Thực trạng và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động Mạng lưới An toàn vệ sinh viên.
Trước hết phải khẳng định mạng lưới An toàn vệ sinh viên (ATVSV) có vị trí quan trọng trong công tác an toàn vệ sinh lao động, là lực lượng nòng cốt thực hiện chức năng đôn đốc, nhắc nhở, giám sát phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động xảy ra tại nơi sản xuất.
Mạng lưới ATVSV trong những năm qua đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, nhưng cũng phải thấy rằng còn một số yêu cầu đòi hỏi ATVSV cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, kỹ năng hoạt động, để đạt được hiệu quả, đặc biệt là ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như ngành khai thác mỏ, vì vậy việc đánh giá thực trạng để từ đó tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới ATVSV là một việc làm cần thiết.
Thực trạng hoạt động của mạng lưới ATVSV:
Đối với Công ty CP than Vàng Danh hiện tại có 40 đơn vị với tổng số 288 ATV. Trong đó: Khối Khai thác, Đào lò có 26 đơn vị với 196 ATV; Khối Dây chuyền - Mặt bằng 14 đơn vị với 92 ATV; Về trình độ: Số ATV có trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học: 82 người chiếm tỷ lệ 28,4 %; số ATV còn lại qua đào tạo CNKT: 206 người chiếm tỷ lệ 71,6 %; số ATV là thợ bậc cao (5/6; 6/6): 210 người, chiếm tỷ lệ 73%.
Mạng lưới ATVSV hoạt động dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ban chấp hành Công đoàn, có sự phối hợp chỉ đạo của chuyên môn (phối hợp với Giám đốc, Hội đồng BHLĐ). Giám đốc và Công đoàn Công ty xây dựng Quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV quy định cụ thể về chế độ trách nhiệm, quyền lợi đối với ATVSV. Hàng năm đều có Nghị quyết liên tịch giữa Giám đốc - Công đoàn - Đoàn Thanh niên Công ty “Về việc thực hiện công tác ATVSLĐ’’, trong đó có nội dung về hoạt động của mạng lưới ATVSV.
Hàng tháng ATV được hưởng phụ cấp theo quy định: 9 tháng năm 2017 đã xét duyệt trả phụ cấp cho 2489 lượt ATV với 1907 kiến nghị, số tiền: 783,7 triệu đồng; hàng quý Giám đốc Công ty xét thưởng cho ATV xuất sắc được bình bầu từ các đơn vị: 9 tháng năm 2017 Giám đốc Công ty khen thưởng cho 380 lượt ATV với số tiền 95 triệu đồng. Ở một số đơn vị cũng có sự quan tâm động viên ATV hoạt động như: thưởng cho ATV hàng tháng từ nguồn quỹ của đơn vị, được ưu tiên động viên khi có chế độ tham quan, du lịch, xét thi đua... hằng năm Công đoàn công ty phối hợp với chuyên môn tổ chức cho ATV xuất sắc được đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm số lượng từ 48 - 50 ATV.
Công đoàn Công ty tổ chức tập huấn mạng lưới ATVSV 1 lần/năm. Tổ chức Hội nghị tọa đàm chuyên đề về Công tác ATVSLĐ và nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới ATVSV từ 1 đến 2 lần/năm; Công ty tổ chức thi An toàn vệ sinh viên giỏi mỗi năm một lần; Hằng tháng các đơn vị sinh hoạt mạng lưới ATVSV đều có đăng ký với Công đoàn Công ty để Công đoàn Công ty cử cán bộ xuống các đơn vị dự và chỉ đạo.
Hoạt động mạng lưới ATVSV được gắn vào tiêu chí chấm điểm để phân loại tổ Công đoàn, Công đoàn bộ phận. Công ty cũng có quy định đầu ca, trước khi giao việc cho công nhân, ATV được dành 3 đến 5 phút để nhắc nhở rút kinh nghiệm về công tác ATVSLĐ; Công đoàn Công ty trang bị bảng panô ghi nhiệm vụ, quyền hạn của ATVSV được treo ở nhà giao ca các đơn vị sản xuất.
