, nơi cắm cờ Tổ quốc ngày tiếp quản Vùng mỏ. Cầu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông là một trong 7 cầu trục do Pháp thiết kế và chế tạo, cầu trục Poóc-tích số 1 với công suất thiết kế ban đầu là 52 tấn/giờ được đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/1928. Ngày 25/4, lá cờ Tổ quốc tung bay ở đây đánh dấu sự kiện Vùng mỏ hoàn toàn được làm chủ.

Nguồn: baoquangninh.com.vn

Chia sẻ bài viết:

Hình ảnh hoạt động

Các ca khúc về phòng, chống dịch Covid-19 tham gia Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu"

Ca khúc Công đoàn Than - Khoáng sản