Phải nói rằng trong thời gian qua đã có sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện cho ATVSV hoạt động của các cấp. Tuy vậy hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV chưa đạt được kết quả như mong muốn do những nguyên nhân sau đây:
1. Một số ATVSV chưa cương quyết đấu tranh với những vi phạm do ngại va chạm với những thành viên khác trong tổ, nhóm làm việc do tình cảm đồng đội, anh em trong tổ, trong ca sản xuất.
2. ATV là công nhân trực tiếp sản xuất, là một thành viên trong tổ sản xuất nên phải thực hiện các nghĩa vụ của mình như các thành viên khác vì khối lượng công việc được giao chung cho tổ, nhóm sản xuất và gắn với thu nhập nên những sai sót về an toàn lao động dễ bị bỏ qua.
3. Một số ATV hạn chế về khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Thực tế cho thấy An toàn viên có trình độ về tay nghề, có tinh thần trách nhiệm trong làm việc nhưng trong số đó khả năng tuyên truyền, vận động chưa đạt yêu cầu.
4. Một số đơn vị có sự sắp xếp do tổ chức sản xuất nên cũng làm ATV có sự thay đổi.
5. Vẫn còn đơn vị hoạt động mạng lưới ATVSV chưa được BCH Công đoàn bộ phận quan tâm, biểu hiện ở tỷ lệ phụ cấp thấp, có tháng không đăng ký sinh hoạt mạng lưới với Công đoàn Công ty.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hoạt động của mạng lưới ATVSV:
Từ thực trạng hoạt động của mạng lưới ATVSV rút ra được một số kinh nghiệm đồng thời đề ra các giải pháp trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cho mạng lưới ATVSV như sau:
Một là: Phải chú ý đến việc bầu chọn ATVSV từ tổ sản xuất, việc bầu chọn phải mang tính khách quan, có sự đồng ý tín nhiệm của các thành viên trong tổ sản xuất, Công đoàn chỉ hướng dẫn giám sát. Việc bầu chọn An toàn viên phải chú ý đến các tiêu chuẩn: Trước hết ATV phải có khả năng hiểu biết về công việc mình làm, trong nhóm mình làm; có uy tín, gương mẫu và có tinh thần trách nhiệm, có khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Việc bầu chọn mà chuẩn thì người ATVSV đó trong tổ sản xuất ít bị thay thế như vậy đảm bảo tính ổn định vì phải mất một thời gian chúng ta mới có được một ATVSV có kinh nghiệm.
Hai là: Nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức Công đoàn từ cấp tổ, bộ phận đến Công ty trong việc quản lý, đôn đốc chỉ đạo sinh hoạt, hoạt động đến việc đề nghị với chuyên môn tạo các điều kiện hỗ trợ để cho ATV hoạt động như: Đơn vị dành một thời gian nhất định để ATV tuyên truyền, kiểm tra nơi làm việc, có chế độ thưởng cho ATV hoạt động tích cực hàng tháng, có chế độ ưu tiên khi xét tham quan du lịch, xét thi đua, đối tượng kết nạp vào Đảng...
BCH Công đoàn có ý kiến tham gia với thủ trưởng phải luôn lắng nghe, tôn trọng và giải quyết kịp thời kiến nghị của ATVSV bằng những việc làm cụ thể, kiến nghị đề nghị Thủ trưởng giải quyết, kiến nghị được ghi vào sổ kiến nghị, Thủ trưởng xem nghiên cứu rồi ghi vào sổ: Thời gian thực hiện, biện pháp thực hiện ngắn gọn cụ thể, như vậy là có tính tôn trọng những kiến nghị của ATVSV.
Ba là: Đổi mới công tác huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ cho mạng lưới ATV như: Đề xuất chương trình huấn luyện, thời gian huấn luyện, biên soạn tài liệu huấn luyện phù hợp với thực tế từng ngành nghề.
Trên đây là một số trao đổi về mô hình hoạt động của mạng lưới AT-VSV tại Công ty CP than Vàng Danh. Với mục đích nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Mạng lưới ATVSV, phấn đấu giảm thiểu tối đa số vụ TNLĐ và sự cố xảy ra trong qua trình sản xuất./.
Công Hạnh